Tại thôn Háo Đức, xã Nhơn An, cây mai tràn ngập từ ngoài đường đến trong nhà, đi đâu cũng thấy cảnh những người đàn ông tất bật vận chuyển mai ra đường để bán, còn những người phụ nữ thì cặm cụi vặt lá để mai ra hoa trúng tết.
Ông Đặng Xuân Ngữ (tức Sáu Ngữ, trú thôn Háo Đức) chia sẻ, gia đình ông trồng hơn 2 ngàn chậu mai, mỗi dịp tết gia đình ông bán khoảng vài 3 trăm cây. Để mai nở đúng tết ông phải thuê người từ thôn khác tới để vặt lá với chi phí là 120 ngàn/ngày.
“Hiện, gia đình tôi phải đi thuê nhân công ở các thôn khác đến để vặt lá, còn phụ nữ trong thôn phải lo vặt lá mai của gia đình họ. Thường, những người trồng ít mai mới đi vặt lá mai cho mình được, đến mùa này là khó tìm người vặt lá lắm”- ông Ngữ nói thêm.
“Bình Định ở giữa đất nước nên có một ưu điểm lớn, mai nào nở sớm là đi Bắc, còn loại nào nở muộn là đi Nam, nên mai lúc nào cũng bán hết” - ông Ngữ chia sẻ thêm.
Trong khi đó ông Hồ Văn Bấu (48 tuổi, thôn Háo Đức) cho hay, nhà ông trồng gần 4 ngàn cây mai. Vì thế, ông phải thuê nhân công ở Nhơn Hạnh, Phù Cát lên vặt lá mai, còn trong thôn mai của gia đình nào thì gia đình đó tự vặt, có khi còn vặt không kịp.
“Mấy người phụ nữ này là mối quen rồi nên năm nào người ta cũng vặt lá cho mình hết, ở các vùng không có mai, người ta sạ lúa rồi ở không là mình kêu lên lần mười mấy người. Nhờ cây mai mà ăn nên làm ra, không còn cảnh đi làm thuê làm thuê như trước kia, giờ nhà nào cũng có của ăn của để ” – ông Bấu tươi cười nói.
Chị Huỳnh Thị Lợi (37 tuổi) chia sẻ: “Tôi ở thôn khác tới, nghề vặt lá mai này không tốn sức là bao, quan trọng là phải khéo léo, chứ vặt lá mà vặt luôn búp là hoa có đâu mà nở. Mùa này nhờ lặt lá mai mà tôi kiếm được vài triệu/ tháng”.