Đài tưởng niệm các nạn nhân vụ rơi máy bay Tu-154 của Nga trên Biển Đen (Ảnb: AIF)
Chuyến bay SBI 1812
Tiết trời thu 2001 bị nhuốm màu ảm đạm bởi vụ tấn công khủng bố xảy ra ở nước Mỹ. Đa phần nạn nhân là những người dân lành vô tội – điều này đã thôi thúc lãnh đạo nhiều quốc gia ngồi lại với nhau để hiệp lực trong cuộc chiến chống kẻ thù chung.
Sẽ không ngoa nếu nói rằng những tuần đầu, ngay sau sự kiện 11/9, cả thế giới nín thở chờ đợi những đợt tấn công khủng bố mới. Và ngày 4/10, khi chiếc máy bay chở khách Tu-154 của Nga biến mất khỏi màn hình radar thì mọi người đều nghĩ ngay rằng: Osama bin Laden lại tái xuất.
Sáng 4/10/2001, máy bay Tu-154 mang số hiệu RA-85693 thuộc Hãng hàng không Siberia, Nga, thực hiện chuyến bay SBI 1812 trên tuyến Tel Aviv - Novosibirsk cất cánh từ sân bay David Ben Gurion, Israel. Trên khoang máy bay có 66 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Chuyến bay vẫn diễn ra bình thường đến trước 13h45 phút (giờ Moscow), sau đó máy bay biến mất khỏi màn hình radar. Thời điểm biến mất, máy bay đang ở độ cao 11.000 m, cách Sochi 200 km về phía Tây Bắc. Ngay lúc đó, nhân viên kiểm soát không lưu nhận được thông báo từ chiếc An-24 của Hãng Armavia đang bay trong khu vực với Tu-154 gặp nạn. Phi công của An-24 thông báo rằng anh ta đã phát hiện tia sáng ở tầng trên.
Sau rất nhiều đồn đoán về nguyên nhân tai nạn, Đài truyền hình Mỹ đưa ra thông báo: máy bay chở khách của Nga gặp nạn do bị tên lửa của hệ thống S-200 của Ukraine bắn trúng khi đang tiến hành tập trận.
Bộ Quốc phòng Ukraine đã khẳng định, nước này đang tiến hành tập trận bắn đạn thật cho các hệ thống phòng không trên thao trường Opuk, 23 tên lửa đã được phóng lên. Tham gia tập trận có các đại diện của Nga và nhiều nước khác nữa.
Nhiều nguồn tin khẳng định hệ thống phòng không S-200 của Ukraine không thể bắn hạ được Tu-154 của Nga.
Vậy những tên lửa của Ukraine bay đi đâu?
Các chuyên gia của Nga và Israel đã phân tích dữ liệu ghi âm được của Trung tâm kiểm soát không lưu “Strel”.
Vào thời điểm 13h45 phút, phi hành đoàn đã ấn nút kết nối với bên ngoài, kèm theo là những tiếng hô hoán, la hét hốt hoảng, một trong những phi công còn hét lên: “Tại sao lại bắn vào máy bay chở khách?”. Điều này chứng tỏ: phi công của Tu-154 đã xác định được máy bay của mình đã bị hệ thống phòng không tấn công.
Ngày 9/10/2001, đại diện ủy ban điều tra vụ tai nạn tuyên bố: qua phân tích các vết bắn trên thân máy bay, hình dạng và kích thước của các vết đạn đều phù hợp với kích thước, hình dạng đầu đạn tên lửa của S-200, có thể khẳng định: chiếc Tu-154 bị tên lửa “đất đối không” của hệ thống S-200 của Ukraine bắn hạ.
Ban đầu, phía Nga tin rằng, chiếc Tu-154 gặp nạn có lẽ không phải do tên lửa của Ukraine.
Được biết, một năm rưỡi trước ngày Tu-154 của Nga bị bắn rơi, Bộ Quốc phòng Ukraine đã bắn nhầm vào nhà dân ở thành phố Brovary (ngoại ô Kiev) khi tập trận bắn đạn thật với hệ thống phòng không Tochka-U. Sau vụ việc đó, Tư lệnh bộ đội tên lửa-pháo binh, trung tướng Vladimir Tereshchenko, đại tá Georgy Korneev – thuộc nhóm sĩ quan đào tạo tác chiến, đã bị kỷ luật cho thôi việc, nhiều sĩ quan cao cấp khác bị giáng chức. Ukraine đã không rút ra những kinh nghiệm sâu sắc sau thảm họa năm 2000, cho nên thảm họa máy bay Tu-154 của Nga mới lại xảy ra vào năm 2001.
Ngày 10/10/2001, Phó tổng công tố Nga Sergei Fridinsky tuyên bố: qua giám định pháp y thi thể nạn nhân đưa từ biển lên, cho thấy các hành khách máy bay bị chết do chấn thương sọ não, trong máu có chứa khí CO – điều này chứng tỏ trên máy bay đã xảy ra hỏa hoạn, tổng hợp các yếu tố trên, có thể khẳng định: tên lửa phòng không của Ukraine đã bắn trúng Tu-154 của Nga.
Phản ứng kỳ lạ của của Tổng thống Ukraine
Tổng thống Kuchma nhất trí với tất cả kết luận của Uỷ ban điều tra, và nói thêm: “Các bạn thử nhìn xem, trên thế giới, ở châu Âu, chúng tôi sẽ không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng phạm sai lầm, đừng từ việc này mà lại gây nên thảm họa mới. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy sơ suất, quy mô cũng rất khác nhau, nhỏ hơn có, lớn hơn có. Nếu chúng ta không hành xử thiếu văn minh thì mọi việc sẽ tốt đẹp, còn nếu chúng ta lấy xô nước bẩn đổ lên người mình…thì … ”.
Ủy ban hàng không liên quốc gia đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc như sau: “Tên lửa của S-200 của Ukraine đã bắn trúng máy bay chở khách Tu-154 của Nga một cách không chủ đích”. Hệ thống S-200 được trang bị hệ thống dẫn đường bán tự động, tên lửa sẽ hướng tới mục tiêu thông qua tín hiệu do chính nó phát ra. Ngày 4/10/2001, Tu-154 của Nga tình cờ bay vào khu diễn tập bắn đạn thật của Ukraine, bị radar của S-200 xác định là mục tiêu.
Quan điểm của các bên sau khi xảy ra sự việc
Ba tuần sau khi máy bay Tu-154 của Nga bị bắn rơi, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksandr Kuzmuk về hưu, điểm đặc biệt là, việc Aleksandr Kuzmuk và nhiều quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Ukraine phải nghỉ việc về hưu lại không nêu lý do chính thức là do có liên quan đến vụ tai nạn của máy bay Tu-154 của Nga trên biển đen.
Ngày 26/10/2003, Ukraine đã ký với Nga và Israel một thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại cho những gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ Tu-154 trên Biển Đen. Theo đó, Ukraine đền bù cho Nga 7,8 triệu USD, Israel 7,5 triệu USD. Đổi lại, Nga và Israel sẽ giữ thể diện cho Ukraine, không quy kết trách nhiệm cho Ukraine trong việc bắn rơi máy bay Tu-154 của Nga nữa.
Tháng 9/2004, Viện kiểm sát tối cao Ukraine khép lại vụ án Tu-154 của Nga, vì quá trình điều tra không thu thập được đầy đủ bằng chứng khách quan để khẳng định tên lửa của S-200 của Ukraine đã bắn rơi máy bay của Nga.
Quan điểm của phía Nga là luôn hợp tác cùng Ukraine để giải quyết vụ việc, trên tinh thần quan hệ hữu nghị anh em giữa hai nước. Giới chính trị Ukraine lại nghĩ rằng họ có thể rũ bỏ được tất cả, và niềm tin đó đã và đang gây ra những chiến dịch quân sự chống lại thường dân ở vùng Donbass.