Mới đây trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh kèm theo câu chuyện về một nam thanh niên bị tai nạn giao thông ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) nằm bất tỉnh trên đường, sau đó, người dân gọi xe cứu thương nhưng chờ 40 phút vẫn không thấy xe tới.
Theo nội dung được chia sẻ thì sự việc xảy ra vào khoảng 21h30, một em sinh viên bị tai nạn tự ở số 508 Kim Giang.
Sau khi bị tai nạn, nam sinh nằm bất tỉnh, người dân chỉ dám bông băng cầm máu, không dám dựng dậy sợ chấn thương sọ não. Do điện thoại đặt mật khẩu nên không gọi được cho người nhà.
Sau đó, đến 21h33, người dân đã gọi điện cho tổng đài 115 để gọi cứu thương thì tổng đài báo đợi. Tuy nhiên, sau khoảng 40 phút gọi tổng đài 115 thì vẫn không thấy xe cứu thương đến.
Sau khi hình ảnh kèm theo dòng trạng thái được đăng tải lên Facebook rất nhiều người vào bình luận, lên án và không đồng tình với cách phục vụ của 115.
Trước những thông tin trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành - Giám đốc Trung tâm 115 (Thành phố Hà Nội) cho biết hiện ông đã nắm được thông tin chia sẻ trên mạng xã hội và đã xác minh cụ thể sự việc này.
Câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội.
"Vào lúc 21 giờ 35 phút ngày 15/12, hệ thống tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhận được thông báo về vụ tai nạn tại 508 đường Kim Giang và có nạn nhân cần phải đưa đi cấp cứu.
Nhận được thông báo, đúng 5 phút sau (21 giờ 40 phút) xe cấp cứu của Trung tâm bắt đầu từ trạm Thanh Trì (Hà Nội) xuất phát đi đón bệnh nhân.
Mất khoảng 10 phút di chuyển, tức khoảng 21 giờ 53 phút nhân viên y tế đã tiếp cận bệnh nhân và đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Bưu điện cấp cứu", ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết, theo như bác sĩ phản ánh lại trong hơi thở bệnh nhân có mùi rượu và tự ngã xe máy.
Sau khi đưa bệnh nhân vào BV Bưu Điện, có một số thanh niên đến xưng là bạn bè của bệnh nhân, đồng thời không cho bệnh nhân vào nhập viện và yêu cầu đưa bệnh nhân quay lại chỗ bị tai nạn để lấy một chiếc xe máy của bệnh nhân đang gửi ở nhà nghỉ.
"Hiện nay chúng tôi có đầy đủ giấy tờ sổ sách giờ nào xuất xe, giờ nào xe đến chỗ người bệnh và có hệ thông GPS ghi lại quãng đường xe đi. Thậm chí tất cả các cuộc gọi thông báo chúng tôi còn đầy đủ ghi âm, nếu cần thiết chúng tôi sẽ cung cấp", ông Thành nói.
Theo ông Thành, có thể người gọi báo tin sau đó đi khỏi hiện trường luôn, nên không biết xe cấp cứu sau đó đến đón người bị nạn. Đến 40 phút sau tổng đài gọi điện xác minh, thì lại nghĩ xe cứu thương chưa đến nên đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.