Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm nhờ bán loại quả vỏ mỏng, cùi dày, vị thơm ngọt

Pha Lê |

Loại trái cây này hiện đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, cây nhãn đã bắt đầu được trồng tại các bản dọc hai bên bờ sông Mã thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, thuộc địa bàn tỉnh Sơn La. Ngày nay, nhãn Sông Mã đã trở thành đặc sản nức tiếng Sơn La, được đem đi xuất khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Huyện Sông Mã có trên 7.500 ha cây nhãn, chủ yếu là giống nhãn T6 và nhãn Miền Thiết. Loại cây trồng này cũng được trồng tới 70% diện tích cây trồng của huyện Sông Mã.

So với một số loại cây trồng khác, nhãn Sông Mã cho sản lượng tốt, giá cả ổn định. Những năm trước, khi trái nhãn chín rộ, người dân không thể tiêu thụ, chỉ bán số lượng nhỏ quanh vùng và chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhãn Sông Mã được tiêu thụ qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, đầu ra sản phẩm đã được ổn định. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác dù tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.

Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm nhờ bán loại quả vỏ mỏng, cùi dày, vị thơm ngọt - Ảnh 1.

Trong năm 2023, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục BVTV đã đánh giá cấp thêm 18 mã số vùng trồng mới, nâng tổng số mã số vùng trồng lên 48 mã trên tổng diện tích 481,7 ha, sản lượng 4.817 tấn, trong đó: 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 23 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand.

Nhãn thường được thu hoạch rộ nhất từ tháng 7 - 8 hàng năm. Để cây ra trái đúng thời vụ, từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm, người trồng đều khoanh cành, kích thích cho cây ra hoa. Đến khi vỏ cây nhãn liền, phải tiến hành tưới nước đầy đủ để thường xuyên duy trì độ ẩm và bón phân, đảm bảo dinh dưỡng cho cây nhãn.

Nhãn Sông Mã quả to, vỏ mỏng, cùi dày và hương vị thơm ngọt. Trước đây, từ 70 - 85 quả nhãn đạt trọng lượng 1 kg, nay áp dụng kỹ thuật nên 1 kg bình quân từ 45 - 50 quả.

Ngoài bán trực tiếp quả nhãn tươi, nhãn còn được chế biến thành long nhãn, được người tiêu dùng ưa chuộng, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân, vừa nâng cao giá trị sản phẩm nhãn Sông Mã.

Theo ước tính, sản lượng nhãn năm 2023 trên 70.000 tấn, trong đó, đã tiêu thụ 4.500 tấn quả tươi ở thị trường trong nước. Vụ năm nay, các thương lái thu mua giao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg; những quả mẫu mã kém hơn được các lò sấy thu mua về làm long nhãn với giá 14.000 đồng/kg.

Cây nhãn hiện đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Nhiều gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng nhãn.

Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm nhờ bán loại quả vỏ mỏng, cùi dày, vị thơm ngọt - Ảnh 2.

Ngoài 2 giống nhãn trên, hiện, tại Sơn La, nông dân còn trồng thêm một giống mới là nhãn ánh vàng (còn gọi là nhãn lòng vàng). Huyện có khoảng 10 ha nhãn Ánh Vàng 205, trong đó 4 ha đang cho thu hoạch, năng suất ước đạt 15 tấn/ha. Giá bán giao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 – 3 lần so với giá nhãn Miền Thiết.

Giống nhãn này có bản lá rất to, giúp tăng khả năng quang hợp, tăng tích lũy chất khô vào quả, tăng năng suất, chất lượng; chùm quả to, độ đồng đều các quả/chùm rất cao. Cùi dày có màu hơi phớt ánh vàng, ăn ngọt và thơm. Quả cho phép thu hoạch ngay khi quả chín đạt 90% trở lên dù vỏ quả còn hơi xanh, rất thuận lợi cho vận chuyển sản phẩm đi xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại