Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đối mặt với nguy cơ bị đình chỉ nếu Tòa án Hiến pháp chấp nhận yêu cầu phán quyết về nhiệm kỳ của ông - Ảnh: REUTERS
Phe đối lập và các phong trào chống chính phủ thời gian qua đã gây áp lực đòi thủ tướng từ chức. Nhóm này đã gửi thỉnh nguyện đơn lên Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và thỉnh nguyện đơn sẽ được chuyển đến tòa án ngày 22-8, theo báo Bangkok Post.
Thông tin từ Đảng Pheu Thai cho biết tòa án sẽ đưa ra quyết định về thỉnh nguyện đơn vào ngày 24-8. Đây cũng là ngày phe đối lập cho rằng nhiệm kỳ của ông Prayuth đã hết. Nếu chấp nhận yêu cầu phán quyết, tòa cũng sẽ phải quyết định có đình chỉ thủ tướng trong khi chờ phán quyết hay không.
Ủy ban bầu cử Thái Lan cũng đang thảo luận việc yêu cầu tòa án phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ của ông Prayuth.
Ông Prayuth lên nắm quyền năm 2014 và tiếp tục lãnh đạo Thái Lan sau cuộc bầu cử năm 2019.
Điều 158 của hiến pháp Thái Lan quy định nhiệm kỳ thủ tướng của nước này không quá 8 năm. Tuy nhiên đã có nhiều tranh cãi quanh vấn đề này.
Một số ý kiến cho rằng nhiệm kỳ của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nên được tính từ khi ông nắm quyền năm 2014 sau cuộc đảo chính và kết thúc vào năm 2022. Trong khi số khác cho rằng nhiệm kỳ nên tính từ khi ông nhậm chức năm 2019 theo điều lệ năm 2017, do đó sẽ kết thúc vào năm 2027.
Lãnh đạo Đảng Pheu Thai Cholnan Srikaew cho rằng căng thẳng sẽ giảm nếu ông Prayuth từ chức vào ngày mai, 23-8. Theo ông Cholnan, nếu tòa án quyết định đình chỉ thủ tướng, Pheu Thai sẽ thảo luận chọn người tham gia cuộc bỏ phiếu chọn lãnh đạo mới tại Hạ viện.
Cuối tuần qua, 38 nhóm và tổ chức cũng lên tiếng đòi ông Prayuth từ chức. "Sau ngày 24-8, dù tướng Prayuth từ chức hay không và phán quyết của tòa thế nào, ông ấy cũng không còn được công nhận là thủ tướng", các nhóm này cho biết.
Thủ tướng Prayuth trước đó khẳng định ông sẽ chấp nhận phán quyết của tòa án và hạn chế trả lời các câu hỏi liên quan đến thời hạn nhiệm kỳ của ông.