Hãy tưởng tượng trong 10 hoặc 20 năm nữa, khi một thảm họa khủng khiếp như đại dịch zombie, chiến tranh hạt nhân... xảy ra và càn quét thế giới, bạn chỉ có cô độc một mình giữa thành phố đổ nát. Khi đó, thứ cần thiết nhất phải tìm là gì? Chắc chắn là nhu yếu phẩm như thức ăn, nước uống, thuốc men...
Nhưng sau đó thì sao? Liệu bộ dụng cụ khẩn cấp - thứ không được cập nhật trong cả chục năm qua - có thể giúp bạn sống sót? Còn thực phẩm đóng hộp cũng chỉ có thời hạn sử dụng trong 2-3 năm. Khi chung quá hạn, bạn sẽ ăn gì?
Nếu ngày mai thế giới sụp đổ, bạn sẽ... ăn gì?
Là quốc gia thường xuyên phải chống chọi với các trận động đất, sóng thần, thậm chí cả thảm họa hạt nhân, Nhật Bản dường như đã đi trước các quốc gia khác về vấn đề chuẩn bị dự phòng nhu yếu phẩm cho tương lai. Và đó là lý do tại sao ở quốc gia này, bạn có thể tìm thấy những loại thực phẩm có thời hạn sử dụng tới 25 năm. Vâng, chính xác là hạn sử dụng tới 1/4 thế kỷ!
Sự ra đời của thực phẩm phòng chống thiên tai
Sự tồn tại của thời hạn sử dụng là mốc thời gian cho phép chúng ta thưởng thức các món ăn khi nó ở trong điều kiện tốt nhất. Nhiều nghiên cứu khoa học đã công nhận và chứng minh trong thời hạn sử dụng (thời gian tốt nhất để ăn), sự an toàn và hương vị của thực phẩm có thể được đảm bảo. Nhưng những gì sẽ xảy ra sau khi thời hạn sử dụng kết thúc?
Sau khi hết hạn sử dụng, sự phân rã và quá trình oxy hóa sẽ trở thành hai kẻ thù lớn nhất, tiêu diệt thực phẩm. Theo thời gian, thực phẩm sẽ nhanh chóng trở nên hư hỏng và biến chất. Không chỉ không còn ngon miệng, ăn các loại thực phẩm quá hạn sẽ có thể khiến bạn nhiễm bệnh hoặc thậm chí tử vong.
Và thực phẩm phòng chống thiên tai chính là loại thực phẩm đặc biệt, được tạo ra để nhắm vào việc vô hiệu hóa sự phân rã và oxy hóa. Nó làm cạn kiệt mọi nguồn cơn có thể tạo ra hai điều này, do đó có thể kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm.
Đầu tiên, muốn lưu trữ thực phẩm (dù là đóng hộp) trong thời gian dài, cần phải sấy khô chúng ở mức độ cao để loại bỏ độ ẩm đến giới hạn (tối đa 98%), sau đó loại bỏ oxy ra khỏi khu vực lưu trữ bằng chất khử oxy và niêm phong bằng các phương pháp hiệu quả.
Với phương pháp này, thời hạn sử dụng dài 25 năm cho các loại thực phẩm là điều có thể làm được. Nhưng rất khó để đảm bảo các yếu tố trên, đặc biệt là loại bỏ hơi nước đến mức tận cùng.
Kích cỡ của máy sấy đông lạnh tương đương với một toa tàu hỏa.
Người cổ đại từ xa xưa đã tìm cách lưu trữ thực phẩm lâu dài bằng phương pháp sấy khô, loại bỏ độ ẩm. Nhưng nó chỉ mang tính tương đối bởi các phương pháp thông thường không thể loại bỏ nước tới 98%.
Nhưng với khoa học công nghệ, mọi thứ không còn quá xa vời. Các nhà khoa học Nhật Bản, đơn cử như công ty Sei Enterprise, đã bắt đầu sản xuất thực phẩm phòng chống thiên tai vào năm 1978. Công ty này tự hào quảng cáo rằng các sản phẩm mà họ sản xuất, về mặt lý thuyết, có thể được lưu trữ trong 25 năm.
Và không giống như hầu hết mọi người nghĩ về những loại thực phẩm để lâu này chủ yếu có dạng như lương khô hay bánh bột được nén chặt, chúng bao gồm cả súp, cháo và mì.
Những thực phẩm này có thời hạn sử dụng 25 năm
Súp rau, súp gà kem, cháo tôm và bánh quy là những sản phẩm chính của Sei Enterprise. Khi ăn, nhà sản xuất cũng đã xem xét liệu người dùng có thể sử dụng chúng trong điều kiện không có nước nóng, hay nghĩ về các cách ăn khác nhau trong các điều kiện khác nhau.
Tất nhiên, thời hạn sử dụng lâu hơn cũng đại diện cho giá cả cao hơn. Món gà hầm kem của hãng này có giá bán gần 2 triệu đồng, gấp 10 lần một bữa ăn thông thường. Nhưng các nhà sản xuất có những cách riêng để thuyết phục các khách hàng đang do dự về giá cả của mình. Trên trang web chính thức, công ty nhấn mạnh rằng thời hạn sử dụng 25 năm của thực phẩm phòng chống thiên tai có thể làm giảm sự rắc rối trong việc cập nhật thực phẩm cho mỗi hộ gia đình.
Lợi ích lớn nhất đó chính là tiết kiệm thời gian. Vì thời hạn sử dụng dài, người dùng có thể tăng số đồ dự trữ của mình một cách có hệ thống hơn. Ví dụ, thực phẩm khẩn cấp đã được lưu trữ trong 5 năm cần được thay thế sau mỗi 5 năm. Vì vậy, nếu mua thêm 100 suất ăn mới sau mỗi năm, người dùng vẫn không thể dự trữ hơn 500 suất ăn sau 5 năm. Tuy nhiên, nếu chọn loại thực phẩm có thời hạn sử dụng là 25 năm, thì mọi người có thể dự trữ tới 2.500 suất ăn, cao gấp 5 lần.
Thực phẩm phòng chống thiên tai ở Nhật Bản, không chỉ giới hạn ở thời hạn sử dụng dài
Ngoài các loại thực phẩm phòng chống thiên tai có thời hạn sử dụng dài, các công ty Nhật cũng tung ra nhiều loại thực phẩm có thời hạn sử dụng tầm trung, khoảng 5 tới 8 năm. Và chúng thậm chí khá phong phú về chủng loại. Ví dụ hãng Yoshinoya bán các loại cơm thịt bò ăn liền với các hương vị khác nhau. Và chúng có thể được lưu trữ trong 5 năm, với nhiều hương vị phổ biến được giới thiệu trên trang web chính thức.
Họ thậm chí bán cả những chiếc bánh mì có tuổi thọ 5 năm, trông rất đẹp mắt. Tuy nhiên, để bảo quản tốt, chúng được đóng gói trong các lon thiếc, với các hương vị khác nhau đi kèm. Và tất nhiên, giá cũng cao gấp nhiều lần so với bánh mì thông thường.
Bánh mì phòng chống thiên tai phổ biến của Nhật Bản có thời hạn sử dụng 3-5 năm.Thời hạn sử dụng càng lâu thì càng đắt.
Sataka cũng là một công ty có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm phòng chống thiên tai. Thương hiệu này đã cho ra mắt loạt mì spaghetti và cơm với hương vị khá phong phú. Cơm chiên, cơm thịt bò, mì spaghetti và mì ống kem chỉ có thể ăn với nước. Tuy nhiên, đằng sau nhiều hương vị, chúng cũng đảm bảo thời hạn sử dụng dài tới 5 năm.
Thực phẩm phòng chống thiên tai của Sataka có 12 hương vị để lựa chọn.
Thời hạn sử dụng lâu và hương vị phong phú thực sự đã trở thành tiêu chuẩn chung cho các loại thực phẩm phòng chống thiên tai của Nhật Bản. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, các nhà sản xuất cũng bắt đầu tính toán đến các nguyên tắc khác như dị ứng thực phẩm hay thực phẩm dành cho người theo một số tôn giáo đặc biệt. Có một hệ thống các chất dễ gây dị ứng cần tránh khi sử dụng trong các loại thực phẩm có thời hạn sử dụng lâu.
Dần đây, đây đã trở thành một quy ước mới trong ngành. Giờ đây, ngay cả đối với thực phẩm phòng chống thiên tai loại cơ bản như cháo và gạo, các nhà sản xuất sẽ phải dán nhãn rõ ràng ghi tên các chất gây dị ứng có trong thực phẩm trên bao bì để giúp người tiêu dùng lựa chọn theo nhu cầu của họ. Nên biết rằng trong các tình huống nghiêm trọng, rất khó để tìm kiếm sự chăm sóc về y tế do dị ứng thực phẩm. Một số hãng còn đưa ra các sản phẩm dành riêng cho người theo đạo Hồi, với các nguyên liệu và cách chế biến phù hợp với giáo lý của tôn giáo này.
Theo thời gian, khi sự cạnh tranh ngày một tăng lên trong lĩnh vực này, các nhà sản xuất bắt đầu chú ý tới cách đóng gói và bao bì hàng hóa.
Ví dụ như mặt sau của bánh mỳ do thương hiệu Glico sản xuất, ngoài hạn sử dụng 5 năm, còn được đính kèm với các mẹo xử lý thảm họa, như một dạng kênh truyền thông cung cấp thông tin. Các thông tin này có thể làm người tiêu dùng an tâm hơn trong những thời điểm đặc biệt và giúp họ sinh tồn tốt hơn.
Sugita Rika, thuộc phòng phát triển sản phẩm của Sugida, công ty sản xuất thực phẩm phòng chống thiên tai IZAMESHI Deli, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thiết kế bao bì dành cho loại thực phẩm đặc biệt này.
"Ngày nay, mọi người đều có thể ăn uống đầy đủ. Vì vậy, món ăn ngon đã trở thành chuyện đương nhiên. Vì điều này, tôi không muốn mọi người nghĩ rằng thực phẩm phòng chống thiên tai là loại thực phẩm chỉ để ăn khi thảm họa xảy ra. Từ ý nghĩa của thông tin bao bì, tôi hy vọng rằng bao bì của dạng sản phẩm này cũng sẽ phản ánh sự ngon miệng của thực phẩm, thứ có thể mua vă ăn ngon mỗi ngày", ông chia sẻ.
Thực phẩm phòng chống thiên tai của IZAMESHI Deli
Ngoài vẻ ngoài ưa nhìn, các loại bao bì còn được thiết kế một cách tỉ mỉ, chi tiết nhằm đem lại sự tiện lợi tối đã để "không gây thêm rắc rối cho người dân trong khu vực thảm họa". Điều này thậm chí còn được luật hóa.
Cụ thể, theo quy định về Đổi mới Thực phẩm và Đồ uống tại Nhật, thực phẩm phòng chống thiên tai phải theo đuổi xu hướng "tối giản" trong thiết kế bao bì. Chúng được yêu cầu có thể sử dụng trong điều kiện không có công cụ nấu nướng hay bóc mở. Tất cả phải dễ dàng sử dụng cho tất cả mọi người. Những chi tiết này cho thấy sự gần gũi và chân thành của việc thiết kế thực phẩm phòng chống thiên tai ở Nhật Bản.
Khay giấy đi kèm thực phẩm cũng có thời hạn sử dụng 5 năm.
Nhưng dù một số thương hiệu được đề cập ở trên đã có lịch sử hàng thập kỷ ở Nhật, nhưng việc phát triển thực phẩm chống thiên tai tại quốc gia này chưa có hồi kết.
Ví dụ như Sei Enterprise, được thành lập từ năm 1978 bởi người sáng lập Hirai Jin. Công ty đã tạo ra các dòng sản phẩm có thời gian sử dụng lên tới 25 năm, nhưng các đội nghiên cứu của công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại thực phẩm mới với thời hạn sử dụng dài hơn nữa, như 50 đến 100 năm.
Ảnh quảng cáo thực phẩm phòng chống thiên tai được đăng trên các tờ báo cũ của Nhật Bản, hầu hết các sản phẩm tại thời điểm đó được nhập khẩu từ Mỹ.
Năm 1981, thực phẩm chống thiên tai của Sei Enterprise đã được xuất khẩu sang Oregon, Mỹ nhưng chỉ bán được khoảng 1 triệu đơn vị. Suốt thời gian dài sau đó, khách hàng chính của họ là các câu lạc bộ leo núi ở Nhật và các cá nhân mua ủng hộ từ thiện nạn nhân trận động đất lớn ở Kobe năm 1995. Mãi đến khi thành lập hệ thống hạn sử dụng vào năm 1996, công ty mới bắt đầu viết thời hạn sử dụng 25 năm cho thực phẩm của mình, chính thức xây dựng dòng thương hiệu thực phẩm phòng chống thiên tai.
Đến năm 2000, Sei Enterprise cuối cùng đã bán được 10 triệu đơn vị. Từ khi thành lập tới thời điểm đó, công ty đã bán được 30 triệu suất ăn. Đằng sau sự gia tăng dần dần về doanh số đó cũng chính là sự thiết lập dần dần về nhận thức của người dân Nhật Bản trong việc phòng chống thiên tai.
Quy trình cấp đông trước khi tách nước của thực phẩm phòng chống thiên tai.
Cơ hội của ngành công nghiệp này gắn liên với các thảm họa liên tiếp tại Nhật Bản, như động đất, sóng thần và các thảm họa bất ngờ khác.
Và sau thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng ngày 11/3/2011, Nhật Bản mới bắt đầu ngồi lại để đánh giá một cách cẩn thận về thực phẩm phòng chống thiên tại. Bởi trong sự kiện thảm họa này, dù chính quyền đã đảm bảo cung ứng được số lượng thực phẩm khẩn cấp, nhưng không có nước và chất đốt, việc sử dụng thực phẩm rất khó khăn. Ngoài ra, trong các thảm họa kéo dài, với những người phải sống lâu trong khu vực trợ cấp, thực phẩm dự trữ rất kém đa dạng. Nhiều thực phẩm khẩn cấp bị loại bỏ ngay sau ngày hết hạn hay không bao giờ được sử dụng.
Đó là lý do cấp thiết phải thay đổi suy nghĩ về các loại thực phẩm phòng chống thiên tai, biến nó từ loại thực phẩm khẩn cấp thành loại có thể ăn vào những ngày bình thường.
Sau trận động đất năm 2011 đó, ở Nhật Bản, mọi người đặc biệt chú ý đến các loại thực phẩm phòng chống thiên tai được chế biến bằng công nghệ đông khô. Càng ngày, nhiều thương hiệu và chủng loại thực phẩm mới đã xuất hiện nhiều hơn.
Ở các quốc gia khác, công nghệ đông khô vẫn được sử dụng phổ biến trong sản xuất dược phẩm và cà phê hòa tan. Nhưng ở Nhật, nó được dùng để tạo ra thực phẩm phòng chống thiên tai. Và nhiều loại thực phẩm này giờ đã thành lựa chọn yêu thích, được coi là thực phẩm dành cho cắm trại và đi bộ đường dài ở các nước phát triển.
Tất nhiên, bên cạnh thực phẩm, người Nhật đã học cách đầu tư để chuẩn bị cho các thảm họa thiên tai. Từ công nghệ xây dựng nhà cửa đến vật liệu trang trí, hay cách thiết kế các nhà vệ sinh đơn giản và hộp khẩn cấp có tín hiệu GPS. Sự chuẩn bị đầy đủ của người Nhật cho những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai là cách họ lựa chọn để có thể tồn tại trong một môi trường không xác định.
Một bộ cứu trợ khẩn cấp phòng tránh động đất, thảm họa ở Nhật.
Một vài thống kê đã cho thấy Nhật Bản đã thực sự đạt được nhiều tiến bộ lớn sau khi phải "đóng học phí" nhiều lần. Ví dụ như 7% người Nhật nói rằng họ đã chuẩn bị đầy đủ cho các trường hợp thiên tai và 60% số người được hỏi nói rằng họ đã thực hiện một số biện pháp để đối phó với các thảm họa có thể xảy ra trong tương lai.
"Trong một thời đại chưa rõ ràng, chúng ta cần phải chuẩn bị thật cẩn thận", Akiyama Jinshi, chủ tịch của công ty tư vấn Principe Consulting, người đã mua đủ thực phẩm phòng chống thiên tai cho các nhân viên của công ty mình chia sẻ.
Tham khảo Sina