Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phát biểu tại buổi lễ sáng 18.10, Thủ tướng đánh giá, trong 58 năm thành lập và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ) đạt nhiều thành tích, đã bồi dưỡng, đào tạo hệ thống cán bộ hành chính nhà nước với số lượng lớn và liên tục, qua đó, đóng góp vào công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam.
Học viện đã bước đầu khẳng định uy tín, vai trò của một trung tâm đào tạo về hành chính nhà nước hàng đầu của nước ta hiện nay.
Đề cao vai trò của Học viện, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay khi số lượng rất đông là cử nhân, kỹ sư chuyên ngành, có học hàm, học vị các loại nhưng ít hiểu hay chưa hiểu hết về hành chính, về bộ máy hành chính, về thể chế hành chính.
Vì vậy, chưa nói đến việc quản lý một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả mà ngay văn bản hành chính thế nào cho đúng còn là vấn đề rất lớn.
“Thế nào là khẩn, là phê, là duyệt… Anh đem một giấy của gia đình công dân tới ủy ban xã rồi ông chủ tịch phê: Cháu Nguyễn Văn A tình trạng thế này, thế khác…
Tại sao anh phê trong một hồ sơ công dân mà lại gọi là cháu, con”, Thủ tướng lấy ví dụ và cho rằng, số lượng cán bộ, công chức, viên chức đông như vậy mà không được đào tạo, bồi dưỡng thì sẽ hẫng hụt.
Thủ tướng khẳng định một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền hành chính hiệu lực, hiệu quả là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để thực hiện việc đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, trước hết đội ngũ cán bộ công chức viên chức phải có tinh thần kiến tạo, liêm chính, trách nhiệm.
Vì thế, Học viện phải có nghiên cứu giảng dạy để phổ cập một nền hành chính đạt mức độ trong sạch như một số nước đã làm.
Cán bộ học ở Học viện Hành chính Quốc gia phải là cán bộ không những giỏi chuyên môn mà còn trong sạch, liêm chính, phục vụ nhân dân, vấn đề này phải đặt ra trong quá trình đào tạo.
“Đi lòng vòng, phải phong bì phong bao mới giải quyết công việc hành chính, người dân kêu ca cái này rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp tục đổi mới mô hình, cơ cấu, tổ chức của Học viện, phù hợp với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về hành chính công, chính sách công, quản trị công.
Cần có tầm nhìn xa, lộ trình 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa để định hình con đường phát triển của Học viện và phấn đấu xây dựng Học viện thành một trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý ngang tầm khu vực.