Chiều ngày 13-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 16 và các quyết sách thời gian tới.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, tại Việt Nam, đến thời điểm này đã ghi nhận 262 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 10 trường hợp ghi nhận tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội; không ghi nhận trường hợp mắc mới liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh và quán bar Buddha.
Việt Nam có 144 trường hợp đã khỏi bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161), riêng bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân 91) tiên lượng nặng và rất khó khăn; 38 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 16 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).
Theo thống kê, Việt Nam ghi nhận thêm 53 trường hợp mắc mới trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 12-4. Một số ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát như ổ dịch liên quan Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai (đã dỡ cách ly kể từ 0 giờ ngày 12-4) và quán bar Buddha (TPHCM). Tuy nhiên đã ghi nhận 24 trường hợp mắc mới trong cộng đồng, trong đó đáng chú ý có 10 trường hợp tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Trong 3 ngày đầu tháng 4 ghi nhận 13/24 ca tại cộng đồng nhưng sau đó chỉ còn ghi nhận 1-2 ca mỗi ngày cho đến nay.
Đáng chú ý, theo số liệu báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (Viettel) đo lường sự đi lại của người dân, kết quả đã giảm rõ rệt, cao nhất vào ngày 2-4 và có xu hướng tăng trở lại vào ngày 9-4. Kết quả thăm dò dư luận trên mạng xã hội cho thấy có 89,7% người dân thảo luận ủng hộ hoặc có thái độ trung lập đối với việc giãn cách xã hội; chỉ 10,3% có thái độ không ủng hộ thực hiện giãn cách xã hội tùy theo ngày công bố ca bệnh mới.
Hiện có 36 tỉnh/thành phố báo cáo Ban Chỉ đạo về việc thực hiện chỉ thị 16 thì có 12 tỉnh đề nghị kéo dài giãn cách xã hội đến hết tháng 4; có 2 tỉnh (Tuyên Quang, Quảng Trị) đề nghị đến hết tháng 5; có 2 tỉnh đề nghị kéo dài thêm 1 tuần.
Về việc khoanh vùng các ổ dịch, đối với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã điều động 15 đội phản ứng nhanh hỗ trợ khoanh vùng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 12-4; đã tiến hành lập 9 chốt kiểm soát tại khu vực ổ dịch, tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 10.872 người (2.973 hộ dân) từ ngày 8-4 đến hết ngày 5-5 (28 ngày).
Tổng số mẫu F1 liên quan đến các trường hợp dương tính đã lấy là 361 mẫu (4 mẫu dương tính, còn lại đều âm tính). Lấy 10.013 mẫu xét nghiệm sàng lọc đối với người dân tại khu vực ổ dịch (không tính các trường hợp F1), trong đó đã xét nghiệm 5.204 mẫu, 3.136 mẫu đã có kết quả đều âm tính.
Bộ Y tế đã cử Tổ công tác đặc biệt, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ thành phố Hà Nội phòng chống dịch Hạ Lôi, bên cạnh đó đã giao 4 bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho thành phố.
Liên quan đến bệnh nhân làm tại Công ty Samsung Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly để dập dịch. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế và các đơn vị phối hợp với Bắc Ninh để triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Ban chỉ đạo cho rằng, tình hình dịch trên thế giới vẫn còn kéo dài, tại Việt Nam, bằng các giải pháp đồng bộ, đặc biệt việc đeo khẩu trang, truy vết, cách ly xã hội… đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên đã có các ổ dịch mới và có các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 15-4 và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, việc ra ngoài không đeo khẩu trang thông qua việc truy xuất hệ thống camera giao thông để xử lý các trường hợp vi phạm; xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết vẫn mở cửa trong thời gian cách ly xã hội.
Sau ngày 15-4, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới trong đó có xem xét việc thực hiện theo tình hình dịch và theo tình hình kinh tế xã hội để đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế tùy theo nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh để có giải pháp phù hợp.
Ban chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua việc sử dụng tiền mặt để thanh toán. Tiếp tục hạn chế nhập cảnh, hạn chế chuyến bay từ bên ngoài về Việt Nam; thực hiện cách ly 14 ngày cho tất cả hành khách nhập cảnh từ ngoài vào kể cả trường hợp ngoại giao theo các hình thức phù hợp đến ngày 30-4 để tránh làn sóng thứ hai dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị quyết 20/NQ-CP cho phép xuất khẩu khẩu trang cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, xuất khẩu cho các nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải đảm bảo nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu.
PHAN THẢO