Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc khiến một lượng lớn đất đá tràn ra đường.
Từ 10h30 ngày 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho thông xe trở lại trên tuyến đèo Bảo Lộc theo đề xuất của Ban An toàn giao thông tỉnh.
Công an tỉnh chỉ đạo Cảnh sát giao thông (CSGT) tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực tại hai đầu khu vực nguy hiểm trên đèo để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn lưu thông cho các phương tiện, đồng thời phối hợp với Khu quản lý đường bộ IV xử lý, ứng cứu khi tiếp tục xảy ra sự cố sạt lở.
Giải tỏa hiện trường vụ sạt lở bằng phương tiện chuyên dụng.
Ban An toàn giao thông phối hợp với đơn vị liên quan theo dõi diễn biến thời tiết và điều kiện ổn định trên tuyến đèo Bảo Lộc để tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời trong trường hợp thời tiết mưa lớn trở lại.
Người tham gia giao thông được lưu ý hạn chế tốc độ khi ngang qua khu vực sạt lở nguy hiểm vừa qua.
Đường đèo đã thông thoáng.
Đèo Bảo Lộc được thông xe trở lại trong sự vui mừng khôn xiết của nhiều người, từ du khách, nhà nông đến thương gia, người dân địa phương và đặc biệt là giới kinh doanh vận tải xe khách và hàng hóa.
Xe tải được ưu tiên lưu thông trên đèo trước tiên bởi hàng hóa trên xe đa phần là rau, hoa và các sản phẩm nông nghiệp khác. Đây là những sản phẩm chủ lực của địa phương, lại dễ bị thối, hỏng.
Những sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh miền Đồng Nam bộ, hầu hết đều được vận chuyển ngang qua đèo Bảo Lộc.
Mặt khác đa số sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đều được mua bán, tiêu thụ theo hợp đồng với những đơn hàng cụ thể. Nếu chậm trễ, hỏng hóc sẽ gây thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.
Trước đó, vào sáng 1/8, tại hai đầu đèo Bảo Lộc đều có lực lượng công an túc trực chốt chặn, chưa cho bất cứ xe nào ra vào, trừ xe làm nhiệm vụ.
Nhiều người dân mắc võng bên đường hoặc vào quán nước chờ thông xe vì không muốn đi vòng sang những con đường khác theo sự phân luồng của cơ quan chức năng.
Rất sốt ruột nhưng các bạn trẻ đi du lịch TP Đà Lạt bằng môtô cũng cố gắng đợi chờ thông xe đèo Bảo Lộc, bởi nếu đi đường khác sẽ xa hơn cả trăm cây số, đường xá cũng không thuận tiện và đẹp như đèo Bảo Lộc.
Theo lực lượng chốt chặn trên đèo Bảo Lộc, sau khi xe tải được ưu tiên đi trước, sẽ đến các loại phương tiện khác.
Xe tải chở hàng hóa sẽ được ưu tiên lưu thông trên đèo.
Như Tiền Phong đã thông tin, vào ngày 30/7 xảy ra 2 vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, đặc biệt là vụ sạt lở tại chốt CSGT giữa đèo (km103+100, quốc lộ 20).
Hàng nghìn mét khối đất đá từ trên đồi tràn xuống vùi lấp nhà cửa và nhiều ôtô, xe máy để tại chốt CSGT. Nghiêm trọng hơn, vụ sạt lở làm 4 người tử vong, trong đó có 3 CSGT và 1 người dân.
Toàn cảnh vụ sạt lở đèo Bảo Lộc.
Cơ quan chức năng đã huy động hàng trăm người và hàng chục phương tiện chuyên dụng để cứu hộ, cứu nạn, giải tỏa hiện trường vụ sạt lở suốt 2 ngày qua.
Vụ sạt lở khiến đèo Bảo Lộc không thể lưu thông từ chiều 30/7 đến nay. Các phương tiện muốn lên TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt phải chuyển hướng qua các quốc lộ 55, 28 và 28 B.