Thư từ Mỹ: Tim nhảy theo giá xăng

Kenzie Tran |

Giá xăng ở Mỹ hiện cũng không nằm ngoài xu hướng toàn cầu - tăng mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ. Tôi sống ở TP Bradenton, bang Florida và thời điểm tôi bắt chuyến bay đi Việt Nam (đầu tháng 6), giá xăng là 4,75 USD/gallon (3,8 lít).

Một trạm xăng ở Sewaren, bang New Jersey - Mỹ

Một trạm xăng ở Sewaren, bang New Jersey - Mỹ

Trước khi bay mấy hôm, đưa con đi học, xe còn 1/4 bình nên tôi quyết định tấp vào cây xăng. Giá lúc đó vẫn còn 4,58 USD/gallon. Giai đoạn trước khủng hoảng, với 1/4 còn lại và châm đầy bình, tôi trả khoảng 35 USD nhưng sáng đó, tôi cà thẻ gần 60 USD. Nhìn số tiền nhảy trên màn hình mà tim tôi cũng nhảy theo.

Người thân của tôi sống tại TP Los Angeles, bang California cho biết giá xăng nơi đó dao động ở mức 6,98 đến hơn 7 USD/gallon tùy khu vực.

Công bằng mà nói, việc xăng tăng giá ở Mỹ không gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống thường nhật của người dân. Giá cao, đổ đầy bình khiến tôi hoang mang nhưng tôi vẫn đổ và vẫn có khả năng trả, đi kèm một chút bực bội. Đa số người Mỹ khác cũng thế - càm ràm nhưng vẫn đổ xăng.

Có lẽ vì tỉ lệ thu nhập - chi tiêu tại Mỹ không bị việc tăng giá xăng gây ảnh hưởng mạnh. Thêm vào đó, khi xăng tăng giá, chính phủ Mỹ có cách để tái cân bằng cơ cấu chi phí nhằm giữ ổn định giá và hạn chế lạm phát. Do đó, cuộc sống thật ra không bị đảo lộn.

Tại Việt Nam, về thăm nhà, tôi có dịp trò chuyện với nhiều người, đặc biệt là những tài xế công nghệ. Giá xăng tăng kéo giá vé vận tải tăng, giá thức ăn tăng, giá vé máy bay tăng… Mọi việc đi lại đều phải cân nhắc xem có cần thiết hay không.

Việt Nam vẫn đang hồi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19, nay giá xăng cao rõ ràng khiến thử thách càng lớn hơn dự định. Giá 1 lít xăng tăng là nhiều khó khăn kéo theo.

Nhắc đến chuyện giá xăng 7 USD/gallon ở California làm tôi nhớ câu chuyện về một người bạn vô gia cư. Anh này lâm vào cảnh khó khăn và phải sống trong xe hơi, cũng đã vài năm rồi. Cách đây không lâu, xe của anh bị người khác rút hết xăng. Hẳn là họ lấy cắp để mang về xài chứ ở Mỹ không có chuyện đóng bình ngồi bán ở góc cột điện hay ngã tư đường.

Tôi bỗng nhận ra một điều: Xăng đã trở thành thứ hàng hóa giá trị đủ sức khơi dậy lòng tham của con người, y như thời điểm tháng 3-2020 khi có một số người Mỹ sẵn sàng lao vào nhau "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" để giành mua giấy vệ sinh - lúc đó là mặt hàng khan hiếm.

Tuy mỗi nơi một khác nhưng với những gì được chứng kiến ở hai nơi cách nhau hai bờ đại dương, tôi vẫn băn khoăn với cùng một câu hỏi: Nếu tình cảnh này kéo dài, chúng ta sẽ ra sao, cả về kinh tế lẫn chân giá trị của con người?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại