Thử một loạt vũ khí mới, Nga ngầm lên kế hoạch đánh bật Mỹ ra khỏi "ốc đảo" quân sự ở Syria?

Quốc Vinh |

Sau khi đề nghị hợp tác không thành, Nga đang rốt ráo thử nghiệm một loạt vũ khí mới từ tên lửa đến máy bay, đồng thời tăng cường lực lượng để phá sức nóng gần căn cứ quân sự Al-Tanf của Mỹ.

Vũ khí mới của Nga sẽ bất chấp mọi kẻ thù?

Nga được cho là đang thách thức sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria bằng cách thử nghiệm vũ khí mới, đồng thời tăng cường phòng thủ và tăng cường sự hiện diện của quân đội gần các cơ sở quân sự do lực lượng Mỹ vận hành, tờ Newsweek đánh giá..

Vài ngày sau khi trở về từ chuyến thăm quốc gia Trung Đông, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov đã trình bày chi tiết với phương tiện truyền thông địa phương hôm 17/12 về các hệ thống vũ khí mới đã được đưa vào cuộc xung đột.

Chúng bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không Pantsir S1 và Iskander-M trên mặt đất, máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tupolev Tu-160, máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 và máy bay ném bom chiến lược Tu-95, cũng như máy bay chiến đấu Mikoyan MiG-29K và trực thăng Ka-52K Katran trên không.

Theo Moscow Times, ông cũng đặc biệt ca ngợi các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 và Su-30SM vì đã có màn trình diễn vượt kỳ vọng. Ông Vladimirov đã hoan nghênh việc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 được nâng cấp vào tháng 10, tuyên bố rằng các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã "giảm đáng kể" ở phía đông bắc Syria từ thời điểm đó.

Nga đã gửi S-300 tới Syria sau một sự cố nghiêm trọng khiến một máy bay và nhiều binh sĩ nước này thiệt mạng, liên quan đến một cuộc không kích của Israel nhằm vào kho vũ khí bị cáo buộc của Iran hồi tháng 9.

Mặc dù hỏa lực trực tiếp thuộc về phòng không Syria khi đã vô tình bắn hạ máy bay do thám Ilyushin Il-20 của Nga, tuy nhiên cả Moscow và Damascus đều đồng ý rằng máy bay của Israel mới là nguyên nhân xảy ra sự cố bi thảm này.

Các báo cáo gần đây cho thấy, Moscow và Damascus đang thể hiện rõ lập trường cứng rắn của mình để sẵn sàng có những phản ứng mạnh tay với các đòn gây hấn từ Israel, đồng thời thách thức liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Syria.

Mỹ và Israel, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar, là những quốc gia ủng hộ cuộc nổi dậy năm 2011 nhằm đe dọa chấm dứt sự lãnh đạo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong những năm sau đó, khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS thừa cơ trỗi dậy. Mỹ đã thành lập một liên minh để bắt đầu ném bom các nhóm này và trở thành lực lượng ảnh hưởng nhất ở Syria vào năm 2014.

Nga đã can thiệp trực tiếp vào Syria chỉ một năm sau đó, hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang Syria và nhiều lực lượng dân quân thân Chính phủ khác - một vài trong đó là các nhóm Hồi giáo Shiite được Iran huy động - trong khi liên minh do Mỹ đứng đầu hợp tác với một liên minh mới với nòng cốt chủ yếu là người Kurd.

Hai phe này đã tiến hành các cuộc tấn công riêng biệt mà chủ yếu trong đó là để tận diệt IS, tuy nhiên sự bất đồng về các chương trình nghị sự chính trị được coi là nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột mới.

Sự hiện diện "khó chịu" của Mỹ

Thử một loạt vũ khí mới, Nga ngầm lên kế hoạch đánh bật Mỹ ra khỏi ốc đảo quân sự ở Syria? - Ảnh 1.

Khác với Nga, lực lượng Mỹ ở Syria luôn bị cáo buộc là bất hợp pháp do không được chính quyền Assad mời đến.

Trong khi Mỹ gần như từ bỏ sự ủng hộ của mình đối với phe đối lập Syria để hậu thuẫn cho Lực lượng Dân chủ Syria được cho là trung lập hơn, Lầu Năm Góc vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với một nhóm phiến quân được gọi là Maghawir al-Thawra, đóng tại khu vực giảm xung đột do Mỹ kiểm soát tại căn cứ Al-Tanf, ở miền Nam Syria.

Iran, Nga và Syria đã yêu cầu Mỹ từ bỏ sự thiết lập quân sự tại đây, cho rằng sự hiện diện của Washington là bất hợp pháp ngay từ đầu, vì nước này không được mời cũng như không hợp tác chính quyền Assad.

Căn cứ Al-Tanf ngày càng gây tranh cãi khi tình hình quanh khu vực an ninh do Mỹ thi hành đang ngày xấu đi. Nơi đây bao gồm cả trại tị nạn Rukban bị cô lập, khiến nhiều trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng. Trại tị nạn nằm trong vùng sa mạc khắc nghiệt ở biên giới với Jordan, nơi biên giới đã bị đóng cửa do lo ngại sự xâm nhập của IS. Cả Mỹ và Nga đều đổ lỗi cho nhau về tình trạng xấu đi ở đó.

Đầu tháng này, cả hai nguồn tin chính thức cùng với nguồn tin ủng hộ phe đối lập Syria đều cáo buộc cuộc tấn công của Mỹ từ căn cứ Al-Tanf đã nhắm vào các mục tiêu quân sự Syria gần Al-Sukhna, mặc dù nước này tuyên bố rằng họ chỉ tấn công một địa điểm của IS.

Vài ngày sau, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov tiết lộ trong một cuộc họp về chính sách đối ngoại rằng, ông đã đề xuất với Mỹ về việc cùng kiểm soát căn cứ Al-Tanf, nhưng đã bị phía Lầu Năm Góc phớt lờ. Cuối tuần qua, các cuộc đụng độ mới được báo cáo đã nổ ra giữa lực lượng thân Chính phủ và phiến quân do Mỹ hậu thuẫn trong khu vực.

Với căng thẳng gia tăng, nhà phân tích quân sự Nga Đại tá Shamil Gareyev cho biết hôm 17/12 rằng, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ là không thể xảy ra, nhưng sự tích tụ quân sự của Nga và các đơn vị Syria trong khu vực có thể là phương tiện để gây áp lực buộc Mỹ rút sự thiết lập của mình tại đây.

"Tôi không nghĩ rằng các đơn vị Nga sẽ tham gia vào một cuộc xung đột với người Mỹ gần Al-Tanf", ông Gareyev nói với Nezavisimaya Gazeta .

"Quân đội Nga hoạt động ở Syria trên cơ sở hợp pháp chứ không giống như các đơn vị của Lầu Năm Góc. Các lực lượng Nga và Syria tập trung gần Al-Tanf để đảm bảo sự ổn định, loại bỏ các nhóm khủng bố IS và giúp đỡ người tị nạn tại trại Rukban. Tất nhiên, các bước đi này sẽ nhằm mục đích buộc các đơn vị Mỹ rút mọi lực lượng quân sự ra khỏi Syria".

Trong khi nhiệm vụ chính thức của Lầu Năm Góc ở Syria chỉ giới hạn trong việc đánh bại IS, các quan chức Washington đã âm thầm mở rộng mục tiêu của Mỹ để bao gồm cả kế hoạch trục xuất lực lượng của Iran ra khỏi quốc gia Trung Đông và đảm bảo tiến trình chính trị loại bỏ ông Assad ra khỏi chiếc ghế quyền lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại