Thu nhập người dân nông thôn tăng gấp 3,5 lần trong 10 năm

Duyên Duyên |

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng gần 3,5 lần, từ 9,1 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017...

Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng được thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 xuống còn 1,8 lần năm 2017.

49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Ngày 27/11/2018, Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia - Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Báo cáo tóm tắt về đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn đã đạt được một số thành tựu.

Thứ nhất, nền nông nghiệp có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất, tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng.

Cụ thể, giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng lên, năm 2017 đạt 90,1 triệu đồng/ha đất trồng trọt. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008.

Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, năm 2017 đạt 6,48%/năm.

Thứ hai, theo ông Phát, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn đã chuyển đổi tích cực.

Dẫn chứng cho điều này, ông Phát cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn có xu hướng tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 12,2%.

"Số hộ nông thôn tham gia vào các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2016 chiếm 40,03%, tăng gần 15% so với năm 2016. Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp trong cơ cấu thu nhập bình quân đầu người/tháng khu vực nông thông tăng từ 60,5% lên 73%", ông nói.

Thành tựu thứ ba là xây dựng nông thôn đổi mới trở thành phong trào sâu rộng, kết cấu hạ tầng được nâng cấp, điều kiện sinh sống ở nông thôn được cải thiện.

Thứ tư, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh.

Theo đó, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng gần 3,5 lần, từ 9,1 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 xuống còn 1,8 lần năm 2017.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Đến hết năm 2017, cả nước có trên 34.000 trang trại, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2012. Tính đến hết tháng 7/2018, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Ngoài ra, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế trung ương cũng đánh giá, trình độ khoa học công nghệ của nền nông nghiệp đã được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp còn một số hạn chế, yếu kém. Hạn chế đầu tiên được ông Cao Đức Phát chỉ ra là phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thiếu ổn định. Nhiều năm tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn mục tiêu 3,5-4% như Nghị quyết đề ra.

"Nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, dễ tổn thương trước biến động của thị trường và thiên tai, dịch bệnh. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm chậm được khắc phục…", ông Phát nói.

Hạn chế thứ hai là nông thôn phát triển không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Có tình trạng một số địa phương chạy theo phong trào nên thiếu thực chất.

Bên cạnh đó, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu.

"Thu nhập bình quân của nông dân năm 2017 chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước. Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao trên 30%. Đến hết năm 2017, lao động nông nghiệp vẫn chiếm 40,2% trong tổng số lao động xã hội", ông Cao Đức Phát thông tin.

Xây dựng đời sống văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp, ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng…

Mục tiêu đến 2030, thu nhập người nông dân tăng gấp 2,5 lần

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế đã đề cập, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, do nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết ở nhiều nơi chưa đầy đủ.

Nhiều nơi chưa quán triệt và thực hiện tốt phương châm "nông dân là chủ thể", còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào đầu tư của Nhà nước, có nơi biểu hiện lạm dụng sự đóng góp của người dân để thực hiện các nhiệm vụ công cộng.

Cơ chế, chính sách ban hành nhiều nhưng chủ yếu ngắn hạn và chưa đồng bộ. Cùng với đó, nguồn vốn cho thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP dựa nhiều vào ngân sách nhà nước nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp.

Khả năng tiếp cận vốn vay từ các nguồn chính thức còn thấp so với yêu cầu, nhiều nơi nông dân phải sử dụng tín dụng đen.

"Sự lãnh đạo chỉ đạo của nhiều cấp ủy còn thụ động, bộ máy quản lý nhà nước ở nông thôn đông nhưng chưa mạnh…", ông Phát nhận định.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Cao Đức Phát đề xuất cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, phát triển theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, phát triển y tế giáo dục, văn hóa đảm bảo an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở nông thôn.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế. Nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn…

Đề cập đến mục tiêu cụ thể, ông Cao Đức Phát cho biết, mục tiêu đến năm 2030 sẽ duy trì tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản khoảng 3%/năm, tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm, số xã đạt nông thôn mới trên 90%, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020 (tăng trên 9%/năm).

Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả cao, tăng trưởng ổn định 2-3%/năm, đóng góp khoảng 5% GDP.

Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn thu hút trên 80% lao động nông thôn. Lao động nông nghiệp chiếm dưới 10% lao động xã hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại