Thế là sau một thời gian tạm dừng theo yêu cầu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL), ngày 11/9, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tuyên bố sẽ tiếp tục thu tiền quyền tác giả tại các phòng lưu trú khách sạn có sử dụng tivi.
Điều đáng nói là không giống như cách đây mấy tháng, thể hiện bằng văn bản ngăn cấm hẳn hoi, vị đại diện Cục Bản quyền tác giả Bộ VHTT&DL đã chọn cách nói nước đôi, khi đề cập đến vấn đề đang gây bức xúc đối với phần lớn các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ hiện nay.
Theo Luật Sở hữu Trí tuệ, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm âm nhạc có thu tiền phải trả phí tác quyền cho tác giả.
Xuất phát từ quy định này, ngoài việc thu phí tác quyền đối với các đơn vị tổ chức biểu diễn chương trình ca nhạc, các show diễn, các đơn vị kinh doanh băng đĩa nhạc…
VCPMC đã triển khai việc thu phí đối với quán karaoke, ti vi trong khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, phòng hội thảo, bãi giữ xe… vì cho rằng những nơi này đang sử dụng âm nhạc phục vụ cho việc kinh doanh.
Cụ thể, mức thu do VCPMC đưa ra là: 25.000/phòng/năm cho phòng khách sạn sử dụng tivi; Quán cà phê 50 chỗ ngồi trở xuống: 3,5 triệu/năm; khu vực sảnh khách sạn, cửa hàng, khu mua sắm, bãi đỗ xe là 1 triệu/năm cho diện tích dưới 200 m2 và tăng thêm 4.000đ cho mỗi m2/năm…
Việc thu này thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, nhưng phải qua thỏa thuận theo nguyên tắc có dùng có trả.
Vậy nhưng, khi triển khai, VCPMC lại đơn phương áp giá để thu tiền tác quyền khiến dư luận không đồng tình. Đây cũng là lý do mà Cục Bản quyền tác giả - Bộ VH-TT&DL yêu cầu Trung tâm này dừng thu tiền tác quyền âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, sau mấy tháng tạm dừng, ngày 11/9, tại cuộc họp báo ở TP.HCM, VCPMC cho biết Trung tâm tiếp tục triển khai thu tiền tác quyền âm nhạc đối với tivi trong phòng lưu trú khách sạn. Mức phí áp dụng là 25.000 đồng mỗi tivi một năm. Thông tin này lại tiếp tục gây bức xúc đối với dư luận.
Trả lời báo chí chiều 12/9, ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả cho rằng, việc sử dụng tác phẩm âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh thương mại thì phải trả tác quyền là đúng với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên “khi nào xác định được hoạt động kinh doanh, mục đích thương mại đối với việc khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc đấy, của Hội viên đấy có hợp đồng ủy quyền cho tổ chức, hai là xây dựng, thỏa thuận biểu giá tiền.
Đấy là cách phù hợp với thực tiễn, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, đặc biệt là phải được sự đồng ý của bên khai thác sử dụng tác phẩm. Muốn thu phải có sự đồng thuận, nếu không, dư luận xã hội thấy không được thì cơ quan quản lý nhà nước lại xem xét vấn đề này”.
Ông Hùng cũng cho biết thêm: Trong quyết định hồi cuối tháng 5/2017, Cục đã ghi rất rõ việc dừng thu phí phải được thực hiện ngay cho đến khi “VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác sử dụng của tác giả, chủ sở hữu của tác giả là hội viên của trung tâm và xây dựng được mức giá về quyền tác giả, tác phẩm đối với tác phẩm được khai thác sử dụng.
Sau đó tiến hành đàm phán để được phép sử dụng tác phẩm của cá nhân cho phép được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật”.
Tức là khi nào Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam làm rõ được các vấn đề trên thì việc thu phí sẽ được tiếp tục.
Qui định là vậy, thế nhưng, ngay cả khi chưa thực hiện được những yêu cầu này, VCPMC vẫn tuyên bố sẽ thu tiền tác quyền âm nhạc với tivi trong khách sạn từ tháng 10 này.
Điều đáng nói là cách trả lời “nước đôi” của ông Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Bộ VHTT&DL trước tuyên bố của VCPMC cho thấy, cơ quan chức năng cũng không dứt khoát quan điểm trong việc này.
Còn nhớ có lần trả lời báo chí xung quanh chuyện thu tác quyền âm nhạc của VCPMC, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đã tỏ rõ sự không đồng tình với cách làm cứng nhắc của Trung tâm này, đặc biệt là việc thu tác quyền âm nhạc với ti vi trong phòng khách sạn, sảnh lễ tân, bệnh viện, bãi giữ xe.
Ông nói: “Tôi đồng ý với VCPMC trong việc thu tiền tác quyền ở những nơi, những chương trình mang tính kinh doanh âm nhạc, nghệ thuật. Còn đối với bệnh viện hay sảnh khách sạn hay thu tiền tác quyền qua tivi thì vô lý quá.
Không ai vào bệnh viện để nghe nhạc mà là để chữa bệnh, cũng không ai đứng ở sảnh khách sạn chỉ để nghe nhạc… Việc sử dụng tivi, các chủ khách sạn đã trả tiền cho truyền hình cáp. Nếu giờ bắt họ chịu thêm cả phí tác quyền thì 1 cái tivi phải chịu mấy loại thuế, rất vô lý”.
Cũng theo ông Biên: “Những quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ cần phải xem xét. Nếu có những tồn tại thì phải điều chỉnh. Trước đây, khi đưa ra các điều luật này, chúng ta có tham khảo các điều luật về Sở hữu trí tuệ của thế giới. Tuy nhiên, có những nội dung chưa phù hợp khi áp dụng tại Việt Nam”. (VOV. vn, 24/06/2017)
Luật sở hữu trí tuệ ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi cho tác giả, nhưng đó không phải là cái cớ để một số đơn vị lợi dụng, tự cho mình cái quyền áp giá thu tiền, khiến quyền thụ hưởng âm nhạc chính đáng của công chúng bị hạn chế.
Đã đến lúc phải thay đổi mô hình quản lý để lĩnh vực này có sự cạnh tranh, các nhạc sĩ cũng được hưởng giá cạnh trạnh từ các chương trình nghệ thuật biểu diễn. Sự độc quyền của VCPMC hiện nay khiến lĩnh vực thu phí tác quyền đang trở nên bí bách, áp đặt kiểu “một mình một chợ”, nhất thiết phải được điều chỉnh.