THỬ NGHIỆM XE BUÝT NHANH: Làm mọi cách vẫn không nhanh hơn buýt thường

VƯƠNG TRẦN |

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là tới ngày tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội từ Yên Nghĩa - Kim Mã sẽ chính thức đi vào hoạt động (1.1.2017). Sáng 25.12, PV đã có cuộc khảo sát theo hành trình chạy thử nghiệm kỹ thuật của xe buýt nhanh từ bến xe Yên Nghĩa (Q.Hà Đông) tới bến xe Kim Mã (Q.Ba Đình).

THỬ NGHIỆM XE BUÝT NHANH: Làm mọi cách vẫn không nhanh hơn buýt thường - Ảnh 1.

Dù đã làm nhiều cách để ưu tiên hết mức cho hoạt động của xe buýt nhanh, nhưng thực tế tốc độ của xe buýt vẫn chưa đạt như dự định.

Đặc biệt, người dân cũng rất băn khoăn khi sẽ phải thay đổi lộ trình để nhường đường cho tuyến buýt này.

Ưu tiên vượt bậc

Ghi nhận của PV Lao Động sáng 25.12, hiện nay hệ thống hạ tầng phục vụ buýt nhanh Hà Nội BRT đã cơ bản được hoàn thiện, hệ thống ánh sáng, hành lang bên các nhà chờ đã có thể sẵn sàng để phục vụ hành khách.

Theo lộ trình của xe buýt nhanh, tại các khu vực nhà chờ Láng Hạ, Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Trung Văn, cầu qua sông Nhuệ… các biển báo chỉ dẫn làn dành riêng cho buýt nhanh BRT, cùng với hệ thống đèn tín hiệu đã được lắp đặt.

Hệ thống đinh phản quang kèm vạch sơn kẻ đường đã gần như hoàn tất, những nhà chờ không có cầu vượt cho người đi bộ có các hệ thống vạch kẻ đường kết hợp tín hiệu đèn giao thông nhằm giúp hành khách có thể sang đường một cách dễ dàng nhất.

Tuyến buýt nhanh đang được ưu tiên hết mức từ làn đường riêng, đèn tín hiệu tới cấm các phương tiện khác lưu thông để giảm mật độ.

Những việc này đang được Hà Nội hối hả thực hiện để chờ ngày buýt nhanh chính thức ra đường đón khách.

Tuy nhiên, vào sáng 25.12, P.V đã có cuộc khảo sát theo hành trình chạy thử nghiệm kỹ thuật của xe buýt nhanh từ Bến xe Yên Nghĩa tới Bến xe Kim Mã.

Theo đó, vào lúc 9h sáng ngày chủ nhật, tuyến đường di chuyển của xe buýt không gặp quá nhiều vướng mắc.

Mật độ các phương tiện tham gia giao thông không cao, các phương tiện khác như xe máy, ôtô không phải mất quá nhiều thời gian để nhích từng bước như vào giờ cao điểm của ngày làm việc trong tuần.

Tuy nhiên tốc độ di chuyển của xe buýt nhanh không... nhanh như dự định, thời gian dừng lại tại các nhà chờ của xe buýt nhanh mất từ khoảng 1-2 phút và phải mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ cho tuyến đường dài gần 15km.

Cũng với tuyến đường trên, phóng viên thực hiện đi xe máy thì chỉ mất khoảng 30 phút.

Như vậy, trong điều kiện đường thông thoáng, không gặp phải nhiều cản trở giao thông xe buýt nhanh vận hành kỹ thuật không nhanh hơn được xe buýt thường là bao nhiêu, thậm chí thời gian di chuyển còn chậm hơn phương tiện phổ thông hiện nay là xe máy.

Trao đổi nhanh với P.V Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho hay: “Hiện nay đơn vị này đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục trên tuyến đồng thời kiểm tra lại toàn bộ các thiết bị đã được lắp đặt, các thông số kỹ thuật để có phương án vận hành buýt nhanh đạt hiệu quả nhất vào thời gian tới”.

Hy sinh cho buýt nhanh, liệu có đáng?

Thời điểm hiện tại, hệ thống sơn kẻ đường theo tuyến từ BX Yên Nghĩa - BX Kim Mã đã dành hẳn 1/3 làn đường ưu tiên cho xe buýt nhanh Hà Nội BRT.

Như vậy không gian di chuyển của các phương tiện khác đã bị hạn chế lại. Thực tế vào thời điểm ngày chủ nhật (giờ thấp điểm), lưu lượng phương tiện giao thông không nhiều nhưng nhiều ôtô, taxi vẫn đi vào làn của xe buýt nhanh ở những đường hẹp như đoạn qua nhà chờ Láng Hạ (gần rạp Chiếu phim Quốc gia) để tăng tốc độ cho hành trình di chuyển của mình.

Mặt khác thông tin về phương án điều tiết, hạn chế các phương tiện khác dọc BRT cũng nhận được khá nhiều băn khoăn, lo lắng từ người dân về việc phải thay đổi lộ trình để ưu tiên cho phương tiện này.

Theo phương án tổ chức giao thông của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kể từ 1.1.2017, tại 2 cầu vượt (Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng): Khi đến cầu, sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác.

Cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm (sáng: 6h00 - 9h00, chiều 16h30 - 19h30); cấm toàn bộ xe tải, xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép từ 500kg trở lên, lưu thông trên 2 cầu vượt.

Đối với xe taxi: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h00 - 9h00, chiều 16h30 - 19h30) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương.

Trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT đều bị cấm dừng đỗ.

Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông trên dọc tuyến BRT.

“Các tuyến đường khác thay thế có mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng khá cao. Giờ cao điểm những tuyến đường bên cạnh tuyến Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ cũng không tránh khỏi tình trạng đường nhỏ kèm nhiều công trình đang thi công dẫn đến ùn tắc kéo dài, điều này ảnh hưởng rất nhiều tới lộ trình di chuyển của chúng tôi”, anh Phi Hùng - một lái xe taxi bày tỏ ý kiến.

Theo TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch - Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc triển khai đưa vào hoạt động xe buýt nhanh BRT trong các đô thị là điều rất cần thiết tuy nhiên phải đảm bảo hạ tầng giao thông để xe buýt nhanh hoạt động đúng với tốc độ của nó.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần phải theo dõi và phải điều chỉnh, tháo gỡ ngay những khó khăn gặp phải trong thời gian vận hành thử nghiệm khi buýt nhanh đưa vào chính thức hoạt động.

Mặt khác, cần phải có một bộ phận liên ngành thường trực để giải quyết, hướng dẫn các phương tiện tham giao thông để tránh ùn tắc xảy ra vào giờ cao điểm.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại