'Thủ phạm' gây chết cá sông Bưởi bị phạt gần 4 tỷ đồng

Nguyễn Hoài |

Ngày 17/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Văn Tài vừa ký ban hành ba Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 3 đơn vị xả thải ra sông Bưởi gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên con sông này thời gian qua.

Ba doanh nghiệp bị xử phạt là Công ty TNHH Một thành viên Tân Hiếu Hưng, Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình và Cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng. Tổng số tiền xử phạt với ba doanh nghiệp là 3 tỷ 904,16 triệu đồng.

Cụ thể, Công ty Tân Hiếu Hưng sản xuất, chế biến và xuất khẩu tinh bột sắn ở xóm Bùi, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có tới 12 hành vi vi phạm hành chính về môi trường, trong đó có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng như đổ, thải chất thải rắn thông thường không đúng quy định, xả thải vượt QCVN tới 10 lần, thực hiện không đúng nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tổng hình phạt tiền với công ty này là 1,926666 tỷ đồng.

Ngoài việc phạt tiền, Bộ TN&MT buộc Công ty phải đình chỉ hoạt động trong 12 tháng kể từ ngày 20/5/2016. Buộc công ty phải khắc phục hậu qủa do hành vi vi phạm gây ra như lập bổ sung thiết kế cơ sở đối với các công trình bảo vệ môi trường theo quy định và khẩn trương cải tạo, nâng cấp và xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT cột A (kq=0,9, kf=1) trước khi thải vào mương thoát nước ra sông Bưởi; cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa…

Công ty phải lập nhật ký vận hành, sổ theo dõi hóa chất và nguyên vật liệu sử dụng, lắp đặt đồng hồ công tơ điện riêng biệt cho Trạm xử lý nước thải tập trung; Lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với nước thải sau xử lý trước khi thải ra ngoài môi trường (các thông số giám sát gồm: lưu lượng nước thải đầu vào và đầu ra, pH, SS, COD, Amonia, Tổng N).

Cửa xả nước thải ra mương thoát (nơi tiếp nhận nước thải) phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường…

Với Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình, chế biến đường và các sản phẩm sau đường ở xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, doanh nghiệp này cũng có 12 hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường như xả thải gấp 5-10 lần quy chuẩn cho phép, đổ, thải chất thải rắn thông thường không đúng quy định, không xây lắp công trình môi trường theo quy định, không thực hiện chương trình giám sát, quan trắc môi trường…

Tổng mức phạt tiền cho 12 hành vi vi phạm là 1,783332 tỷ đồng. Hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của công ty trong sáu tháng từ 20/5/2016.

Buộc công ty phải khắc phục hậu quả gây ra như xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, lập nhật ký vận hành, sổ theo dõi hóa chất và nguyên vật liệu sử dụng, nâng cấp và cải tạo hệ thống xử lý khí thải.

Buộc công ty phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường do hành vi vi phạm gây ra.

Kinh phí đền bù thiệt hại về kinh tế do Công ty thống nhất với các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trên cơ sở kết quả thống kê thiệt hại của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình; Thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi do hành vi vi phạm hành chính của Công ty gây ra.

Riêng với Cơ sở chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Ngọc Sáng bị phạt gần 200 triệu đồng vì có các hành vi vi phạm như không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; Xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết bảo vệ môi trường; Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.

Bên cạnh phạt tiền, Bộ TN&MT đình chỉ hoạt động xả nước thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được Quyết định này.

Chủ cơ sở cũng phải khắc phục hậu quả vi phạm do các hành vi vi phạm hành chính nêu trên gây ra, thực hiện các biện pháp khắc phụ như lập bổ sung thiết kế cơ sở đối với các công trình bảo vệ môi trường theo quy định (thiết kế này nằm trong thiết kế cơ sở của Cơ sở); khẩn trương cải tạo, nâng cấp và xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi QCVN 62-MT:2016/BTNMT cột A (kq=1, kf=1) trước khi thải vào mương thoát nước ra sông Bưởi; Cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa của Cơ sở.

Ngoài ra, chủ cơ sở phải lập nhật ký vận hành, sổ theo dõi hóa chất và nguyên vật liệu sử dụng, lắp đặt đồng hồ công tơ điện riêng biệt cho hệ thống xử lý nước thải; vận hành đúng quy trình của hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải ra môi trường; Chủ Cơ sở phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm mùi đảm bảo khí thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; cải tạo khu lưu giữ chất thải chăn nuôi, chất thải nguy hại theo quy định hiện hành.

Trước đó, trên sông Bưởi đoạn qua tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng các nuôi lồng chết hàng loạt. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xả thải trực tiếp ra sông Bưởi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại