Chiều ngày 8/3, tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau) về hạn hán, xâm nhập mặn, dự báo sẽ diễn ra gay gắt hơn trong thời gian tới.
Đánh giá cao nỗ lực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chính quyền 7 tỉnh ven biển của ĐBSCL đã nỗ lực chống hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình hạn mặn năm nay cao hơn năm 2016 nhưng thiệt hại riêng về cây lúa chỉ bằng 9,6% năm 2019.
này thể hiện “lời nói đi đôi với việc làm” khi các bộ, địa phương chủ động triển khai các giải pháp được nêu ra tại Hội nghị vào tháng 9 năm ngoái do Thủ tướng chủ trì.
Nhân dân trong vùng có bước chuyển nhận thức rất rõ, coi hạn mặn là một thực tế phải đối mặt, để cùng với chính quyền có giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt…
“Tôi có quen một đồng chí mà trước đây trồng toàn bưởi, bây giờ chuyển sang trồng dừa thì không bị ảnh hưởng gì”, Thủ tướng lấy ví dụ.
Trước thách thức lớn, khốc liệt của biến đổi khí hậu, thay đổi thượng nguồn, sụt lún tại châu thổ, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp cứng, kết hợp với giải pháp mềm, “biến thách thức thành cơ hội” đã thể hiện rất rõ. Lúa chuyển sớm được mùa lớn.
“Mình nói là thuận thiên, giải pháp mềm nhưng bên cạnh đó cũng cần công trình cứng trong thời điểm biến đổi khí hậu sâu sắc này”, Thủ tướng nêu rõ. Nhà nước, các địa phương đã bố trí nguồn lực xây dựng nhiều công trình phòng chống.
Hàng loạt đập tạm, giếng đào, khơi mương… đã giải quyết kịp thời nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cụ thể, đến năm 2023, tỉnh Bến Tre bảo đảm không còn tình trạng nhiễm mặn. Đây là bài học các tỉnh ĐBSCL.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Qua mùa khô hạn mặn khắc nghiệt năm 2020, chúng ta rút ra phương châm, “một vấn đề khó, thậm chí rất khó nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và thành thắng lợi”.
Thủ tướng nhấn mạnh, vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó. Trong khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên. “Ý chí của chúng ta là như thế và chúng ta làm được điều đó tại nơi có nhiều tiềm năng và đối diện thiên nhiên khắc nghiệt”.
Về dịch COVID-19, Thủ tướng đề nghị các tỉnh ĐBSCL chủ động, tích cực, trách nhiệm, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chính phủ, Bộ Y tế để triển khai đồng bộ các giải pháp, không chủ quan để ngăn chặn dịch như khai báo y tế, nắm chắc từng khu vực, từng hộ dân, từng khu phố, khu dân cư để khi có người bị lây nhiễm thì chúng ta khoanh vùng, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Hôm qua, có mấy người mắc bệnh mà nhốn nháo thị trường. Tôi đã yêu cầu mở cửa bán lương thực đến 23h đêm một cách đầy đủ nhất, mấy trăm nghìn tấn có ai mua không”, Thủ tướng cho biết, sắp tới, sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về an ninh lương thực của Việt Nam. “Nhân đây, tôi thông tin rằng, chúng ta đủ cơ sở dự phòng lương thực rất cao”.
Cần phải triển khai kịp thời Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và Chỉ thị 11 của Thủ tướng mới ban hành để giành thắng lợi kép: Không chỉ ngăn ngừa dịch COVID-19 thành công mà còn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Các địa phương không đặt vấn đề rút chỉ tiêu.
Phải khảo sát, đánh giá cơ bản quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra nhiệm vụ 5 năm tới sát đúng, cụ thể, khoa học. Trong đó, có điều tra cơ bản về sụt lún, xói lở.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao quà của các cá nhân, tổ chức tặng nhân dân các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cho biết xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao ở ĐBSCL, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mê Công, nguồn nước về ĐBSCL để thông tin kịp thời tới các cấp, các ngành.
Phối hợp với địa phương đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách.
Yêu cầu các tỉnh tập trung giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, sắp tới sẽ tổ chức Hội nghị về công tác này, tại đó, sẽ phê bình, kỷ luật một số đơn vị, cá nhân làm chậm tiến độ giải ngân. “Nếu anh nào giải ngân tốt, chúng tôi sẽ bố trí thêm vốn cho các đồng chí”.
Thủ tướng đồng ý hỗ trợ một kinh phí từ ngân sách trung ương cho 5 tỉnh ĐBSCL theo quy định để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn (như bơm nước; nạo vét cửa lấy nước, kênh rạch; đắp đập tạm ngăn mặn trữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước; khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ thiết bị trữ nước, lọc nước, chi phí chở nước sinh hoạt,...).
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối họp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát các nội dung cấp bách cần hỗ trợ, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sớm. Các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ đúng người, đúng việc, không để thất thoát, chống tiêu cực.
Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, có kế hoạch triển khai các công trình bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho vùng ĐBSCL, nhất là đối với vùng ven biển, vùng bán đảo Cà Mau, không để tình trạng bị động, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hàng năm.