Thủ tướng Hungary: "Châu Âu đã cạn kiệt năng lượng, nhưng nước tôi thì không"

Tất Đạt |

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết đất nước của ông sẽ không gặp phải tình trạng thiếu nhiên liệu, bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Tình hình năng lượng tại EU

Thủ tướng Hungary cho rằng sự thiếu hụt năng lượng của Liên minh châu Âu là do nạn quan liêu và các vấn đề liên quan khác, nói rằng đất nước của ông được "bảo vệ an toàn" trước cuộc khủng hoảng.

Ông Orban viết trong một bài đăng trên Facebook hôm 10/9 rằng: "Nếu chúng ta muốn tìm hiểu đến tận cùng của các vấn đề, chúng ta sẽ luôn đi đến cùng một kết luận: vấn đề năng lượng. Và tình hình là châu Âu đã cạn kiệt năng lượng".

Thủ tướng Hungary nói tình hình này tồn tại là do "những người hoạt động môi trường và các quan chức quan liêu đang chơi trò chơi địa chính trị", cho rằng khối EU đang từ chối sử dụng "các nguồn năng lượng khác nhau vì lý do chính trị", làm tăng chi phí sinh hoạt và gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp của chính mình.

Thủ tướng Hungary: Châu Âu đã cạn kiệt năng lượng, nhưng nước tôi thì không - Ảnh 1.

Vấn đề thiếu năng lượng đang trở thành điều nhức nhối đối với các lãnh đạo châu Âu. Ảnh: Getty Images / Sean Gallup

"Ít có lục địa nào ở trong hoàn cảnh khó khăn như chúng ta, nhưng chỉ có lục địa của chúng ta đang tự làm cho cuộc sống của mình khó khăn hơn rất nhiều", ông Orban nói và cam kết làm mọi thứ "cần thiết cho quê hương".

Vào cuối tháng 8, Hungary đã đạt được một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga để cung cấp thêm khí đốt tự nhiên, được bơm qua Serbia. Hungary là một trong số ít các quốc gia thành viên EU tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Moscow đối với việc vận chuyển khí đốt.

Tuy nhiên, Budapest cũng đang tiến tới cắt giảm tiêu thụ năng lượng. Đầu tuần này, chính phủ đã áp dụng giới hạn nhiệt độ 18 độ C ở tất cả các cơ sở công lập trên cả nước. Các nhà chức trách cũng đã ra lệnh cắt giảm tiêu thụ khí đốt bắt buộc đối với các cơ sở nhà nước, ngoại trừ bệnh viện và các cơ sở nhà ở xã hội.

Hungary đã nhiều lần chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Budapest lập luận rằng các hạn chế đã không mang lại kết quả như mong muốn, đồng thời làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho khối và đẩy giá năng lượng lên mức cao chưa từng có.

Mỹ đe dọa trừng phạt người mua dầu của Nga

Washington đã công bố hướng dẫn về giới hạn giá đề xuất, nhưng mức độ của lệnh này vẫn chưa được thông báo cụ thể.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong hướng dẫn sơ bộ được công bố hôm 9/9 rằng công ty Mỹ sẽ được phép mua dầu trên biển của Nga nếu chúng tuân theo mức giá trần được đồng thuận bởi các nước đồng minh.

Mỹ sẽ cấm "các dịch vụ liên quan đến vận chuyển dầu của Nga trên biển" từ ngày 5/12 và các dịch vụ liên quan đến các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 5/2/2023.

Lệnh cấm sẽ không áp dụng đối với việc mua nhiên liệu của Nga ở mức bằng hoặc thấp hơn mức giá trần sẽ được thiết lập bởi "liên minh các nước bao gồm G7 và EU". Nếu quy tắc được tuân thủ, tàu chở dầu vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ như bảo hiểm và tiếp nhiên liệu.

Các nhà nhập khẩu hoặc nhà máy lọc dầu muốn mua dầu của Nga dưới mức giá trần sẽ phải cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ vận tải các tài liệu chứng minh sự tuân thủ.

Người mua trả nhiều hơn mức giá trần hoặc cố ý cung cấp thông tin sai lệch sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra pháp lý và có thể phải đóng phạt.

Tài liệu không đưa ra thông tin cụ thể về mức giá trần, nhưng cho biết hướng dẫn bổ sung sẽ được ban hành sau khi tham vấn với các quốc gia khác có liên quan.

Nhóm 7 quốc gia (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) đã đồng ý áp đặt giá trần đối với dầu của Nga vào đầu tháng 9. Mục tiêu là giảm khả năng tài trợ của Nga cho các hoạt động quân sự, đồng thời xoa dịu tình hình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak gần đây đã gọi mức trần giá là "hoàn toàn vô lý" và cảnh báo rằng Nga có thể ngừng cung cấp dầu cho các nước ủng hộ kế hoạch này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại