Hình minh họa
Với 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400 km2, Hà Nội đứng thứ 2 về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 30 về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 (thứ 32 quý 1/2023). Hà Nội hiện đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.
Về kinh tế, Thành phố đã đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Năm 2022, GRDP tăng trưởng 8,89%. Giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách nhà nước vượt gần 20% dự toán; giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ; thúc đẩy chuyển đổi số; GRDP năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm...
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là gần 178.000 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giai đoạn 2018 - 2020, thu hút FDI của Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2018 và 2019 xếp thứ 1/63 tỉnh, thành với số vốn lần lượt đạt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; năm 2020, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành đạt 3,83 tỷ USD. Trong 2 năm 2021 và 2022, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu hút FDI vào thành phố Hà Nội có sự giảm sút.
4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ). GRDP quý 1 năm 2023 tăng 5,8%. Hà Nội có hơn 7.000 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư là 61,7 tỷ USD. Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện chiếm gần 70%; hơn 5.000 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị 21,8 tỷ USD.
Các lĩnh vực Hà Nội thu hút nguồn vốn FDI lớn như: Bất động sản, chiếm 63% tổng vốn FDI đầu tư trên địa bàn; dịch vụ buôn bán hàng hóa (chiếm 9%); xây dựng và hoa học công nghệ (chiếm 5%). Theo Báo cáo khảo sát của nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 do Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE đánh giá: TP.HCM và Hà Nội lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất về đầu tư xuyên biên giới.
Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường bất động sản, chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hình minh họa
Đánh giá về việc thu hút FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian gần đây, ông Nguyễn Mạnh Quyền -Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: “Điều này khẳng định tiềm năng thu hút của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung; nhưng đồng thời chỉ dấu về những vướng mắc nhất định đối với dòng vốn trực tiếp vào các dự án, trong đó có dự án sử dụng đất”.
Cùng với thu hút FDI, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP Hà Nội tăng 1,6% (cùng kỳ tăng 6,0%); kim ngạch xuất khẩu giảm 1,3% (cùng kỳ tăng 17,4%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 7% (cùng kỳ tăng 20,2%).
Kinh doanh dịch vụ phục hồi khá; các lĩnh vực dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 20,4% (cùng kỳ tăng 16,3%). Số lượng khách du lịch tăng cao, gấp 3,1 lần cùng kỳ (khách quốc tế gấp 10 lần cùng kỳ).
Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số PAR Index 2022 (chỉ số cải cách hành chính).