Bị mất một chân vì gặp tai nạn, ông Huỳnh Thiện Tâm (56 tuổi, ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, mày mò kỹ thuật nuôi rắn ri để cải thiện kinh tế gia đình khiến nhiều người thán phục.
Ông Tâm chia sẻ trên báo Hậu Giang rằng, ông đến với nghề này như một cái duyên khi ông mua được 13 con rắn ri voi của người dân địa phương bán lại vào năm 2010, nhưng bằng sự chăm sóc chu đáo, đàn rắn phát triển tốt và sinh sản rất nhanh.
Mô hình nuôi rắn ri trong vèo của ông Tâm. Ảnh: Báo Hậu Giang
Ông Tâm tiết lộ: "Nghề nuôi rắn ri voi cho thu nhập khá cao, không dưới 50 triệu đồng/năm từ bán rắn thương phẩm và con giống. Nhờ đó mà kinh tế gia đình dần ổn định, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Vì thế, qua hơn 5 năm nuôi, hiện tôi đã phát triển được 8 bể nuôi, với hơn 300 con rắn ri voi lớn nhỏ khác nhau".
Để nuôi rắn ri voi có hiệu quả, ông Tâm đã phải tự thiết kế bể nuôi và tách đàn, phân cỡ, nhất là tập cho rắn ăn quen dần với các loại cá như cá rô, cá sặc… Các loại thức ăn trên ông cũng tự đi kiếm để tiết kiệm chi phí.
Ông Tâm còn cho biết, đối với nuôi vèo, phải sử dụng một lớp lưới mùng Thái và thả thêm ít lục bình và rong rêu để che nắng và để cho chúng có cảm giác quen thuộc như sống ngoài tự nhiên.
Cũng tại Hậu Giang, anh Bùi Hoàng Bằng, 34 tuổi ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp cũng rất thành công với mô hình nuôi rắn ri.
Anh Bằng tâm sự trên báo Nông nghiệp Việt Nam: "Khi mới lập gia đình, ngoài làm công việc nhà nước tôi đã tận dụng thời gian rảnh rỗi để sản xuất. Đầu năm 2009 tôi đầu tư gần 50 triệu đồng xây chuồng nuôi 150 con thỏ. Do thiếu kinh nghiệm nên thất bại. Không từ bỏ quyết tâm, cuối 2009 tôi quyết định chuyển sang đầu tư nuôi rắn ri cá, ri voi cho kết quả khả quan".
Anh Bằng so sánh, nuôi rắn ri cá có lợi thế và lợi nhuận hơn rắn ri voi, chi phí đầu tư về con giống, thức ăn nhẹ hơn nhiều mà giá bán của 2 loại này chênh lệch không quá lớn.
Anh Bùi Hoàng Bằng đang cầm trên tay một con rắn ri cá. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Theo anh Bằng, rắn ri cá là loại dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt. Nguồn thức ăn đa dạng, nhu cầu thị trường nhiều và ổn định.
Nuôi rắn đẻ 1 tuần cho ăn 1 lần, rắn thịt 3 ngày cho ăn 1 lần, thức ăn từ nguồn cá tạp, cá rô phi, sặc... Mỗi năm rắn đẻ một lần, mỗi con đẻ từ 15 - 20 rắn con, nuôi 15 - 18 tháng, rắn có thể đạt trọng lượng từ 1,1 - 1,7 kg/con.
Từ chỗ nuôi đơn lẻ 50 con rắn ban đầu anh Bằng chuyển sang nuôi bầy đàn. Hiện anh có 10 vèo nuôi với tổng số 1.000 con, trong đó có 400 rắn bố mẹ.
Mỗi năm anh xuất bán từ 5.000 - 6.000 rắn con, bán với giá 60.000 - 200.000 đ/con (tùy theo trọng lượng và thời gian) trừ chi phí thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh cũng thu nhập vài chục triệu đồng từ bán rắn thương phẩm.
Rắn ri voi (ri tượng) thuộc loài rắn nước, nhưng chúng to hơn các loài rắn nước khác, có con nặng tới 7 - 8kg.
Thịt rắn thơm và tỷ lệ thịt trên một đơn vị trọng lượng cơ thể của rắn ri voi cao hơn nhiều so với các loài rắn nước khác.
Ở khu vực ĐBSCL trước đây, rắn ri voi rất nhiều, do khí hậu ấm áp, thích hợp với điều kiện sinh sống và phát triển của các loài rắn nước, trong đó có loài rắn ri voi. Nhiệt độ thích hợp cho sự sống và phát triển của rắn từ 23 – 32 độ C, rắn sống ở vùng nước ngọt không thích vùng nước lợ.
Rắn ri voi không có nọc độc, nhưng rất nguy hiểm vì bản tính hung dữ và khả năng phản xạ rất nhanh khi gặp con mồi hoặc kẻ thù. Vì vậy, chúng ta nuôi rắn phải hết sức chú ý tới đặc điểm này nhằm đề phòng chúng tấn công.
Tổng hợp