Ảnh minh họa: internationales-verkehrswesen.de
Danis Hidayat Sumadilaga, quan chức thuộc Lực lượng đặc nhiệm phát triển cơ sở hạ tầng IKN cho biết thêm rằng Nusantara sẽ cấm phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là các phương tiện chạy bằng điện.
Theo ông Danis, hệ thống làn đường sạc điện đã được triển khai ở một số quốc gia và nhiều nước đang tiến hành thử nghiệm. Ngoài hệ thống này, IKN Nusantara sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh và bền vững.
Trước đó, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) tuyên bố rằng chỉ các phương tiện chạy bằng điện mới được phép hoạt động ở IKN Nusantara nhằm giữ cho môi trường không bị ô nhiễm và những người sử dụng phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được di chuyển vào khu vực này.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Vận tải đường bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải Budi Setiyadi thông tin rằng IKN Nusantara sẽ sử dụng ô tô tự hành làm phương tiện di chuyển, đồng thời sẽ hạn chế các phương tiện cá nhân.
Theo quan chức này, hiện Chính phủ Indonesia vẫn đang thực hiện một số công việc chuẩn bị, chẳng hạn như phát triển các cơ sở hạ tầng, ngân sách và sửa đổi Luật Giao thông nhằm thực hiện mục tiêu nói trên.
Indonesia lần đầu tiên công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất thế giới vào tháng 4/2019. Vài tháng sau đó, Tổng thống Jokowi công bố hai huyện Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara thuộc tỉnh Đông Kalimantan được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới.
Theo quy hoạch, Nusantara sẽ đóng vai trò là trung tâm hành chính của Indonesia, trong khi Jakarta - thủ đô hiện tại và là nơi sinh sống của trên 10 triệu dân, sẽ vẫn là trung tâm kinh tế và tài chính. Nusantara sẽ được quản lý như một khu tự trị trên cơ sở Hiến pháp. Người đứng đầu chính quyền thủ đô mới sẽ mang hàm bộ trưởng nội các.
Ngoài ra, Nusantara cũng sẽ được trao các quyền hạn rộng rãi để thực thi các nhiệm vụ, đồng thời linh hoạt trong việc quản lý địa phương mà không có sự can thiệp hoặc xung đột từ các bộ hoặc cơ quan chính phủ, cũng như các quy định khác.