Thực hiện sứ mệnh chưa nước nào làm được, Nga bứt tốc cho vị thế dẫn đầu

Vân Phương |

Theo RT, không chỉ Nga mà các nước khác như Mỹ, Trung Quốc... cũng đang tăng tốc khám phá bề mặt Mặt Trăng.

Tham vọng của nước Nga

Tàu vũ trụ thám hiểm Luna 25 của Nga dự kiến ​​​​sẽ hạ cánh xuống cực nam chưa được khám phá của Mặt Trăng trong khoảng thời gian từ ngày 21-24/8. Đây là khu vực được cho là có trầm tích nước, điều kiện tiên quyết để con người sinh sống lâu dài.

Thực hiện sứ mệnh chưa nước nào làm được, Nga bứt tốc cho vị thế dẫn đầu - Ảnh 1.

Hình ảnh bề mặt Mặt Trăng đầu tiên do Luna 25 gửi về Trái Đất. Ảnh: Rosmoscos

Do địa hình gồ ghề của khu vực nên việc hạ cánh sẽ không dễ dàng. Theo kế hoạch, Luna 25 sẽ đi vào quỹ đạo cách bề mặt cực nam của Mặt Trăng khoảng 100km, hoạt động ở đó tối đa một tuần. Trong thời gian này, Luna 25 sẽ tiến hành các phép đo quỹ đạo và nỗ lực hạ cánh xuống một địa điểm ở phía bắc miệng núi lửa Boguslavsky.

Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, Luna 25 sẽ có thời gian một năm để thu thập các mẫu trên bề mặt Mặt Trăng.

Không phải ngẫu nhiên mà tàu đổ bộ Nga cố gắng hạ cánh xuống cực nam thay vì khu vực xích đạo của Mặt Trăng. Các nhà khoa học Nga tin rằng, khu vực này tồn tại trầm tích nước; hơn nữa, cực nam được Mặt Trời chiếu sáng liên tục, điều đó có nghĩa là các tấm pin mặt trời có thể được đặt ở đó để tạo ra năng lượng cho các sứ mệnh trong tương lai.

Một trong những mục tiêu chính của Luna-25 là thực hiện hạ cánh mềm ở cực nam - mục tiêu mà các quốc gia khác cho đến nay vẫn chưa đạt được. Điều này rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của các nhiệm vụ trong tương lai.

Quan trọng nhất, trạm vũ trụ của Nga cũng sẽ khoan tìm nguồn nước để tránh phải vận chuyển nước từ Trái Đất cho các sứ mệnh có người lái và nghiên cứu khoa học trong tương lai. Theo chuyên gia Aleksandr Bloshenko, nước hình thành trên Mặt Trăng do nhờ vào Sao Chổi. Bằng cách phân tích nước, các nhà khoa học có thể khám phá kiến ​​thức mới về lịch sử của Mặt Trăng cũng như các quy luật cơ bản của vũ trụ.

Luna-25 cũng sẽ nghiên cứu bức xạ trên Mặt trăng và bụi Mặt trăng, nhằm sử dụng kiến ​​thức này để đảm bảo an toàn cho các sứ mệnh có người lái trong tương lai.

Chuyên gia Lev Zeleny, người đứng đầu chương trình Mặt Trăng của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chỉ ra rằng Nga và các đối thủ cạnh tranh cũng sẽ khám phá các nguyên tố đất hiếm ở hành tinh này.

Thực tế, Luna-25 là một phần của giai đoạn đầu tiên trong chương trình Mặt trăng của Nga. Giai đoạn ban đầu này dự kiến ​​tạo ra một mô-đun cơ sở và thử nghiệm tàu ​​vũ trụ có người lái Eagle. Ba nhiệm vụ Luna tiếp theo sẽ được gửi lên Mặt Trăng trong mười năm tới. Roscosmos cũng sẽ chế tạo tên lửa Yenisei siêu nặng mới trong giai đoạn này.

Giai đoạn thứ hai sẽ bao gồm cuộc đổ bộ của các nhà du hành vũ trụ Nga từ năm 2025 đến năm 2035. Phi hành đoàn dự kiến ​​sẽ dành hai tuần trên Mặt trăng và đặt nền móng cho một căn cứ lâu dài trên Mặt trăng.

Cuối cùng, đến năm 2040, Moscow hy vọng sẽ hình thành một căn cứ và hai đài quan sát trên Mặt Trăng.

Cuộc đua không gian mới giữa các cường quốc

Không chỉ Nga mà các nước khác như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tăng tốc trong cuộc đua lên Mặt Trăng.

Chương trình Artemis của NASA đang tìm cách thiết lập sự hiện diện của con người trên Mặt Trăng như một bước đệm cho việc khám phá Sao Hỏa trong tương lai. Washington hy vọng sẽ tạo ra căn cứ Mặt Trăng riêng vào cuối thập kỷ này.

Tên lửa siêu nặng SLS của Boeing dự kiến ​​sẽ là phương tiện chính của dự án. Thử nghiệm có người lái đầu tiên theo kế hoạch ​​sẽ diễn ra vào tháng 11/2024.

Các kế hoạch của Trung Quốc cũng tham vọng không kém. Bắc Kinh dự kiến ​​thiết lập một căn cứ robot trên Mặt Trăng vào năm 2028 và gửi một sứ mệnh có người lái vào năm 2030.

Ấn Độ đã tham gia cuộc đua bay lên Mặt Trăng trong những năm gần đây. Tàu đổ bộ mặt trăng Chandrayaan 3 đã quay quanh Mặt Trăng và dự kiến ​​​​sẽ hạ cánh vào cuối tháng này. Mục tiêu của New Delhi cũng là cực nam.

Ngoài ra, Ấn Độ còn đang lên kế hoạch với Nhật Bản để gửi sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo trong khoảng thời gian từ 2026 đến 2028.

Bình luận về Luna-25, tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho biết nó đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vào không gian mới, giống như cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô trong những năm 1950-60.

Politico cũng dẫn lời một chuyên gia nhận định rằng, nếu nhiệm vụ thành công, đó sẽ là một "thành tựu khoa học và công nghệ to lớn" đối với Moscow.

Với việc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của Mặt Trăng, Moscow sẽ chứng minh cho Bắc Kinh thấy mức hiện đại tiên tiến của công nghệ vũ trụ, giúp củng cố vị thế của Nga trong kế hoạch chung của hai nước nhằm thiết lập tiền đồn trên Mặt Trăng.

Tương tự, France 24 tuyên bố rằng vụ phóng Luna 25 là một dấu hiệu rõ ràng rằng "Nga đang hy vọng tái xuất với tư cách là một bên tham gia chính trong lĩnh vực thám hiểm không gian".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại