Thực trạng đau đầu của y tế TQ: Nhường giường cho bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bị đẩy đi đâu?

Lê Thu |

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư, chấn thương sọ não tại Trung Quốc đã bị gián đoạn, kéo dài thời gian điều trị.

Tờ Tài Tân (Trung Quốc) mới đây cho biết, trái ngược với nỗ lực của cuộc chiến phòng chống và kiểm soát dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (Covid-19), không gian khám và điều trị giành cho những bệnh nhân không nhiễm Covid-19 đã không ngừng bị thu hẹp, nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng các bệnh nhân cũng tăng cao.

Lý Bình (tên nhân vật đã được thay đổi), bệnh nhân 49 tuổi đến từ Vũ Hán, đã hôn mê trong một tháng, trước đó đã chuyển qua 3 bệnh viện nhưng đều không nhận được sự chữa trị kịp thời từ các bác sĩ Khoa Chấn thương sọ não.

Triệu Khang (tên nhân vật đã được thay đổi), 62 tuổi, trước tết vì bị sỏi thận đã tới Bệnh viện số 1 Vũ Hán để làm phẫu thuật đặt ống stent trong niệu quản, và được hứa hẹn sau tết sẽ tiến hành tán sỏi nhưng vì bệnh viện được chỉ định là bệnh viện chẩn đoán triệu chứng sốt [cho người dân] của thành phố Vũ Hán.

Cho đến nay, ông vẫn chưa tìm được bệnh viện nào có thể tiến hành thao tác tiếp theo, trong khi ông có nguy cơ bị viêm, thậm chí là suy thận.

Lương Thao (tên nhân vật đã được thay đổi), người thành phố Hoàng Cương, có một cô con gái 3 tuổi bị khối u võng mạc vào năm ngoái, cuối tháng 11 đã tiến hành phẫu thuật mắt trái tại bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh; sau đó điều trị hóa trị hai lần; đến nay chỉ thiếu lần hóa trị cuối cùng nhưng lại bị mắc kẹt ở Hồ Bắc.

Bệnh viện địa phương Hoàng Cương không tiến hành hóa trị cho những trẻ em đã tiến hành hóa trị ở nơi khác. Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán không nhận thêm bệnh nhân bởi phải tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 và đang thiếu giường bệnh.

Tại bệnh viện Ung bướu trực thuộc Đại học Trung Sơn Quảng Châu, Minh Minh 15 tuổi, đã gần 10 ngày trôi qua kể từ ngày lẽ ra em phải được điều trị hóa trị, nhưng không thể đặt được giường bệnh. Bé Văn Văn, 2 tuổi, đã hoàn thành tất cả liệu trình hóa trị từ trước tết, vốn được hẹn sau tết tiến hành phẫu thuật nhưng do dịch bệnh nên đã bị hủy bỏ, khối u của em tái phát lần hai và đang lan rộng, nhưng thời gian phẫu thuật vẫn đang ở rất xa.

Thực trạng đau đầu của y tế TQ: Nhường giường cho bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bị đẩy đi đâu? - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh cơ bản, hiểm nghèo tại Trung Quốc đã bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Đợt bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã làm chậm quá trình nhập viện điều trị của các bệnh nhân ở khắp các bệnh viện trên toàn Trung Quốc. Dấu hiệu khởi phát của dịch bệnh Covid-19 không rõ ràng nhưng có tính lây nhiễm cao.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã nhiều lần ban hành công văn kêu gọi tăng cường quản lý các phòng khám chẩn đoán triệu chứng sốt tại các bệnh viện và khu vực trọng điểm, đồng thời kiểm soát sự lây nhiễm trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo hộ nhân viên y tế.

Hiện tại, các bệnh viện trên khắp Trung Quốc đã tăng cường phân loại và sàng lọc trước, đặt lịch hẹn cho các phòng khám ngoại trú, mở ra kênh tư vấn trực tuyến, khoa cấp cứu mở cửa 24/24, vẫn tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, nhưng phẫu thuật phân kỳ sẽ bị đình chỉ trên diện rộng.

Trước khi nhập viện và phẫu thuật, bệnh nhân thường phải trải qua bước kiểm tra xác định không nhiễm bệnh Covid-19, bao gồm được hỏi về lịch sử dịch tễ, làm xét nghiệm máu và kiểm tra CT, một số khu vực và bệnh viện còn yêu cầu xét nghiệm axit nucleic.

Tuy nhiên, do các biện pháp này không thể loại trừ hoàn toàn khả năng nhiễm virus corona, nhiều nơi vẫn liên tiếp xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Tỉ lệ giữa số lượng bệnh nhân điều trị, làm phẫu thuật so với giường bệnh của nhiều bệnh viện đều đạt ở mức thấp nhất.

Bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất

Ông Lý Bình bị tai nạn xe hơi từ trước tết. Ngày 19/1, ông được đưa vào Khoa chăm sóc đặc biệt ICU của Bệnh viện Hiệp Hòa, Vũ Hán trong tình trạng hôn mê. Ông bị thương ở mắt, xuất huyết não, sau khi chẩn đoán bác sĩ khuyên thời gian đầu nên điều trị bảo tồn.

Chia sẻ với Tài Tân, con gái ông cho biết: "Mấy ngày đó tình trạng của bố tôi vẫn ổn, vết thương ở mắt cũng không cần làm phẫu thuật, bác sĩ nói sau khi được điều trị có thể tự khỏi, ngoài ra trong lúc hôn mê ông vẫn có ý thức".

Nhưng vào tối ngày 22/1, tình hình dịch bệnh thay đổi nhanh chóng. Bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán có sự điều chỉnh khẩn cấp, quyết định đưa bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 chuyển sang bệnh viện khác. Lý Bình do xuất hiện triệu chứng sốt lâm sàng nên đã bị đưa vào danh sách chuyển viện.

Vào nửa đêm hôm đó, ông được đưa vào Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán, được bệnh viện điều trị như một bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19, bốn ngày sau lại được chuyển đến bệnh viện Kim Ngân Đàm, nhưng cả hai bệnh viện chỉ tiến hành điều trị viêm phổi, không hề có bác sĩ điều trị chấn thương não cho ông.

"Chúng tôi được chuyển từ bệnh viện Chữ Thập Đỏ vào thời điểm đó vì dường như thiếu giường bệnh, sau đó môi trường cách ly không tốt, thuốc điều trị cũng bị thiếu, nên chúng tôi bị chuyển đến bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi được chỉ định để điều trị viêm phổi", con gái ông Lý cho biết thêm.

Bệnh viện Kim Ngân Đàm không cho phép người nhà đi theo chăm sóc, do đó từ ngày 26/1 đến nay, con gái ông Lý chưa được gặp cha mình, cô được biết rất ít về bệnh tình của cha mình, chỉ biết rằng trong mấy tháng gần đây ông chưa hề tỉnh lại. "Cho đến nay đã một tháng rồi, trước đó chúng tôi đã cầm tờ chụp CT đi hỏi bác sĩ, họ nói đã lỡ thời gian điều trị tốt nhất rồi".

Nhưng thực tế, Lý Bình không bị nhiễm bệnh viêm phổi do virus corona mới. Ngày 10/2, sau khi được bệnh viện Kim Ngân Đàm kiểm tra, ông này đã được loại trừ nghi nhiễm. Phía bệnh viện gọi điện cho người nhà thông báo bệnh nhân có thể xuất viện. Con gái ông nhờ bệnh viện Kim Ngân Đàm tìm giúp bệnh viện có thể điều trị chấn thương não, bệnh viện cũng đã ghi lại thông tin chi tiết của bệnh nhân, bày tỏ sẵn lòng giúp cô liên hệ.

Nhưng vào ngày 14/2, bệnh viện gọi lại, nói với cô rằng họ không thể liên hệ được giường bệnh, hy vọng cô có thể đón bệnh nhân về nhà.

Vào tối ngày 18/2, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán đã công bố "Danh sách bệnh viện tiếp nhập điều trị cho những bệnh nhân không bị Covid-19 trên toàn thành phố" lần thứ hai, công bố 15 bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân nguy kịch như bệnh tim mạch, não cấp tính, chấn thương...

Phóng viên báo Tài Tân đã gọi điện đến bệnh viện Nhân Dân khu Đông Tây Hồ, một bệnh viện gần với bệnh viện Kim Ngân Đàm nhất, một bác sĩ Khoa Nội thần kinh nói rằng, họ sẽ cố gắng điều chỉnh giường bệnh trong phòng chăm sóc đặc biệt ICU của bệnh viện, nhưng do tình trạng bệnh nhân khá nặng nên vẫn kiến nghị người nhà liên hệ bệnh viện lớn để được điều trị.

"Chúng tôi đã gọi cho rất nhiều bệnh viện, một số nói rằng không có giường bệnh, một số khác thì nói nguy cơ lây nhiễm khi làm phẫu thuật quá lớn, bệnh viện Hiệp Hòa Vũ Hán lại không mở Khoa Chấn thương sọ não", con gái ông Lý Bình nói.

Đến ngày 21/2, đã 34 ngày trôi qua kể từ khi lần đầu tiên nhập viện, ông Lý Bình vẫn nằm tại bệnh viện Kim Ngân Đàm, tình hình sức khỏe về cơ bản ổn định, nhưng vẫn chưa tỉnh lại, càng khó hơn để được chữa trị hiệu quả từ bác sĩ chuyên khoa chấn thương não.

Bị buộc phải gián đoạn quá trình điều trị

Một số bệnh viện mở ra những phương pháp như tư vấn trực tuyến để thuận tiện cho người bệnh, nhưng so với bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, những bệnh nhân không bị nhiễm bệnh lại có tình hình và nhu cầu khác nhau, những vấn đề mà tư vấn trực tuyến có thể giải quyết rất hạn chế.

Triệu Khang, 62 tuổi, bị sỏi thận từ trước tết, đã thực hiện phẫu thuật đặt ống dẫn lưu niệu quản tại Bệnh viện số 1 Vũ Hán, bác sĩ phụ trách giường bệnh nói với ông rằng, sau hai tuần, khi tình trạng viêm không còn nữa có thể làm phẫu thuật lần hai để tán sỏi và cắt bỏ ống.

Nhưng vào ngày 11/2, bệnh viện này được chỉ định điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19, do đó đến nay ông không tìm được bệnh viện nào có thể tiến hành các thao tác điều trị tiếp theo.

"Hiện tại không có bệnh viện nào tiếp nhận chúng tôi", con trai của Triệu Khang nói với phóng viên báo Tài Tân, ngày 1/22, Bệnh viện số 1 Vũ Hán nói với anh rằng, hiện nay những bệnh nhân muốn điều trị rút ống, tán sỏi đều được sắp xếp ở bệnh viện Trường Hàng. Tuy nhiên, thông qua bạn bè, anh được biết Khoa Tiết niệu của bệnh viện Trường Hàng đã đóng cửa từ lâu, các nhân viên y tế đều đã được sáp nhập để hỗ trợ cho các phòng khám sốt tuyến đầu.

"Chúng tôi nhờ khu vực giúp đỡ, họ giúp chúng tôi liên hệ, sau đó sắp xếp xe, chúng tôi đã đến Bệnh viện Đồng Tế, Bệnh viên Y học Trung Quốc, nhưng Khoa Tiết niệu về cơ bản đều đã đóng cửa. Ngoài ra, phẫu thuật này cần phải nội soi bàng quang, hôm trước chúng tôi lại đến bệnh viện Hán Dương, nghe nói ở đó có phòng khám phổ thông, nhưng bác sĩ nói ở chỗ họ không mở phòng soi bàng quang. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay làm phẫu thuật rất nguy hiểm, dễ bị lây nhiễm bệnh Covid-19", con trai ông Triệu Khang nói.

Lương Thao thì hy vọng cô con gái 3 tuổi được sắp xếp hóa trị. Con gái anh bị ung thư võng mạc, cuối năm 2019 đã làm phẫu thuật tại Bắc Kinh, nhưng còn thiếu một lần hóa trị nữa, hiện nay đang bị mắc kẹt tại địa phương.

Tháng 8/2019, con gái của Lương Thao bị bệnh về mắt, mắt cô bé hiện ánh sáng xanh mờ dưới ánh đèn chiếu xuống vào ban đêm, thường được gọi là triệu chứng "mắt mèo". Ngày 30/9 cùng năm, anh đưa con gái đến Bắc Kinh để điều trị, bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh, trực thuộc Đại học Y đã xác nhận bé bị khối u ác tính giai đoạn 4 ở mắt trái.

Lương Thao quyết định cho con tiến hành phương án điều trị phẫu thuật. Sau lần hóa trị thứ hai, con gái anh đã trải qua phẫu thuật cắt mắt trái vào ngày 27/11. Để ngăn chặn tế bào ung thư lây lan, bác sĩ điều trị chính đã sắp xếp phương án hóa trị ba chu kỳ, trước mắt đã hoàn thành hai chu kỳ.

Thực trạng đau đầu của y tế TQ: Nhường giường cho bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bị đẩy đi đâu? - Ảnh 3.

Nhiều bệnh viện tại Trung Quốc được chỉ định là bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nên số giường bệnh dành cho các bệnh nhân mắc bệnh khác bị thu hẹp. Ảnh: AP

Sau khi kết thúc đợt điều trị thứ hai, Lương Thao đưa con gái trở lại Hoàng Cương, Vũ Hán vào ngày 14/1, nhưng dịch bệnh ở Hồ Bắc bùng phát không lâu sau đó khiến kế hoạch trở lại Bắc Kinh vào ngày 24/1 của cha con anh không thể thực hiện được. Lần hóa trị cuối cùng lẽ ra phải hoàn thành trước ngày 28/1, hiện đã bị trì hoãn được 1 tháng.

Được biết, di chuyển từ Hoàng Cương đến nơi khác không hề dễ dàng, cần phải có giấy thông hành được phép ra khỏi Vũ Hán.

"Không chỉ là giấy thông hành cho phép ra khỏi Vũ Hán, còn cần phải có giấy thông hành cho phép vào Bắc Kinh. Chúng tôi cũng đã hỏi bác sĩ tại Bệnh viện Đồng Nhân, nếu không bị nhiễm Covid-19, không bị cảm lạnh và sốt, họ có thể không phải nghiêm ngặt cách ly 14 ngày hay không. Nhưng vì bác sĩ điều trị chính phải tiếp xúc với trẻ em, nên vẫn cần phải nghĩ đến sức khỏe cộng đồng", Lương Thao nói với Tài Tân.

Do không thể tới Bắc Kinh, Lương Thảo bắt đầu hỏi các bệnh viện ở Hồ Bắc. Khi liên hệ với bệnh viện tại Vũ Hán, chỉ có bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán có thể tiếp nhận hóa trị cho trẻ em, nhưng do cùng lúc đó bệnh viện Nhi đồng phải chữa trị cho những bệnh nhân bị nhiễm virus corona mới, mà việc hóa trị sẽ làm giảm đáng kể khả năng miễn dịch của cơ thể nên bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán đã khuyên Lương Thao không nên đến bệnh viện điều trị trong thời gian gần đây.

Nhiều bệnh nhân lo lắng

Tình trạng phẫu thuật khó khăn, không có giường bệnh không chỉ xuất hiện ở Hồ Bắc.

Ngày 7/1, Thẩm Lạc (tên nhân vật đã được thay đổi) đưa mẹ đi kiểm tra các vấn đề về trực tràng tại một bệnh viện địa phương ở Hắc Long Giang và phát hiện ra bà bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

Bác sĩ đề nghị anh đưa mẹ mình đến bệnh viện lớn để điều trị. Ngày 9/1, họ đến Bắc Kinh, sau đó tới rất nhiều bệnh viện để chẩn đoán, cuối cùng họ quyết định tiến hành phẫu thuật tại bệnh viện Ung bướu thuộc Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc, thông qua các giai đoạn xác định bệnh lý trong khi phẫu thuật để xem xét các bước điều trị tiếp theo.

Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật dự kiến diễn ra vào ngày 3/2 hiện tại đang rất xa vời. Ngày 30/1, Thẩm Lạc nhận được cuộc gọi từ bệnh viện, nói rằng hiện tại không có đủ điều kiện tiến hành phẫu thuật cách ly.

"Bác sĩ nói đồng phục mặc khi phẫu thuật khác với đồng phục mặc khi cách ly, nếu mặc đồng phục cách ly có thể sẽ không dễ thao tác, cũng không đủ điều kiện cách ly sau phẫu thuật. Bác sĩ cũng lo lắng rằng, nếu có người khác tới, có thể không bị sốt nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh, mọi người đều mới làm phẫu thuật xong, sức đề kháng rất yếu, sau đó nếu xuất hiện lây nhiễm trong bệnh viện, việc này sẽ vô cùng nghiêm trọng", Thẩm Lạc chia sẻ.

Bác sĩ yêu cầu Thẩm Lạc ở lại Bắc Kinh đợi thông tin thêm vài ngày nữa. Họ thuê một phòng trọ theo ngày ở gần bệnh viện. Sau một tuần, bác sĩ phẫu thuật chính đã gọi điện cho anh: "Ý của ông ấy là rất muốn phẫu thuật cho chúng tôi, nhưng do bệnh viện hiện giờ không có đủ đều kiện, toàn Bắc Kinh cũng không cho phép làm phẫu thuật dạng này, vì sợ nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra, vì vậy không có sự cho phép của cấp trên, ông ấy không thể làm được. Ông ấy rất hiểu tâm tư của chúng tôi, nhưng ông ấy cũng rất khó xử, cũng hy vọng chúng tôi sớm nhận được sự trợ giúp".

