Trong quý I/2023, số liệu từ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Xét theo từng địa phương, trong quý I/2023, GRDP so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Trong đó, 5 địa phương từng có GRDP cao nhất cả nước năm 2021 là Khánh Hoà, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang và Hưng Yên cũng có sự thay đổi về thứ hạng trong quý I/2023.
1. Khánh Hòa
Với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 20,7% so với năm 2021, Khánh Hòa là tỉnh có tốc độ tăng GRDP cao nhất cả nước trong năm 2022.
Sang đến quý I/2023, theo báo cáo của Cục Thống kê Khánh Hòa, GRDP của tỉnh ước đạt 13.248,9 tỷ đồng, tăng 9,07% so cùng kỳ năm trước, xếp thứ 4 cả nước. Trong đó GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 10,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,55%.
Đóng góp trong tổng mức tăng 10,2% của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,57%, làm tăng 0,15 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, làm tăng 2,74 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 13,02%, làm tăng 6,24 điểm phần trăm.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2023, địa phương đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 8,7%, GRDP bình quân đầu người ước đạt 84,8 triệu đồng/người. Chỉ tiêu thu ngân sách ước đạt 15.445 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 71.300 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
2. Bắc Giang
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang năm 2022 ước đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước.
Số liệu của Cục Thống kê Bắc Giang chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc giang trong quý I/2023 đạt 8,4%, đứng thứ 8 cả nước. Các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,74%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,02%, dịch vụ tăng 6,26%, thuế sản phẩm tăng 3,06%.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu hoàn thành 18 chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng GRDP đạt 14,5%, phấn đấu duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 3.850 USD; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2021 - 2026) còn 3%; thu ngân sách trên địa bàn trên 15.000 tỷ đồng; huy động vốn toàn xã hội 88,6 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90%...
3. Đà Nẵng
Mặc dù trong năm 2022, Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nội tại và những bất ổn của tình hình thế giới, tuy nhiên thành phố đã có bước phục hồi khá mạnh mẽ và có tốc độ tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, trong năm 2022, GRDP thành phố này ước tăng 14,05%, vượt xa so với mục tiêu đề ra là 6-7%, đứng thứ ba cả nước về tốc độ tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Sang năm 2023, theo Cục Thống kê địa phương, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên kinh tế thành phố Đà Nẵng quý I/2023 vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá nhờ đà phục hồi tích cực của hoạt động du lịch và các lĩnh vực dịch vụ khác đi kèm.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 ước tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, GRDP của Đà Nẵng dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung về tốc độ tăng; xếp thứ 2 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương; thứ 7 trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 19 so với cả nước.
Theo kế hoạch, UBND Đà Nẵng xác định định hướng phát triển kinh tế với mức tăng trưởng đối với tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) năm 2023 ước tăng 6,5-7%.
Tăng trưởng GRDP quý I/2023 của 5 địa phương có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước 2022
4. Hậu Giang
Năm 2022, Hậu Giang đã hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó một số chỉ tiêu rất trọng yếu như tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
Tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay, với 13,94%, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 cả nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021).
Sang quý I/2023, kinh tế Hậu Giang tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đạt mức tăng trưởng 12,67%, cao nhất cả nước. Nổi bật là sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định so cùng kỳ, một số dự án mới đi vào hoạt động và mở rộng mang lại tín hiệu khả quan cho sản xuất công nghiệp. Ước tổng thu ngân sách tháng 3/2023 là hơn 877 tỷ đồng, lũy kế hơn 3.289 tỷ đồng, đạt 30,74% dự toán Trung ương và đạt 29,69% dự toán HĐND tỉnh giao.
Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của HĐND tỉnh Hậu Giang, tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người, tương đương 3.024 USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1.140 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.518 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 20.500 tỷ đồng...
5. Hưng Yên
Năm 2022, Hưng Yên có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,4%, cao nhất trong 12 năm gần đây, đứng thứ 5 trên tổng số 63 tỉnh, thành.
Sang đến quý I/2023, theo Cục Thống kê địa phương, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 ước tăng 8,14% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, Hưng Yên xếp thứ 12 cả nước về tăng trưởng GRDP trong quý I/2023.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh phấn đấu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 112 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD; thu ngân sách đạt hơn 22,9 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương đạt hơn 20,1 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%...