Thu 4.000 tỷ đồng thuế mỗi ngày: Tận thu hay chống thất thu?

Tuấn Nguyễn |

Sáu tháng đầu năm, tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là gần 34.000 tỷ đồng. Ngành thuế đang phải vắt chân lên cổ để thu đạt 4.000 tỷ đồng/ngày mới đạt chỉ tiêu đề ra.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Ðặng Ngọc Minh, 6 tháng đầu năm, toàn ngành thu được 531.520 tỷ đồng, đạt 49,7% so với dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo ngành thuế chỉ rõ hạn chế về cơ cấu khi một số khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỷ lệ chưa cao. Còn 19 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu dưới 50% dự toán.

Sáu tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thanh tra, kiểm tra hơn 30.000 DN, đưa tổng số thuế tăng thu lên hơn 5.700 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 2.600 tỷ đồng.

Thu 4.000 tỷ đồng thuế mỗi ngày: Tận thu hay chống thất thu?  - Ảnh 1.

Chuyên gia nói, thay vì tăng thuế mới, Nhà nước nên tập trung chống thất thu, tiêu cực. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ðại diện Tổng cục Thuế thừa nhận, đến nay, việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra còn chậm (mới chỉ đạt 33% kế hoạch, một số địa phương có tỷ lệ thực hiện thanh tra, kiểm tra còn thấp). Tổng số nợ thuế đến thời điểm 30/6/2018 khoảng 80.100 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017.

Trong đó, tiền nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) gần 34.000 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm 31/12/2017.

Cũng theo thống kê, có 56/63 địa phương có tỷ lệ nợ đọng cao hơn so với thời điểm 31/12/2017, đặc biệt có 20 địa phương có tỷ lệ nợ cao trên 20%.

Về công tác xử lý nợ, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho hay, 6 tháng đầu năm, Cục cũng đã công khai 2.286 lượt DN nợ thuế. Qua các giải pháp cưỡng chế nợ thuế đã thu được hơn 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ thuế vẫn tăng 11,2% so với thời điểm 31/12/2017.

Theo lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, đang nổi lên hiện tượng DN đang chiếm dụng tiền thuế thực hiện nợ gối đầu.

Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý các giao dịch trao đổi, thanh toán qua mạng, đặc biệt là các tổ chức không có trụ sở tại Việt Nam như Google, Facebook, hoặc các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến qua mạng.

“Có một tồn tại rất lớn hiện nay khiến chúng tôi vô cùng lúng túng, xin Tổng cục Thuế hỗ trợ trong việc quản lý thu thuế, truy thu tiền nợ của Uber”, Cục trưởng Trần Ngọc Tâm bày tỏ. Theo ông Tâm, hiện Uber đã không tồn tại ở Việt Nam nên cơ quan chức năng không thể thực hiện thu thuế.

Trước đó, trong năm 2017, Cục Thuế TPHCM ra quyết định truy thu Uber gần 67 tỷ đồng. Tới cuối năm 2017, Uber chấp nhận nộp lại ngân sách 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, 54 tỷ đồng còn lại, Uber chưa nộp. Uber không mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam nên Cục Thuế TPHCM chưa thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản theo quy định.

Theo ông Tâm, vụ Uber kiện cục thuế đang được tòa án thụ lý. Tuy nhiên, không biết khi nào sẽ được xử lý. Bởi vậy, ông thừa nhận việc thu thuế từ Uber vẫn rất khó.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nói, trong 6 tháng cuối năm ngành thuế phải phấn đấu mỗi ngày làm việc thu được khoảng 4.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán của ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại