Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phát triển nông nghiệp hữu cơ là thể hiện cách sống có trách nhiệm của mỗi chúng ta cho cộng đồng, cho tương lai”

Thanh Xuân |

Phát biểu tổng kết tại Diễn đàn quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – Hội nhập và Phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp hữu cơ phải được thực hiện bài bản, dựa theo tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế và Việt Nam, với mục tiêu tạo nên hệ sinh thái và văn hoá nông nghiệp, đóng góp vào việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, phát huy giá trị nhân văn của con người.

Trong hai ngày 15-16/12, tại Hà Nội, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) chủ trì phối hợp với Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, có sự hưởng ứng, đồng hành của Tập đoàn TH TRUE Milk, tổ chức diễn đàn quốc tế: "Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – Hội nhập và Phát triển" với hơn 450 đại biểu tham dự là đại diện các bộ ngành, chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp và 27 tổ chức quốc tế.

Tại phiên hội thảo sáng ngày 16/12, thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sản xuất và sử dụng sản phẩm hữu cơ đang là xu thế phát triển không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, 33/63 tỉnh, TP đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70 nghìn ha với các hình thức, quy mô, sản phẩm rất đa dạng; từ mô hình hộ sản xuất, mô hình nhóm hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, thậm chí các doanh nghiệp lớn cũng đã chú ý đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ như Tập đoàn TH…, tạo ra dòng sản phẩm mới, hữu cơ cho thị trường trong nước, một phần xuất khẩu.

"Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Từ nền sản xuất không đủ sản lượng cho tiêu dùng trong nước, đến nay chúng ta đã vươn lên trở thành nước có sức sản xuất hàng hóa nông nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của 93 triệu dân mà còn trở thành nước xuất khẩu lớn về nông sản với giá trị 32,14 tỷ USD vào năm 2016 và khoảng 36 tỷ USD trong năm nay, năm 2017", ông Cường dẫn chứng con số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phát triển nông nghiệp hữu cơ là thể hiện cách sống có trách nhiệm của mỗi chúng ta cho cộng đồng, cho tương lai” - Ảnh 1.

Tuy vậy, đại diện Bộ NN&PTNT cũng khẳng định quy mô sản xuất cũng như thị trường nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn rất nhỏ, việc chuyển đổi từ phi hữu cơ sang hữu cơ là rất khó khăn. 

Vì vậy, ông Cường kiến nghị trên cơ sở phát triển thổ nhưỡng, Việt Nam cần xác định lựa chọn chính xác loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm phù hợp với thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên cây trồng có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định của thế giới.

Là đại diện địa phương sớm thực hiện và đã có những thành công bước đầu với nông nghiệp hữu cơ, ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng khó khăn và vướng mắc lớn nhất đối với các địa phương, doanh nghiệp là chưa có hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn về sản xuất , chế biến, chứng nhận chất lượng, giám sát liên quan đến nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. 

Điều này làm hạn chế đối với địa phương trong việc việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ sâu rộng đến mọi thành phần kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phát triển nông nghiệp hữu cơ là thể hiện cách sống có trách nhiệm của mỗi chúng ta cho cộng đồng, cho tương lai” - Ảnh 2.

Về phía các doanh nghiệp, đại diện của Tập đoàn TH là bà Thái Hương cho biết tập đoàn đã tiên phong áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế trên quy mô sản xuất lớn tại Việt Nam, trong đó tập trung chuyển đổi đàn bò, đồng cỏ sang chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng trang trại bò sữa hữu cơ lớn nhất Việt Nam. 

Ngoài sữa, các tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ được tập đoán áp dụng trên nhiều mặt hàng như rau, dược liệu, gạo…, phát triển phương thức canh tác dưới tán rừng, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa gia tăng thu nhập cho người nông dân và bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp tự nhiên dài hạn.

"Cách làm của TH là phát triển các trang trại organic, trồng dược liệu dưới tán rừng nhằm phát huy tối đa các giá trị bản địa, bảo tồn nguồn gen quý, giữ nguyên giá trị sáng tạo của Mẹ thiên nhiên. Chúng tôi tiến tới xây dựng một hệ sinh thái nhằm tạo nên nền nông nghiệp văn minh, minh bạch và bền vững, dưới cam kết mạnh mẽ vì sức khoẻ cộng đồng".

Chỉ ra thực tế thị trường đang có sự cạnh tranh không lành mạnh, nhiều sản phẩm "đội lốt" hữu cơ, gây hiểu nhầm và bào mòn lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước, bà Thái Hương kiến nghị Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về nông nghiệp hữu cơ để doanh nghiệp khung pháp chế để mở rộng đầu tư và sản xuất có hiệu quả.

Phát biểu tổng kết diễn đàn quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nông nghiệp hữu cơ là một bộ phận quan trọng của nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp Việt Nam có thành công thì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá mới thành công.

Thị trường cho nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, dưới nhận định của Thủ tướng, là rất tiềm năng do tầng lớp trung lưu – đối tượng có khả năng chi dùng nhiều loại sản phẩm này đang gia tăng mạnh, có thể lên mức 50% dân số đến năm 2030. 

"Như vậy, kỳ vọng của thị trường là rất lớn, không phải chỉ gói gọn trong nhóm người giàu, xuất khẩu", Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nhìn nhận về nông nghiệp hữu cơ phải đặt trong sự phát triển toàn diện của ngành nông nghiệp, trong đó, nông nghiệp phi hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn nông nghiệp hữu cơ là động lực của đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết giúp nông nghiệp Việt Nam tiếp cận với tiêu chuẩn cao hơn quốc tế và mang trọng trách cho tương lai. 

Do vậy, nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển ồ ạt theo phong trào, mà cần có quy trình bài bản, khoa học.

Cam kết giải quyết các nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ 2018-2025, tầm nhìn 2035 trình Chính phủ phê duyệt trong quý I/2018, đảm bảo cơ sở khoa học, thực tiễn, khuyến khích nâng cao chất lượng, đề xuất đào tạo, hỗ trợ tín dụng và giải quyết nút thắt.

"Vấn đề quy chuẩn, quy chế cần rõ ràng, minh bạch, thống nhất. Một bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn như bà Thái Hương nêu ra là một vấn đề lớn, trước hết cần sự nghiên cứu của Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Y tế, để minh bạch, có cơ sở khoa học cho phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững".

Khẳng định "Không thể để rau hai luống, lợn hai chuồng", Thủ tướng Chính phủ cho rằng nông nghiệp hữu cơ không chỉ có giá trị kinh tế lớn mà còn có tính giáo dục cao, đóng góp vào việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, phát huy giá trị nhân văn của con người. 

"Phát triển nông nghiệp hữu cơ là thể hiện cách sống có trách nhiệm của mỗi chúng ta cho cộng đồng, cho tương lai".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại