Vẫn có hiện tượng chấp hành chưa nghiêm
Ghi nhận trong ngày 30-3, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy hầu hết người dân Thủ đô khi đi ra ngoài đã đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19. Hiện chỉ còn lác đác một số người không đeo khẩu trang, nhưng vẫn khiến mọi người xung quanh băn khoăn.
Cụ thể, theo quan sát của phóng viên thời điểm gần giữa trưa 30-3, tại khu vực ngã tư Lê Duẩn - Khâm Thiên - Nguyễn Thượng Hiền; trên vỉa hè phố Ô Đồng Lầm, phía Công viên hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa), có một số người không đeo khẩu trang hoặc có đeo nhưng kéo xuống cằm. Trên các tuyến phố Tây Sơn, Thái Hà, Thái Thịnh, Yên Lãng, Chùa Bộc... thuộc quận Đống Đa, mặc dù người tham gia giao thông không đông, nhưng vẫn còn nhiều người "quên" nhiệm vụ đeo khẩu trang.
Thậm chí, ngay tại Trung tâm Phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu, Khu chung cư Hapulico Complex - số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), cũng vẫn có người dân đến giao dịch không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách.
Trong khi trung tâm liên tục phát loa thông báo việc hạn chế tụ tập đông người, mua hàng online, đeo khẩu trang, sát khuẩn...
Tương tự, trên địa bàn quận Long Biên vẫn còn người dân khi ra nơi công cộng không tuân thủ quy định đeo khẩu trang, nhất là những người đi tập thể dục.
“Tôi đi tập thể dục một mình nên ngại đeo khẩu trang…”, chị Nguyễn Thị Mai (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) biện minh cho việc không đeo khẩu trang của mình khi ra nơi công cộng.
Cũng tại quận Long Biên, sáng 30-3, trực tiếp kiểm tra ở địa bàn hai phường Đức Giang và Thượng Thanh về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết, tại 3 chợ dân sinh thuộc hai phường kể trên, Đoàn kiểm tra phát hiện còn 3 người dân không đeo khẩu trang khi ra chợ.
“Do người dân ở gần nhà, nên sau khi được nhắc nhở họ chạy về nhà lấy khẩu trang và khắc phục ngay”, ông Nguyễn Thế Thạch cho biết.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh như: Chợ 8-3, phường Quỳnh Mai; chợ Trại Găng, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng)... vẫn còn khoảng 20% hộ buôn bán và người đi mua sắm chưa chấp hành việc đeo khẩu trang.
Chị Đặng Thị Phương, người dân phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) bức xúc: “Nhiều người không đeo khẩu trang khi ra đường là do thiếu ý thức tôn trọng cộng đồng và việc tự giác chấp hành quy định còn hạn chế. Việc này cần được khắc phục ngay để góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả”.
Còn chị Nguyễn Thanh Tâm, phường Nam Đồng (quận Đống Đa) cũng phê phán việc vẫn có người chưa chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng và đề nghị: “Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm".
Tăng cường tuyên truyền và xử lý
Để bảo đảm mọi người dân khi ra nơi công cộng đều chấp hành việc đeo khẩu trang, hiện lực lượng chức năng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở kết hợp với xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Tại phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Đại úy Trịnh Minh Đức, Cảnh sát khu vực Công an phường Hoàng Văn Thụ cho biết, lực lượng Cảnh sát khu vực đã phối hợp với cấp ủy, khu dân cư sử dụng mạng xã hội để khuyến cáo đến từng tổ dân phố, hộ gia đình hiểu việc cần thiết của việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, bên cạnh phổ biến chế tài xử phạt nếu người dân vi phạm.
Ở phường Phúc Xá (quận Ba Đình), Thiếu tá Phạm Thế Anh, Trưởng Công an phường thông tin, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, Công an phường đã vận dụng phương pháp “3 trong 1” gồm thực hiện việc phối hợp giải quyết trật tự đô thị; vệ sinh môi trường; tuyên truyền, phát hiện xử lý vi phạm về phòng, chống dịch bệnh... Một số ít chưa thực hiện đã bị nhắc nhở và nếu tái phạm sẽ lập hồ sơ xử lý.
Còn theo ông Hoàng Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), trong 3 ngày vừa qua, UBND phường đã phân công nhiệm vụ cho lực lượng dân phòng, tự quản tập trung tuyên truyền, khuyến cáo với mong muốn người dân nêu cao ý thức phòng, chống dịch. Đồng thời, liên tục tuần tra, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang.
Là địa bàn xử phạt kiên quyết nhất việc người dân không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm) nói: “Một tuần vừa qua, tổ công tác liên ngành quận đã nhắc nhở hơn 500 trường hợp người dân không đeo khẩu trang, đồng thời bàn giao cho công an các phường lập biên bản xử lý hơn 100 người không đeo khẩu trang ra đường, tới nơi công cộng".
Ở khu vực ngoại thành, ngoài tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh, các địa phương cũng tổ chức việc tuần tra, giám sát chặt chẽ.
Ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, để bảo đảm mọi người dân đều đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, xã đã giao cho các ban, ngành, đoàn thể mỗi thôn thành lập một tổ giám sát, nhắc nhở, nếu phát hiện trường hợp vi phạm, báo cáo ngay cho công an xã để xử phạt theo quy định.
Còn tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), đối với những nơi vẫn có đông người qua lại như chợ dân sinh, xã đã bố trí lực lượng để thường xuyên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang.
Bà Đỗ Thị Hiểu ở thôn Đốc Tín nói: “Thôn quy định nếu trường hợp nào không đeo khẩu trang là không được bán hàng hoặc không được vào trong chợ; tổ quản lý chợ sẽ nhắc nhở kịp thời để người dân thực hiện”.
Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai, xã luôn bố trí lực lượng theo dõi những trường hợp vi phạm đã từng bị nhắc nhở; nếu phát hiện tái phạm sẽ xử phạt hành chính. Tuy vậy, khi được nhắc nhở người dân đều chấp hành tốt, không tái phạm.
Thiết nghĩ, việc đeo khẩu trang khi đi ra đường, tới nơi công cộng là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay để ngăn ngừa dịch Covid-19.
Vì thế, mỗi người dân phải chấp hành nghiêm cũng như chính quyền cơ sở cần tiếp tục tuyên truyền và xử phạt những đối tượng cố tình không chấp hành để làm gương.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Luật Châu Á cho biết, căn cứ để các địa phương xử phạt những cá nhân không đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi tập trung đông người trong bối cảnh dịch là Điểm a Khoản 1 Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, tổ chức, cá nhân không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không thông báo với UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.