Sớm có giải pháp "bắc cầu" giữa giai đoạn "trong dịch" và "hậu dịch"
Sáng 10/4, diễn ra hội nghị Chính phủ với địa phương để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay, khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi.
“Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ và cho rằng, chưa bao giờ trong những thập kỷ gần đây có đại dịch như vậy.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tác động tới kinh tế - xã hội, dịch Covid-19 đã và đang gây hệ lụy lớn. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011, tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực.
Trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.
Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta, thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị.
Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội.
"Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển", Thủ tướng lưu ý và cho rằng, húng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất hiến kế cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, "như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian".
Trong phần phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16.
Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.
“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại Hội nghị.
Thủ tướng lấy ví dụ về vấn đề xuất khẩu gạo của An Giang và khẳng định "sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo". Xuất khẩu gạo phải được kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực, nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi của người nông dân.
Đặc biệt, phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen. Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội. "Có một số việc vô trách nhiệm, kéo dài mãi không chịu làm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý, phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu, phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt lợn.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.
Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư: Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được
Trước đó, tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, dịch đã làm "đứt gãy" các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu, làm giảm cả "cung" và "cầu" trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, các ngành sản xuất lớn như ô tô, máy móc, thiết bị, công nghiệp… và dịch vụ, du lịch, vận tải đều ảnh hưởng nặng nề. Lao động mất việc làm, tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên…
Dịch bệnh cũng tác động đến cuộc sống người dân, gây tâm lý bất an, thậm chí thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt và tiêu dùng của xã hội, cuộc sống chậm lại, tiêu dùng ít hơn, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu…
Trong bối cảnh như vậy, theo Bộ trưởng, nhiều quốc gia đã thực hiện nhiều giải pháp, với ưu tiên cao nhất là kiểm soát và "dập" dịch sớm nhất có thể. Đồng thời, triển khai khẩn cấp các giải pháp mạnh để giảm thiểu tác động của dịch và sớm chuẩn bị các giải pháp "bắc cầu" giữa giai đoạn "trong dịch" và "hậu dịch" để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
"Quốc gia nào càng kết thúc dịch sớm, càng chuẩn bị sớm các điều kiện phục hồi thì sẽ càng nắm bắt được cơ hội để thay đổi và phát triển theo xu hướng chung là tập trung vào thị trường trong nước trước để tạo lực rồi mới vươn ra thị trường nước ngoài", ông Dũng nêu.
Cũng giống như nhiều quốc gia khác, kinh tế - xã hội Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, toàn diện đến tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng GDP quý I ước chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.
"Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được.
Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách Nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng.
Xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do "cầu" của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn…
Bộ trưởng Dũng cho rằng, trước hết phải kiểm soát dịch thành công; tiếp đó là duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát sẽ gia tăng khả năng "bình phục" nhanh và "bứt phá" cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi. Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững…