Thủ tướng nói “thấy dân mà lên xe chạy là không ổn rồi”

LÊ KIÊN |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mạnh mẽ phê bình nhiều chủ tịch tỉnh, huyện, xã né tránh việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Có trường hợp còn thách đố dân “giỏi thì lên trung ương mà kiện”.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vừa kết thúc cách đây ít phút, Thủ tướng đã phát biểu kết luận, nhấn mạnh nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự phức tạp của tình hình này.

Phải biết địa bàn mình có bao nhiêu bức xúc

“Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong nhiều trường hợp người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo không quyết liệt, giải quyết chậm, thậm chí có sai sót.

Nhiều đồng chí chủ tịch huyện, xã và cả tỉnh nữa, không bố trí tiếp dân” - Thủ tướng chỉ rõ.

“Một số địa phương dựa vào việc hết thời hiệu để không xem xét giải quyết, mặc dù công dân đã cung cấp thêm thông tin, tài liệu chứng minh việc tranh chấp, khiếu nại là có cơ sở”.

Thủ tướng kể: “Hồi tôi làm trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 1A, có trường hợp tôi hỏi tại sao bác chưa đi, người ta trả lời rằng “tôi ở đây 40 năm rồi, từ sau giải phóng đến nay, nhưng các anh chị nói chúng tôi không có giấy tờ”.

Người ta ở ổn định hơn 40 năm rồi còn đòi giấy tờ gì nữa”.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng “một số trường hợp thiếu trách nhiệm, không công tâm, thiếu khách quan, không hợp lý…, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Có trường hợp tham ô tham nhũng trong quá trình giải phóng mặt bằng, kê khống để lấy tiền của dân, chuyện này miền núi cũng có, đồng bằng cũng có”.

Thủ tướng yêu cầu “bí thư, chủ tịch, nhất là ở cấp huyện, xã phải biết trong địa phương mình còn bao nhiêu trường hợp bức xúc. Phải trực tiếp gặp dân để đối thoại, giải quyết.

Nếu cứ né tránh, để lâu thì người dân sẽ khiếu kiện vượt cấp. Giải quyết không hợp tình hợp lý thì nảy sinh khiếu kiện gay gắt”.

“Tôi đề nghị hệ thống tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cần phải đặt mình vào vị trí bức xúc của người dân để nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo.

Xử lý phải đúng pháp luật, có lý có tình, quan tâm lợi ích chính đáng của người dân”.

Phức tạp nhất vẫn là đất đai

Điểm lại tình hình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tuy giảm về số vụ, số lượt khiếu nại, tố cáo nhưng lại tăng về số vụ việc khiếu nại tố cáo đông người. 70% khiếu nại hành chính vẫn thuộc lĩnh vực đất đai, trong số này có 40% là thu hồi đất tái định cư.

“Có phải thu hồi đất tái định cư là cái mấu chốt để giải quyết khiếu kiện đông người hiện nay không?” - Thủ tướng đặt vấn đề.

Vẫn theo Thủ tướng, Luật Đất đai 2013 ra đời, những khiếu nại về quyết định thu hồi đất, trình tự thu hồi đất có giảm hơn, nhưng khiếu nại về giá đền bù vẫn phức tạp. Người dân vẫn thấy rằng không đảm bảo cần thiết nơi tái định cư bằng hoặc hơn nơi ở cũ, giá đất không đảm bảo.

“Chúng ta cứ nói rằng tái định cư phải có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ, chúng ta có thực hiện được điều này không? Chúng ta có nhận thức được vấn đề này không?”

“Tôi lấy một ví dụ là ở một tỉnh Bắc Miền Trung, làm dự án lớn, không công bố cho dân, chủ động ào ào bắt dân nhận tiền đền bù trong khi giá rất thấp. Có đúng quy trình không? Làm như vậy sao được” - Thủ tướng nêu.

Thủ tướng yêu cầu: “Khi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp thì Chủ tịch UBND phải trực tiếp gặp dân để đối thoại, giải quyết.

Trường hợp người dân tập trung khiếu kiện đông người đến các cơ quant rung ương thì trực tiếp Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải phối hợp với các cơ quan của trung ương gặp gỡ, thuyết phục, đối thoại, giải quyết kịp thời”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại