Chẳng ai còn xa lạ gì với Khổng Tử (551-479 TCN) - nhà tư tưởng lỗi lạc, triết gia nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc sống vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.
Những tư tưởng và đạo lý ông để lại cho hậu thế luôn là nguồn cảm hứng vô tận và đến 2500 năm sau, chúng vẫn còn được lưu truyền và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Cũng như những nhân vật nổi tiếng khác, không chỉ bản thân họ, mà vợ con hay người thân của họ vẫn luôn được người ta tò mò tìm hiểu.
Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là những thông tin về người đã kết tóc se tơ với Khổng Tử lại vô cùng hiếm hoi, càng khiến người ta tò mò hơn.
Vợ của Khổng Tử là ai?
Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công Nguyên, sống vào thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc ở nước Lỗ (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).
Sinh ra trong gia đình nghèo, năm 3 tuổi, Khổng Khâu lại mồ côi cha nên cuộc sống càng khó khăn. Lớn lên, ông phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học.
Năm 19 tuổi, ông được giao làm một chức quan nhỏ coi kho chuyên quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương. Cũng trong năm đó, ông lập gia đình với một cô gái tên là Nguyên Quan thị, người nước Tống. Sau một năm, họ sinh được một người con trai tên là Bá Ngư.
Tại sao Nguyên Quan thị ít được Khổng Tử nhắc tới?
Có 1 điều đáng nói là không như các vĩ nhân khác trên thế giới thường xuyên chia sẻ thông tin về vợ mình, Khổng Tử chưa bao giờ nhắc tới Nguyên Quan thị, dù là trong sách vở hay trong các bài giảng cho học trò.
Vì chồng thường xuyên vắng nhà, Nguyên Quan thị phải 1 tay coi sóc nhà cửa, con cái rất vất vả. (Ảnh minh họa: Internet)
Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng Khổng Tử bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho gia, trọng nam khinh nữ vốn tồn tại trong xã hội phong kiến của Trung Quốc. Theo đó, phụ nữ là đối tượng thấp kém hơn đàn ông, không đáng nói đến.
Kẻ quân tử mà nhắc tới phụ nữ thì bị cho là kẻ lụy tình, yếu đuối, không thể làm nên nghiệp lớn.
Câu nói nổi tiếng của Khổng Tử cũng phần nào khẳng định lại suy đoán này, "Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nán dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán", nghĩa là, “Duy chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó giáo dưỡng. Gần thì họ khinh nhờn, vô lễ, xa thì họ oán hận”.
Về sau, như để "giải oan" cho Khổng Tử, nhiều sử gia cho rằng lý do ông đưa ra quan điểm nói trên là do ông đã gặp nhiều trắc trở trong yêu đương, cũng như có cuộc sống hôn nhân không như ý, nên mới sinh ra tâm lý bất mãn như vậy, chứ không phải ông có thành kiến với phụ nữ.
Lý do đầy nhân văn của việc Khổng Tử và Nguyên Quan thị "Đường ai nấy đi"
Nhiều người cho rằng, là một nhà tư tưởng lỗi lạc, một người thông hiểu nhiều đạo lý đối nhân xử thế trên đời như Khổng Tử, hẳn là ông sẽ có cách duy trì cuộc sống hạnh phúc hài hòa cho mình.
Mộ của Khổng Tử ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày nay. (Ảnh minh họa: Internet)
Thế nhưng, kể cả với những người "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý", hay những vĩ nhân với sự thông minh, khôn ngoan sắc sảo nhất, thì cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý mình. Quan trọng là cách họ đối diện và giải quyết vấn đề ra sao.
Theo sử sách ghi lại, năm 22 tuổi, Khổng Tử mở lớp dạy học. Tuy nhiên, là người trọng sự nghiệp, ông hay ngao du nay đây mai đó cùng học trò để truyền bá tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó nên hiếm khi ở nhà.
Vì thế, vợ ông, Nguyên Quan thị phải gánh hết trọng trách chăm sóc nhà cửa và nuôi con, đối nội đối ngoại mà không có chồng chia sẻ. Ngoài ra, với một người vợ còn xuân sắc mà sống cảnh phòng không gối chiếc, quả là đáng thương.
Theo nhiều sử gia, Khổng Tử cho rằng, tại sao phải giam cầm một cô gái trẻ trong cô đơn như vậy? Thế nên, ông đã "xuất thê", tức là cắt đứt mối quan hệ vợ chồng, trả lại tự do cho vợ, mà ngày nay ta gọi là ly dị, điều mà không nhiều nam nhân cùng thời như ông có thể làm được, để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp. Sau đó, ông cũng không kết hôn thêm một lần nào nữa.
Nếu đã không thể mang lại hạnh phúc và sự chia sẻ với người mà mình kết tóc se tơ, thì chi bằng, hãy giải thoát cho nhau, để ai cũng được sống theo cách của mình, làm những điều mình thích.
Đây là một cách lý giải rất tích cực, cho thấy cái nhìn đầy nhân văn của Khổng Tử, khiến nhiều người cảm thấy nể phục.
Chuyện Khổng Tử và Nguyên Quan thị đứt gánh giữa đường đã được nhiều sử sách ghi lại, do đó độ tin cậy khá cao. Tuy nhiên, họ chia tay nhau vì lý do gì thì có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu, hậu thế có lý giải thế nào cũng chỉ là suy đoán mà thôi.
Dịch từ các báo nước ngoài