Dự thảo đề án của Bộ LĐ-TB và XH đưa 57.000 lao động qua đào tạo đi xuất khẩu lao động đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Hiện tại, nhiều người hiểu rằng, đây là đề án “giải cứu” các kỹ sư, cử nhân đang thất nghiệp. Vậy thực chất đề án này là gì?
Ông Tống Hải Nam, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Dự thảo của Đề án có tên đầy đủ là: “Đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay tới năm 2020 và định hướng tới năm 2025.
Điều này có nghĩa là cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ đi làm việc ở nước ngoài sẽ được mở ra, không đơn thuần chỉ hướng tới nhóm lao động cử nhân hay kỹ sư thất nghiệp”.
Theo Bộ LĐ-TB và XH, trước đây, Việt Nam đã có một vài chương trình đưa lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài, ví dụ: Chương trình Thẻ vàng đưa lao động kỹ thuật đi làm việc ở Hàn Quốc, điều dưỡng viên đi làm việc tại CHLB Đức và Nhật Bản…
Tuy nhiên, việc triển khai này chưa bài bản, còn nhỏ lẻ và chưa có các cơ chế chính sách hỗ trợ toàn diện.
Trong năm 2016, Việt Nam có tới 126.000 lao động đi xuất khẩu lao động trong nhưng đa số chỉ là lao động phổ thông. Chính vì vậy, bước đột phá trong dự thảo lần này là đưa đối tượng lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài.
Cũng theo ông Tống Hoài Nam, dự thảo xây dựng chương trình theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ nay tới năm 2020, dự kiến đưa khoảng hơn 17.000 lao động qua đào tạo đi làm việc ở một số thị trường lao động có mức thu nhập và công nghệ tiên tiến, như CHLB Đức khoảng 3.700 lao động đã qua đào tạo nghề điều dưỡng viên và 7.500 lao động làm việc trong lĩnh vực điện tử viễn thông; Nhật Bản sẽ tiếp nhận 1.500 điều dưỡng viên và 3.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cơ khí. Tại Hàn Quốc, chúng ta dự kiến đưa 1.800 lao động là kỹ sư ngành cơ khí, CNTT, đầu bếp và nhân viên phục vụ khách sạn, nhà hàng.
Giai đoạn 2, từ năm 2021 - 2025, tổng số lao động được đưa đi hơn 39.000 người, gồm: CHLB Đức, số lao động dự kiến sẽ lên con số 8.300 lao động đi làm điêu dưỡng viên và 16.500 kỹ sư CNTT, điện tử viễn thông đi làm việc.
Tại thị trường lao động Nhật Bản, chúng ta dự kiến đưa 3.300 điều dưỡng viên, 6.600 kỹ sư điện tử viễn thông, vật lý và tin học.
Đồng thời, thị trường Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.900 lao động ngành công nghệ thông tin và 400 đầu bếp, phục vụ nhà hàng.
Tổng kinh phí của 2 giai đoạn là 1.300 tỉ đồng. Giai đoạn 1 cần khoảng 430 tỉ đồng, giai đoạn 2 khoảng 870 tỉ đồng.
Ông Nam cho biết thêm, nguồn kinh phí thực hiện không phải hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà còn từ nguồn vốn vay của ngân hàng phát triển Việt Nam, kinh phí phát triển thị trường từ Quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước…
“Ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các chính sách và cơ chế thúc đẩy, còn việc người lao động tham gia XKLĐ sẽ vay từ nguồn của ngân hàng phát triển Việt Nam” – ông Nam cho biết.
Mức tiền lương đối với các lao động này sẽ dựa trên mặt bằng chung về tiền lương của nước sở tại. Đơn cử tại Nhật Bản, nghề điều dưỡng đang có mức lương là 120.000 - 150.000 yen, sau thời gian làm tốt thì có thể lên hơn 200.000 yên.
“Tùy từng thị trường, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đàm phán với nước bạn để có cơ chế tiếp nhận và có những điều kiện theo đúng quy định cho lao động” – ông Nam nói./.