Tại Quảng Châu, rất nhiều trẻ em bị bệnh máu trắng đều phải "kéo dài điều trị". Minh Minh 15 tuổi, là bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Ung bướu, Đại học Trung Sơn. Trước tết do một số chỉ số bất thường, em luôn trong tình trạng sốt, không thể thuận lợi hoàn thành đợt hóa trị cuối cùng. Cha mẹ em vốn cho rằng đợt hóa trị cuối cùng sẽ được diễn ra vào ngày 9/2 và họ có thể về nhà vào tháng 3.

Nhưng vào ngày 6/2, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện, Bệnh viện Ung bướu đã bố trí xuất viện cho những bệnh nhân nhập viện điều trị, phòng 6 người ban đầu giờ chỉ giữ lại một bệnh nhân.

"Bác sĩ nói vì bệnh viêm phổi, sợ trong viện xảy ra lây nhiễm, sau đó đưa chúng tôi xuất viện hoặc chuyển viện, nhưng không có nơi nào để chuyển, nếu chuyển qua thì số lượng bệnh nhân họ tiếp nhận cũng có hạn. Chúng tôi đành ở nhà đợi thông báo của bệnh viện.", bố của Minh Minh nói với Tài Tân.

Thực trạng đau đầu của y tế TQ: Nhường giường cho bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bị đẩy đi đâu? - Ảnh 5.

Muốn ra khỏi thành phố, các bệnh nhân phải có giấy xác nhận của địa phương. Ảnh: AP

Thời gian chờ điều trị liên tục bị kéo dài

Nhân viên của Trung tâm huyết học truyền máu Vũ Hán tiết lộ với Tài Tân rằng, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, số người hiến máu trên đường phố Vũ Hán đã giảm đi rất nhiều, lượng máu thu được mỗi ngày chưa đến 10 đơn vị, lượng hiến máu trung bình mỗi ngày ở mức 70 đơn vị điều trị, công tác hiến máu nhân đạo bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nhưng anh nói rằng, Vũ Hán không xuất hiện tình trạng "thiếu máu" một cách rõ rệt, nguyên nhân là do việc sử dụng máu lâm sàng ở Vũ Hán cũng giảm đi đáng kể, vì phẫu thuật tự chọn bệnh viện giảm mạnh, lượng tiêu thụ hồng cầu lâm sàng ở Vũ Hán giảm 60% - 70%, tiểu cầu giảm 50%, "bởi vì áp lực quá lớn từ việc phải điều trị các bệnh nhân Covid-19, hiện nay phẫu thuật quả thực không nhiều".

Hiện nay, tất cả các cơ sở y tế Vũ Hán đang kiểm soát số lượng khám bệnh, kéo giãn thời gian và không gian giữa các bệnh nhân nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện. Một cách khá phổ biến đó là sắp xếp lịch hẹn khám bệnh theo từng quãng thời gian, thăm khám theo giờ, thiết lập tư vấn qua mạng; cấp cứu 24/24 vẫn mở cửa bình thường, phẫu thuật khẩn cấp cũng có thể được thực hiện. Tuy nhiên, phẫu thuật tự chọn phần lớn bị đình chỉ.

Tại Bắc Kinh, một nhân viên y tế tiết lộ với Tài Tân, có bệnh viện đứng đầu top 3 chỉ mở số giường bệnh bằng 30% số lượng giường bệnh trước đó, một phần là do nhiều bệnh nhân ở nơi khác hiện tại không đến được Bắc Kinh; mặt khác, do nhiều hoạt động phẫu thuật tự chọn bị tạm dừng.

"Việc chúng tôi thực hiện đó là chỉ được sắp xếp một bác sĩ khám tại một khu khám bệnh trong một khoảng thời gian, bệnh nhân chỉ cần đặt lịch hẹn khám, chúng tôi hiện tại đã mở ra 4 khu khám bệnh", Viện trưởng Hình Di Kiều của bệnh viện mắt Aier Vũ Hán cho biết, bệnh viện đã từng có khoảng 1000 lượt khám mỗi ngày, nhưng hiện tại lượng bệnh nhân được lên lịch hẹn khám về cơ bản được kiểm soát trong vòng 50 người.

Nhiều bệnh viện khác đã giảm số lượng bệnh nhân nhập viện để cách ly và bảo đảm đối với nhân viên và không gian cần thiết. "Phía Bệnh viện Ung bướu của Đại học Trung Sơn đã giảm toàn bộ số lượng điều trị hóa trị, giường bệnh có hạn, một số người phải kéo dài điều trị", bố của bé Minh Minh nói. "Ban đầu có hơn 30 giường, bây giờ mỗi phòng chỉ có thể ở một người, giảm đi 2/3 bệnh nhân, những đứa trẻ được xuất viện trước đây thay phiên nhau đi hóa trị, thời gian điều trị đều bị trì hoãn".

Thẩm Lạc từng cân nhắc làm phẫu thuật khẩn cấp cho người mẹ bị ung thư trực tràng, nhưng sau khi hỏi rất nhiều bác sĩ thấy rằng phương pháp này không khả thi, "chỉ khi nào tình trạng sức khỏe nguy kịch mới làm phẫu thuật khẩn cấp, tức bắt buộc phải tắc nghẽn hoàn toàn".

Cân nhắc khó khăn

Hiện nay, nhiều nơi đã đề xuất rõ ràng phải đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân không mắc Covid. Ngày 21/2, Đơn vị chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố Vũ Hán đã thành lập một "đội điều trị y tế cho bệnh nhân không nhiễm Covid-19", nhiệm vụ chính của đội ngũ này là tổng hợp, điều phối nguồn lực y tế của toàn thành phố, thiết lập cơ chế điều tiết, lập ra phương án điều trị và danh sách bệnh viện chỉ định giành cho bệnh nhân không nhiễm Covid-19, sắp xếp công tác điều trị các bệnh nhân không nhiễm dịch từ các bệnh thông thường tới bệnh nhân nặng và mãn tính.

Tuy nhiên, đặc biệt đối với bệnh nhân phẫu thuật và nội trú, tiêu chí nhập viện vẫn thuộc thẩm quyền của các bệnh viện, khó khăn trong việc chẩn đoán cho bệnh nhân vẫn tồn tại.

Bởi vì có một tỉ lệ đáng kể kết quả âm tính giả ở các xét nghiệm axit nucleic trong chẩn đoán Covid-19, đối với hầu hết các bệnh viện, bất kể sử dụng phương pháp nào để phòng bị ở lối vào của bệnh viện thì việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân trong tình hình dịch bệnh trước mắt cũng đều phải đối mặt với rủi ro lây nhiễm trong bệnh viện.

Trước khi bệnh nhân đến khám, các bệnh viện hiện nay đều tăng cường các bước kiểm tra trước, khi vào bệnh viện đều phải kiểm tra thân nhiệt. Đối với những bệnh nhân phải nằm viện hoặc phẫu thuật, càng phải thực hiện các biện pháp để loại trừ khả năng nhiễm virus corona, ví dụ như chụp CT, thậm chí là xét nghiệm axit nucleic. Sau đó, các bác sĩ trong khoa liên quan sẽ thảo luận về việc có nên tiếp nhận điều trị hay không. Tuy nhiên, mỗi bệnh viện lại có yêu cầu về tài liệu chứng minh và quy trình khác nhau.

Tại Hồ Bắc, để được ra khỏi khu vực sinh sống, bệnh nhân và người nhà cần phải có giấy chứng nhận không bị nhiễm bệnh Covid-19.

"Quyền lợi được khám bệnh của bệnh nhân là quyền cơ bản của con người. Làm thế nào để bạn đảm bảo được cho bộ phận bệnh nhân này? Đó là trong trường hợp không làm tăng nguy cơ dịch bệnh, lại vừa phải bảo đảm họ được khám bệnh, đây là điểm khó khăn tiếp theo", Giáo sư Tịch Tu Minh, thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phục Hưng nói.

Giáo sư Tịch Tu Minh chỉ ra rằng, để đảm bảo cho những bệnh nhân không mắc Covid-19 được điều trị, hiện tại các bệnh viện lớn không thể đóng cửa, không được ngừng chẩn đoán, nhưng đối với những bệnh nhân đã được điều trị cần phải thông qua việc kiểm tra sàng lọc nghiêm ngặt, giường bệnh cũng hạn chế đến mức thấp nhất.

Tương tự với tình hình quay trở lại làm việc, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với một lượng lớn bệnh nhân từ vùng khác đến để điều trị, khi đó, bệnh viện làm thế nào để quản lý và thiết lập tiêu chuẩn nhập viện, đảm bảo trong khi điều trị không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong bệnh viện, việc này sẽ trở thành một vấn đề khó khăn.

Thực trạng đau đầu của y tế TQ: Nhường giường cho bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bị đẩy đi đâu? - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại