Tôi có thể cam đoan rằng, với những người đã lâu không cập nhật các địa điểm du lịch hot và theo thói quen, vẫn chọn những địa điểm truyền thống như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt… làm nơi xả hơi mỗi năm, sẽ bất ngờ khi mở cuốn cẩm nang du lịch của giới trẻ bây giờ.
Có lẽ chưa bao giờ mà nhu cầu đi du lịch trải nghiệm, chinh phục những nơi ít người đặt chân tới lại thịnh hành như lúc này.
Đừng nói tới kho tàng vô tận google, chỉ cần lướt 1 vòng Facebook bạn cũng có thể bị chìm nghỉm trong những địa điểm nghe không mấy quen tai với dân du lịch truyền thống như Bình Liêu, Tà Xùa, Tà Năng, Hòn Bà, Đảo Nam Du, Đảo Hải Tặc, Hồ Tà Đùng…
Đơn cử như Bình Liêu, hay dân phượt vẫn gọi là sống khủng long, nằm tận cột mốc biên giới 1305 và cần tới 2 giờ đi bộ giữa thiên nhiên hoang dã mới có thể cơ bản khám phá được.
"Sống lưng khủng long" ở Bình Liêu - địa điểm khám phá và chinh phục đang được giới trẻ ưa chuộng.
Có lẽ giới trẻ bây giờ cảm thấy việc chui vào một khu resort cao cấp ở Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc xả hơi, tắm biển là chuyện… chẳng ngầu tẹo nào. Phong cách này vốn chỉ dành cho người già, người giàu, hoặc người lười trải nghiệm.
Du lịch bây giờ còn đồng nghĩa với thách thức bản thân, đi tới những nơi ít người biết tới để chứng tỏ sự dấn thân, trải nghiệm.
Thật ra về bản chất, du lịch trải nghiệm là tốt. Đi khám phá để tìm thấy chính mình, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước, để trang bị cho bản thân những kiến thức không được dạy ở bất kỳ đâu.
Có thể nói, mẹ thiên nhiên, internet và sự du nhập mạnh mẽ của phong cách du lịch của dân châu Âu đang mở ra những trang sách để giới trẻ thỏa thích đắm mình trong đó, để trưởng thành hơn, biết trân trọng những giá trị cốt lõi như gia đình, cuộc sống tiện nghi nơi thành thị…
Tuy nhiên!
Có lẽ chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện của chàng trai Aiden Webb – phượt thủ người Anh một mình chinh phục đỉnh Fansipan bằng con đường không chính thức, rốt cuộc bỏ mạng sau một cú ngã thẳng xuống vực.
Hàng năm, số người bỏ mạng trong nỗ lực chinh phục nóc nhà Everest vẫn chưa dừng lại. Người ta thống kê được: Cứ 4 người chạm tới đỉnh Everest thì có 1 người vĩnh viễn ở lại trên đó. Thống kê khiến bất kỳ ai cũng rùng mình.
Có những nhà leo núi chuyên nghiệp bỏ mạng vì bão tuyết, vì động đất. Nhưng cũng có không ít người chưa trang bị đủ kỹ năng cần thiết đã thách thức bản thân ở nơi mà "sức khỏe con người trở nên vô nghĩa" và cái giá họ phải trả cho sự liều lĩnh là sinh mạng.
Đó là những ví dụ được viết lên bằng sinh mạng của người khác để chúng ta hiểu rằng, con người có những giới hạn không được phép vượt qua nếu chưa đủ sức.
Chinh phục đỉnh Everest điều mà bất kỳ phượt thủ nào cũng ao ước. Nhưng đâu có dễ...
Hãy suy nghĩ điều này: Nếu những chuyến chinh phục giúp con người trưởng thành hơn thì điều đầu tiên họ cần phải ngộ ra chính là trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Tôi biết nhiều bạn trẻ lao đi chinh phục như một con thiêu thân, cứ hễ nghe về điểm nào có vẻ "hoang sơ, hay hay" là lập tức hô cao khẩu hiệu xách ba lô lên và đi.
Khi chưa có đầy đủ kỹ năng mà vẫn liều lĩnh dấn thân, đó là sự vô trách nhiệm. Khi "ăn cắp" những khoảng thời gian dành cho học hành và gia đình để thỏa mãn sở thích của bản thân, đó cũng là sự vô trách nhiệm.
Họ nhân danh đi tìm sự trải nghiệm để trưởng thành, nhưng khởi nguồn của chuyến đi lại là những suy nghĩ rất trẻ con, bồng bột. Đi không phải để khám phá. Đi chỉ để làm dày bộ sưu tập những điểm đến và khoe khoang mà thôi.
Một phượt thủ chuyên nghiệp từng nói với tôi thế này: Để có thể cảm nhận được linh hồn của một vùng đất mới, chúng ta chỉ cần 1 bức ảnh và rất nhiều giờ khám phá; thay vì rất nhiều bức ảnh sau 1 giờ khám phá.
Hơn thế nữa, du lịch không phải là cách duy nhất để trải nghiệm, để trưởng thành, để tìm thấy chính mình.
Những cuốn sách hay, những giờ làm thêm, những hoạt động từ thiện, tình nguyện cũng giúp người trẻ va đập với cuộc sống và trở nên trưởng thành hơn gấp bội.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả