Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng: Trung tâm Xúc tiến đầu tư phải đi “lạy dạ”...

HẢI CHÂU |

“Trung tâm là nơi đối diện với các nhà đầu tư nước ngoài, phải cố lấy lòng họ; sau đó phải tiếp tục lấy lòng các sở, ngành, kể cả VP Ủy ban. Rốt cuộc cứ phải đi lạy dạ người khác!” – ông Trương Hảo, nguyên PGĐ Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng nói.

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi cuộc trao đổi của PV Infonet với ông Trương Hào, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng.

Để hiểu vì sao Đà Nẵng có “môi trường đầu tư tốt, PCI tốt” nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà?

PV: Ở các phần trước, có lúc ông nói có những Sở “không phải người ta xấu nhưng do không tự tin trong công việc, không nắm vững vấn đề để xử lý nên việc gì cũng kéo dài”.

Có lúc ông nhận định có những cán bộ tư duy cũ kỹ, hạn hẹp tới mức gây khó khăn, cản trở đối với nhà đầu tư. Ông có thể cho vài dẫn chứng không?

Ông Trương Hào: Trước đây có trường hợp thế này, có nhà đầu tư ký hợp đồng thuê đất, trả tiền làm 3 lần. Nhưng sau đó nhà đầu tư này có tiền nên đem trả luôn một lần luôn cho gọn để làm giấy tờ.

Tuy nhiên cán bộ của Sở TN-MT không chịu. Tôi hỏi vì sao không chịu thì người đó trả lời trong hợp đồng ghi trả tiền làm 3 lần, bây giờ trả một lần là không đúng với hợp đồng!

Tôi hỏi họ trả tiền một lần như thế có lợi cho TP không? Có lợi, vì lấy tiền đó đầu tư hạ tầng hay gửi ngân hàng đều có lợi.

Có thiệt gì cho TP không? Không thiệt! Có ảnh hưởng gì về an ninh không? Không! Có ảnh hưởng về tài chính không? Không! Vậy tại sao không được? Cán bộ Sở TN-MT vẫn trả lời vì không đúng thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng.

Tôi phải báo cáo ông Nguyễn Bá Thanh thì việc đó mới xong!

PV: Đó là chuyện từ thời ông Nguyễn Bá Thanh, còn hiện nay thì sao, thưa ông?

Ông Trương Hào: Trong bài viết mới đây trên Infonet về thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn, ông Phạm Việt Hùng, Trưởng BQL các KCN và Chế xuất Đà Nẵng có nêu vấn đề xử lý các dự án không đầu tư mà kinh doanh bất động sản trong KCN.

Trong đó ông cho rằng trước mắt cần tập trung xử lý các dự án không có cơ sở sản xuất của chính chủ đầu tư mà thuần túy là kinh doanh bất động sản trong KCN.

Đối với các dự án này, cần điều chỉnh lại khung giá thuê đất cho phù hợp. Theo tôi, quan niệm như vậy là chưa phù hợp, thậm chí khá hạn hẹp! Vì sao?

KCN là để sản xuất, anh hay tôi sản xuất đều như nhau, cũng tạo công ăn việc làm, cũng nộp thuế.

Ví dụ Công ty Deawon có làm mấy nhà xưởng trong KCN nhưng nay họ tập trung vào lĩnh vực khác chứ không sản xuất nữa thì họ kêu công ty khác để cho thuê.

Nếu công ty mới vào mà biến chỗ đó thành quán karaoke thì không được, nhưng họ cũng sản xuất như thế, tại sao mình phải khó chịu, kêu rêu Deawon thuê đất nhưng không sản xuất mà kinh doanh bất động sản?

Họ kinh doanh bất động sản thì nộp thuế bất động sản, công ty mới vào sản xuất thì nộp thuế sản xuất. Như vậy là trên cùng khu đất đó sẽ có hai đơn vị nộp thuế cho ngân sách. Sao lại gây khó khăn cho họ?

Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà cả doanh nghiệp Việt Nam trước đây thuê đất, trong KCN để sản xuất nhưng nay gặp khó khăn, không thể tiếp tục.

Họ đã bỏ ra rất nhiều tiền xây dựng nhà xưởng thì mình tạo điều kiện để họ bù đắp chi phí, đơn vị sản xuất mới vào kiếm được lợi nhuận, ngân sách cũng thu thêm được thuế.

Lợi đủ thứ chứ có thiệt chỗ nào đâu? Người ta đổ bao nhiêu tiền xây nhà xưởng, nay không sản xuất được, bỏ trống làm gì? Anh thu hồi thì tiền đâu trả cho họ?

Ở nhiều KCN trong cả nước, người ta cho doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng để cho thuê kia mà!

Thay vì ngăn cản thì theo tôi, nên khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng trong KCN để cho thuê. Trên thực tế có nhiều nhà đầu tư cần có nhà xưởng có sẵn để triển khai dự án luôn chứ khỏi phải xây dựng mới từ đầu.

Gặp được nhà xưởng có sẵn như của Deawon là quá tốt, cần tạo điều kiện cho đôi bên chứ sao lại chống việc đó?

Chưa kể, quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp đã được luật quy định, nên miễn trên khu đất đó triển khai hoạt động sản xuất theo đúng chức năng của KCN chứ đừng làm thứ khác là được. Cần phải tư duy như vậy!

PV: Nhưng thực tế là có những trường hợp chỉ đăng ký dự án nhằm chiếm đất trong KCN nhưng không làm gì cả mà đem cho thuê lại để trục lợi, thưa ông?

Ông Trương Hào: Với các trường hợp đó, tất nhiên phải thu hồi.

Nhưng với các nhà đầu tư đã xây dựng nhà xưởng để sản xuất mà vì gặp khó khăn, không tiếp tục được hoặc muốn chuyển lĩnh vực hoạt động thì nên tạo điều kiện để họ cho người khác thuê nhà xưởng đó.

Nên xem đó là chuyện bình thường chứ đừng nặng nề gì cả!

Ông Phạm Việt Hùng còn cho rằng, với các dự án này cần điều chỉnh khung giá thuê đất cho phù hợp.

Theo tôi, làm như thế mới là không phù hợp, vì có thuê lại nhà xưởng thì cuối cùng đơn vị thuê đó vẫn làm sản xuất, nên họ phải được hưởng khung giá đất sản xuất.

Lấy lý do đơn vị có nhà xưởng kinh doanh bất động sản để tăng giá đất thì đơn vị sản xuất muốn thuê lại nhà xưởng đó làm sao thuê được? Vậy là nhà xưởng vẫn để trống trong khi đơn vị có nhu cầu lại không có chỗ để sản xuất!

PV: Nãy giờ nói chuyện với ông, chúng tôi có câu này muốn hỏi mà cứ áy náy mãi. Nhưng không hỏi thì không được.

Nên xin được hỏi, sau 15 năm làm công tác XTĐT, ông thấy vai trò của Trung tâm XTĐT Đà Nẵng như thế nào trong việc thu hút vốn FDI vào TP?

Ông Trương Hào: Trung tâm XTĐT có vai trò quan trọng trong thu hút vốn FDI cho TP. Anh em làm việc rất nhiệt tình. Nhưng thực ra tôi thấy vai trò “trung tâm” của Trung tâm XTĐT bị các sở, ban, ngành khác coi thường.

Các sở, ngành đó cho mình có vai trò chính thống hơn, còn Trung tâm XTĐT tuy cũng là cấp trực thuộc UBND TP, ngang sở hoặc tương đương, nhưng người ta coi không ra gì!

Trung tâm yêu cầu sở nào đó hỗ trợ giải quyết, có ý kiến về đề xuất của nhà đầu tư thì đôi khi người ta trả lời cũng được mà không cũng chẳng sa.

Tức là họ không coi trọng yêu cầu của Trung tâm, mặc dù Trung tâm có vai trò quan trọng trong việc điều phối để thu hút vốn FDI cho TP.

Tôi nhớ có lần Trung tâm gửi công văn qua Sở TN-MT, lâu quá không thấy trả lời nên cán bộ của Trung tâm chạy qua hỏi. Họ bảo: “Tôi không trả lời, làm gì tôi?”. Khó là ở chỗ đó!

Trung tâm là nơi đối diện với các nhà đầu tư nước ngoài, phải lấy lòng họ cho được. Rồi sau đó phải tiếp tục lấy lòng các sở, ngành, kể cả Văn phòng Ủy ban nữa.

Rốt cuộc chúng tôi cứ phải đi lạy dạ người khác, vì không có thực quyền nên phải năn nỉ, Công văn có liên quan tới Sở Xây dựng thì phải năn nỉ Sở này cố gắng giúp có ý kiến cho nhanh; rồi qua TN-MT năn nỉ họ giúp có ý kiến, rồi lên Văn phòng Ủy ban năn nỉ họ trình cho lãnh đạo TP...

Các sở, ban, ngành không xuất hiện trước nhà đầu tư nên không cảm thấy khó khăn, khó chịu; còn Trung tâm trực diện với nhà đầu tư thì phải trả lời câu hỏi của họ, hoặc phải giải quyết vấn đề của họ trong khi không hề có chút quyền nào nên rất khó.

Riết một hồi Trung tâm cứ như đi “ăn xin”, kêu gọi các nhà đầu tư vào rồi lạy lục các sở, ngành. Thực sự là rất “khốn khổ” nhưng nhiệm vụ thì phải làm chứ biết sao bây giờ!

PV: Nên giải quyết chuyện đó như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Hào: Cái chính là các sở, ngành phải có nhân vật chủ chốt nào đó thay mặt đơn vị để chịu trách nhiệm về thu hút đầu tư nước ngoài.

Người đó làm đầu mối để xử lý công việc, nếu có sự chậm trễ liên quan tới sở, ngành của mình thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Chứ hiện nay Trung tâm gửi công văn qua Sở TN-MT thì nó cứ chạy lang bang không biết ai xử lý và không biết bao giờ có kết quả!

Phải làm sao gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể của từng sở. Những việc về FDI liên quan đến sở nào thì người của Sở đó phải chịu trách nhiệm chứ Trung tâm không phải lạy dạ ai nữa.

Cùng là công chức nhà nước với nhau mà cán bộ Trung tâm phải đi lạy người này, dạ người kia là rất vô lý. Đây là trách nhiệm chung phải giải quyết.

Vốn FDI không có thì các sở, ban, ngành chê bai Trung tâm, nhưng hợp tác, giúp đỡ thì họ lại chẳng làm, làm rất chậm hoặc không có trách nhiệm!

PV: Tuy đã về hưu nhưng rõ ràng ông vẫn rất tâm huyết với sự nghiệp XTĐT của Đà Nẵng. Vậy ông có mong muốn gì trong việc này?

Ông Trương Hào: Tôi chẳng còn liên quan gì nhưng thấy có nhiều chuyện bức xúc ở từng phòng, ban, sở, ngành. Nhiều chỗ toàn là ông trời, ông đất cả.

Không tâm huyết, không trách nhiệm, không sống chết với việc đó để làm. Có những việc mà tôi thấy may cho Đà Nẵng là chưa có các tập đoàn lớn vô, chứ họ vô mà làm ăn như vậy thì họ kiện cho không biết đâu mà đỡ.

Có người không phải xấu nhưng tư duy cũ kỹ, hạn hẹp vì ít chịu học, chịu đọc nên nhiều khi sợ trách nhiệm tới mức không thể hiểu nổi.

Nên tôi mong có dịp tình cờ được gặp để nói cho Bí thư, Chủ tịch TP biết thực chất vấn đề, vì mình sống ở đâu thì tâm huyết với nơi đó.

TP phát triển thì gia đình mình, anh em, bạn bè và mọi người cũng được hưởng chung. Có những việc rất tỉ mỉ, tủn mủn nhưng cần phải nói để lãnh đạo TP biết mà chỉ đạo.

PV: Báo Infonet xin chuyển những ý kiến này của ông tới lãnh đạo TP Đà Nẵng. Và xin cám ơn ông đã dành cho báo Infonet cuộc trao đổi thẳng thắn này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại