Ngày 16/5, đoàn kiểm tra của Kiểm lâm An Giang vào khu du lịch Đồi Tức Dụp, huyện Tri Tôn kiểm tra, xác minh và đến hiện trường ở dưới chân Núi Cấm, huyện Tịnh Biên để làm rõ nguồn gốc cặp rắn "khủng" do đội thi công bắt được gần đây.
Đoàn xác định đây là cặp rắn hổ mang chúa (người miền Tây gọi là hổ mây). Rắn này nằm trong nhóm động vật quý hiếm, nguy cấp, thuộc nhóm 1b cần được bảo tồn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, trọng lượng mỗi con chỉ khoảng 18 kg, dài khoảng 4m chứ không như thông tin báo chí phản ánh trước đó.
Ông cũng cho biết chỉ ước lượng chiều dài và cân nặng chứ không cân đo, "vì sợ ảnh hướng sức khỏe cặp rắn".
"Hiện nay, chúng tôi đang tập hợp các tài liệu cùng các văn bản vi phạm pháp luật để làm báo cáo gửi UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh sẽ lấy ý kiến của các ngành chức năng có liên quan để nơi đây đưa ra hướng giải quyết vụ việc như thế nào cho hợp tình, hợp lý.
Cơ quan chức năng chỉ tịch thu khi nào có người đi săn bắt trái phép rồi đem về làm thịt hoặc bán lại cho người khác vào mục đích nào đó.
Nhóm công nhân đã phát hiện cả ổ rắn trong lúc thi công một công trình điện mặt trời. Họ tập trung bắt được cả ổ gồm: Rắn đực, rắn cái và một số rắn con. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Trường hợp người dân phát hiện loại rắn này nằm trong diện tích đất đang thuộc quyền sở hữu nhưng vì sợ nguy hiểm đến tính mạng nên bắt rồi tự nguyện giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì không có vấn đề gì phải xử lý họ", báo Người lao động ghi nhận ý kiến từ ông Hòa.
Trao đổi với báo Tuổi trẻ về một số đề xuất cho rằng, cần thả rắn về rừng, ông Bành Thanh Hùng - trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm An Giang cho rằng không thể thả về tự nhiên được, vì "rất nguy hiểm" cho khu núi Cấm.
Thay vào đó là gửi vào trung tâm cứu hộ động vật hoặc trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) đang nuôi nhiều loại rắn quý hiếm, có điều kiện chăm sóc.
"Thả về khu vực núi Cấm rất nguy hiểm vì vùng đó là trung tâm du lịch của tỉnh và nhiều dự án đang thực hiện nên môi trường sống đã "bị động" rồi nên không thể sinh sống được" - ông Hùng phân tích.
Theo ông Hùng, đến thời điểm này doanh nghiệp chưa chứng minh được cặp rắn hổ mây này có nguồn gốc từ đâu. Nơi tiếp nhận cũng nói là bắt được nhưng cần làm rõ thêm vài vấn đề.
"Bắt được ở khu vực nào phải đến nơi đó kiểm tra dấu vết, tìm người bắt được cặp rắn này hoặc hỏi thăm người dân xung quanh có bị mất gà, vịt gì thời gian qua hay không hoặc có từng phát hiện nó không. Làm rõ hết các nội dung mới báo cáo UBND tỉnh đề xuất hướng xử lý chứ không thể thả về nơi bắt nó được", ông Hùng nhấn mạnh thêm.
Tổng hợp