Thống trị câu lạc bộ siêu ngân hàng thế giới, nhưng Trung Quốc lo nhiều hơn vui

L.T - Hồng Hạnh |

Sau một thập kỷ tăng trưởng tín dụng đột ngột trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và nới lỏng các quy định, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần và hiện quốc gia này có nhiều siêu ngân hàng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Thống trị câu lạc bộ siêu ngân hàng thế giới

Theo số liệu nghiên cứu của Bloomberg, Trung Quốc có 13 ngân hàng và tài sản của những ngân hàng này đã vượt ngưỡng 500 tỷ USD, nhiều hơn cả các ngân hàng của Nhật và Mỹ cộng lại.

Đứng sau Trung Quốc là Mỹ và Nhật, mỗi nước có 6 siêu ngân hàng. Anh quốc có 5 siêu ngân hàng. Pháp, Canada, Australia có 4 siêu ngân hàng, Thụy Sĩ có 3 siêu ngân hàng và hai nước Đức, Italy đứng cuối danh sách với 2 siêu ngân hàng.

10 năm qua, hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng hơn 4 lần khi Bắc Kinh đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để giữ cho nền kinh tế luôn thịnh vượng.

Quy mô của các siêu ngân hàng Trung Quốc đã thúc đẩy Bắc Kinh cân nhắc tới việc tăng thêm các công ty "quá lớn để sụp đổ" vì những mối lo ngại về hệ thống.

Trong số 10 ngân hàng lớn nhất thế giới trong danh sách do Relbanks.com bình chọn có tới 4 ngân hàng của Trung Quốc đứng ở vị trí đầu tiên, gồm Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (ICBC); Ngân hàng China Construction Bank Corp.; Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc; Ngân hàng Trung Quốc. Bốn siêu ngân hàng Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng tại quốc gia này.

Lợi nhuận siêu ngân hàng tăng nhưng cổ phiếu lại ế

Báo cáo thu nhập mới nhất từ 4 siêu ngân hàng Trung Quốc cho thấy sự cải thiện về các số liệu tài chính quan trọng nhưng một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại và không mua cổ phiếu của các ngân hàng này.

Nguyên nhân là do các nhà đầu tư lo ngại chính phủ Trung Quốc, đang phải đối mặt với một nền kinh tế đang phát triển chậm lại và căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ-Trung, sẽ có thể không còn thận trọng nữa và nợ xấu có thể trở lại với ngành ngân hàng.

Những lo lắng này dậy lên từ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có một số động thái nới lỏng điều kiện tiền tệ khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại và căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng gia tăng. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại chính quyền Trung Quốc có thể từ bỏ kế hoạch giảm nợ xấu trong nền kinh tế, điều này có thể làm tổn hại tới ngành ngân hàng.

Chính phủ nghìn tỷ USD gần như "không thể bị phá hủy" đối mặt sóng ngầm nợ công

Tháng 8 năm ngoái, trong một báo cáo riêng, Forbes chỉ ra rằng việc sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ vào những tháng giữa năm 2017. Khi đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có giá trị hơn toàn bộ sản lượng kinh tế của các đối tác BRIC là Brazil, Nga và Ấn Độ và lớn hơn GDP của Anh, Pháp và Ý.

Tiền mặt nhiều trong hệ thống ngân hàng giúp Trung Quốc sở hữu nền kinh tế "gần như không thể bị phá hủy". Bắc Kinh có nhiều tiền đến nỗi cứu được cả các ngành công nghiệp quan trọng, hệ thống ngân hàng, hoặc toàn bộ các chính quyền tỉnh trong trường hợp tồi tệ nhất. Báo cáo này ra đời vào thời điểm hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc đang mở rộng bành trướng, và trở thành một trong những điểm yếu chết người của Bắc Kinh.

Thế nhưng, chỉ 1 năm sau, Financial Times lại đưa ra những nhận định đáng buồn cho Trung Quốc. Trích dẫn số liệu báo cáo của S&P Global - công ty chuyên phân tích số liệu tài chính trên thị trường chứng khoán toàn cầu - khoản nợ công "ngầm" của chính quyền địa phương Trung Quốc được dự đoán chạm mốc 6.000 tỷ USD, tương đương với 60% GDP của nước này trong năm 2017.

Một phần lớn trong số các khoản nợ công ngầm này đến từ các chính quyền địa phương - vốn là các chủ thể không được phép huy động tiền trên thị trường vốn, nhưng lại chi tiêu rất nhiều tiền cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Bằng cách hoán đổi, hợp pháp hóa các khoản vay bằng nhiều hình thức, chính quyền địa phương của Trung Quốc đã tạo nên một "tảng băng trôi thực sự" trong ngành tài chính quốc gia này, nhưng được phủ bên ngoài bằng con số tăng trưởng kinh tế đẹp đẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại