Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với những đợt tấn công dồn dập từ Đảng Dân chủ trong suốt năm 2019 và thậm chí là trước đó, nhằm bãi nhiệm ông thông qua cuộc luận tội và ngăn khả năng người đứng đầu Nhà Trắng tái tranh cử vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó đã có thể gần như chắc chắn ông Trump sẽ được Thượng viện tuyên bố vô tội.
Cùng lúc, quá trình bầu cử trong nội bộ Đảng Dân chủ tại bang Iowa nhằm lựa chọn ứng cử viên sẽ tranh cử với ông Trump vào tháng 11 đã gặp trục trặc trong hệ thống kiểm phiếu, dẫn đến việc trì hoãn thông báo kết quả sau gần 1 ngày.
Những thông tin tích cực đến từ quá trình luận tội và cả thông tin xấu từ Iowa cùng đến ngay trước khi ông Trump có bài phát biểu Thông điệp Liên bang, được coi như một phao cứu sinh cho ông chủ Nhà Trắng.
Hầu hết người Mỹ đều băn khoăn rằng những sự kiện trên sẽ tác động thế nào đến nội dung bản Thông điệp Liên bang. Liệu ông Trump sẽ giữ phong thái tổng thống, tập trung vào những thành quả của chính phủ và công bố kế hoạch cho tương lai sắp tới, hay đây sẽ là dịp để Tổng thống xả cơn tức giận vào các đối thủ chính trị? Liệu ông có đưa ra lời kêu gọi đoàn kết cho một quốc gia vốn đang bị rạn nứt hay ông sẽ khoét sâu hơn nữa sự chia rẽ đảng phái? Liệu ông Trump có chìa bàn tay thiện chí ra với Đảng Dân chủ để thúc đẩy sự hợp tác? Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và những nghị sĩ Đảng Dân chủ sẽ phản ứng ra sao?
Vào năm ngoái, hơn 47 triệu người Mỹ đã theo dõi trực tiếp bài phát biểu của ông Trump, một con số ấn tượng.
Và giờ đây, chúng ta đã có câu trả lời. Ông Trump đã thể hiện đúng phong thái của một lãnh tụ quốc gia, khi không đả động đến việc phe Dân chủ trong suốt năm qua đã tìm mọi cách tiến hành luận tội và ngăn chặn các đề xuất của ông tại Quốc hội. Ông không kêu gọi đoàn kết cũng chẳng đề xuất hợp tác với phe Dân chủ. Nếu tổng thống nói rằng ông mong muốn được hợp tác với những người luôn thù ghét ông thì điều đó vừa không thật lại vừa thể hiện sự yếu đuối.
Việc ông Trump đã làm là truyền tải đến những người ủng hộ ông ở Quốc hội và người dân Mỹ về những thành công của ông trong chính sách đối nội và đối ngoại. Ông Trump cho thấy mình đã giữ đúng lời hứa với cử tri kể từ khi tranh cử vào năm 2016.
Bản thông điệp liên bang năm nay của ông Trump tràn trề lạc quan. Chúng ta hãy cùng nhớ lại năm 2016, cương lĩnh tranh cử được gói gọn dưới khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Trong năm nay, khẩu hiệu đó đã đổi thành "Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại". Ông đặt những thành quả mình đạt trong sự tương phản với những "chính phủ thất bại" trước đây (dù không nêu tên cụ thể).
Khi bước lên bục để phát biểu tại Quốc hội, ông Trump đã đưa bản cứng bài phát biểu cho bà Pelosi nhưng không để ý đến việc bắt tay Chủ tịch Hạ viện. Bà Pelosi sau đó đã bỏ màn giới thiệu mang tính thông lệ dành cho Tổng thống, vốn được bắt đầu bằng: "Đây là vinh dự và sự hãnh diện của tôi", thay vào đó bằng một lời giới thiệu cụt lủn. Ngay lập tức, tất cả đều có suy nghĩ, liệu ông Trump có công kích đối thủ của mình vì cuộc luận tội như đã dự đoán. Liệu ông có biến Thông điệp liên bang thành một cuộc vận động tranh cử và công kích các đối thủ? Ông không hề làm vậy. Đây có lẽ là bài phát biểu mang phong thái lãnh tụ nhất mà ông từng thực hiện. Ngược lại, bà Pelosi liệu có cố tình "phá bĩnh" ông Trump nhằm trấn áp tinh thần hoặc làm mất thể diện của tổng thống? Có lẽ bà ấy đã làm đúng như vậy.
Đảng Dân chủ đã gặp phải nhiều thất bại lớn trong các nỗ lực luận tội ông Trump và cả ở cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa. Thay vì hả hê với những thắng lợi, ông Trump đã phớt lờ đối thủ của mình. Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất từ trước tới giờ về thất bại của phe Dân chủ chính là những khuôn hình máy quay ghi lại được khi ống kính lấy cận cảnh 7 nghị sĩ đảng này, đứng đầu là ông Adam Schiff và ông Jerry Nadler, chính là hai nhân vật đã khiến cuộc luận tội đi vào bế tắc, đang ngồi cùng 1 hàng. Như cách nói của người Việt Nam, tất cả họ đều đang mang bộ mặt của người vừa "mất sổ gạo". Chỉ bằng việc không nói gì, ông Trump đã có sự trả đũa của mình. Ngay sau khi kết thúc Thông điệp Liên bang, chúng ta có thể trông chờ một loạt những tuyên bố tấn công đối thủ trên các tài khoản Twitter cá nhân.
Bài phát biểu của ông Trump hoàn toàn chỉ đại diện cho đảng Cộng hoà. Kể cả đối với đối tượng người nghe là những người không am hiểu chính trị, họ chỉ cần nhìn vào hàng ghế của của các nghị sĩ đảng Dân chủ với những khuôn mặt ngồi lặng thinh, gần như không một lần vỗ tay trong suốt bài phát biểu, thể hiện rõ sự khó chịu đối với những chính sách và những thành công của ông Trump. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hoà đã liên tục đứng dậy và dành các tràng pháo tay thể hiện sự tán thưởng đối với từng thành tựu của chính quyền trong suốt bài phát biểu kéo dài 1 tiếng rưỡi. Đây là cách hành xử thường thấy trong hầu hết các buổi lễ đọc Thông điệp Liên bang.
Nhưng kì lạ thay, những nữ nghị sỹ Dân chủ đồng loạt mặc bộ đồ trắng và ngồi liền kề nhau trong khán phòng. Họ đã làm điều tương tự vào năm 2018 khi đa phần trong số đó được bầu lần đầu. Rõ ràng đây là cách thức để họ vinh danh quyền bầu cử cho phụ nữ từ năm 1850. Họ thì thầm với nhau sau mỗi tuyên bố của ông Trump, dường như để thể hiện việc họ đang nắm giữ quyền phủ quyết mà ông Trump cần phải tôn trọng và e dè.
Đáng chú ý, bà Pelosi, cũng trong trang phục trắng, chỉ vỗ tay và đứng lên một vài lần hiếm hoi trong suốt bài phát biểu. Hầu hết thời gian diễn ra Thông điệp liên bang, bà luôn thể hiện những nét mặt khó hiểu khi không thích những nội dung phát biểu của ông Trump. Bà liên tục soạn đi soạn lại rồi xếp chồng các trang giấy lên nhau như cố tình phân tán sự chú ý của người nghe đối với ông Trump. Có lúc lại thấy bà lẩm bẩm như đang tự nói với chính mình. Với vị trí ngồi ngay sau ông Trump, có vẻ như bà đang ra dấu cho những người của phe mình về cách phản ứng với lại những phát biểu của Tổng thống. Tất cả những điều đó chỉ khiến hành vi của bà mang tính trẻ con, điều bà vẫn thường bị dư luận chỉ trích.
Thời khắc đáng ghi nhớ nhất của bài phát biểu là ở phút cuối, khi bà Pelosi đứng dậy và xé bài phát biểu Thông điệp liên bang của Tổng thống mà suốt buổi bà cứ ngồi sắp sắp xếp xếp. Rõ ràng, bà ấy muốn tận dụng phút cuối để cười nhạo ông Trump trước khi ông rời khán đài. Nếu trước đó có ai còn nghi ngờ về mức độ thù ghét của bà Pelosi đối với ông Trump, thì nay mọi thứ đều được thể hiện rõ. Trên sóng truyền hình quốc gia, có thể thấy rõ bà Chủ tịch hạ viện đã không còn giữ được lý trí. Hành động này rõ ràng sẽ khiến những người ủng hộ bà cảm thấy hài lòng, trong khi gây ra sự phẫn nỗ từ phía phe ủng hộ ông Trump.
Trả lời phỏng vấn ngay sau khi buổi lễ kết thúc, bà Pelosi nói rằng việc xé bài phát biểu là bởi bà không thể tìm thấy sự thật trong bất kỳ trang nào của bài phát biểu.
Đảng Dân chủ khẳng định kể cả trong trường hợp không kết tội được Tổng thống, họ sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực nhằm bãi nhiệm ông bằng mọi cách có thể. Các khuôn mặt của các chính khách dân chủ trong khán phòng đã chứng tỏ lời đe doạ của họ là sự thật.
Thay vì chỉ đơn giản là liệt kê những thành tựu đạt được của chính quyền, những người biên soạn Thông điệp Liên bang đã gắn trực tiếp những nội dung này với các chủ đề ái quốc, tạo nên nền tảng cốt lõi cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Do đó, khi những nghị sĩ Đảng Dân chủ ngồi lặng thinh không một tràng pháo tay thì điều đó sẽ khiến người xem cảm thấy như những người này không coi nước Mỹ ra gì. Ví dụ, khi ông Trump ca ngợi quân đội, các nghị sĩ đảng Cộng hoà đã đứng dậy và hoan hô trong khi các thành viên đảng Dân chủ ngồi im với những khuôn mặt ủ ê. Các nghị sĩ đảng Cộng hoà rất nhiều lần hô to "U S A", khiến nhiều người thuộc đảng Dân chủ thể hiện rõ sự khó chịu. Khi ông Trump vừa bước lên bục, các nghị sĩ đảng Cộng hoà đồng thanh "Thêm 4 năm nữa".
Ông Trump đang tận dụng góc nhìn ái quốc để khiến cho cử tri cho rằng một phần lớn các nghị sĩ Đảng Dân chủ thực sự căm ghét nước Mỹ và muốn thay đổi đất nước theo hướng xấu đi. Hành động đã thể hiện thay cho lời nói.
Phe Dân chủ đang chạy chiến dịch tranh cử với thông điệp về sự bất công kinh tế. Họ cho rằng hiện tại ở nước Mỹ, một nhóm chiếm chỉ một phần trăm dân số đang thụ hưởng toàn bộ thành quả kinh tế mà nhóm người này có được bằng cách bất hợp pháp và không công bằng trên công sức của người lao động. Các nhóm thiểu số, phụ nữ, người chuyển giới, người cao tuổi và người nhập cư bất hợp pháp đều là nạn nhân. Các chính khách Dân chủ đang tận dụng tối đa nền chính trị bản sắc cho chiến dịch của mình.
Những tuyên bố của phe Dân chủ về sự bất công kinh tế là hoàn toàn vô căn cứ. Dưới thời của tổng thống Trump, nền kinh tế đạt được thành tựu cao ở mọi khu vực cho mọi phân khúc dân số. Tỷ lệ thất nghiệp trong các nhóm dân số mà phe Dân chủ hướng tới được ghi nhận ở mức thấp. Mức lương của người lao động đang tăng lên. Thị trường chứng khoán ghi dấu ấn ở mức kỷ lục.
Ông chủ Nhà Trắng tấn công phe Dân chủ không thương tiếc bằng những số liệu thống kê lý giải vì sao những tuyên bố của phe Dân chủ là sai. Thường thì việc trích dẫn số liệu thống kê là một chiến lược tồi trừ khi các số liệu đó được chia sẻ trong một căn phòng chỉ toàn Tiến sỹ kinh tế, vậy nhưng ông Trump đã làm được điều đó một cách đầy tự tin đến bất ngờ.
Năm 1992, cựu Tổng thống Bill Clinton tranh cử với khẩu hiệu, "Vấn đề ở đây là Kinh tế, kẻ ngốc ạ". Ông Bill nhận thấy rằng tất cả mọi vấn đề khác đều là thứ cấp. Ông Trump đã áp dụng chiến lược tương tự. Nếu nền kinh tế cứ tiếp tục lớn mạnh thì khả năng cao là ông Trump sẽ thắng tiếp nhiệm kỳ thứ 2.
Ông Trump đã tận dụng tối đa những chia rẽ bất đồng trong nội bộ đảng Dân chủ. Chiến dịch tranh cử ngày đang càng nóng, những nhân vật thuộc tầng lớp tinh hoa của đảng Dân chủ, đứng đầu là bà Pelosi, và các kênh truyền thông thiên tả đang lo ngại rằng chủ nghĩa cực đoan của ông Sanders sẽ không thể đánh bại ông Trump. Cách đây không lâu, chính bà Pelosi đã phải cảnh báo đảng của mình không trượt quá sâu theo hướng cánh tả cực đoan, đặc biệt ở lĩnh vực y tế công.
Thêm vào đó, Uỷ ban quốc gia đảng Dân chủ được cho là đang có kế hoạch triệt tiêu mọi cơ hội trở thành ứng viên Dân chủ được lựa chọn cho cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Sanders. Uỷ ban này đã khởi động chiến dịch bôi nhọ chống lại ông Sanders và thay đổi các quy tắc quyết định người đủ tiêu chuẩn tham gia các cuộc tranh luận tới đây để giành ưu thế cho các ứng viên đối thủ của ông này. Thậm chí, phe Dân chủ còn khai quật đến cả con bài là ứng viên thất bại trong kỳ tranh cử trước, bà Hillary Clinton để tấn công ông Sanders một cách đầy ác ý.
Thường thì sẽ có những khi phe Cộng hoà lùi bước trước một số vấn đề gây tranh cãi do e ngại sự trả đũa của phe Dân chủ - có thể dưới hình thức bạo động, tấn công trên mạng xã hội và bằng các bài báo tiêu cực. Ông Trump thì đừng hòng. Ông chủ Nhà Trắng truy sát từng "con bò thiêng" của phe Dân chủ. Những minh chứng có thể thấy là việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp phạm tội, xoá bỏ luật cho phép phá thai ở giai đoạn cuối của thai kỳ, bảo vệ quyền được sở hữu vũ khí, và tăng cường sản xuất dầu, khí tự nhiên. Danh sách này kể ra còn rất dài.
Đồng thời, trong suốt bài phát biểu, ông Trump đã không đả động một lời đến chính sách môi trường trừ việc trồng thêm 1 nghìn tỷ cây xanh. Trong khi đó, chính sách môi trường là ưu tiên cao nhất của phe Dân chủ.
Điều này có ý nghĩa quan trọng. Có lẽ, những người ủng hộ Tổng thống dành cho ông sự ngưỡng mộ là vì ông luôn đứng lên bảo vệ những gì mình tin tưởng bất chấp việc làm như vậy luôn đem lại rắc rối cho ông. Cử tri đã có thể thấy yên tâm: các ứng viên đã trở nên rõ nét giúp họ dễ dàng xác định lựa chọn của mình.
Mỗi buổi lễ đọc Thông điệp liên bang hàng năm đều có mặt các vị khách mời danh dự - mỗi người trong số họ đều đại diện cho một chủ đề mà tổng thống muốn nhấn mạnh thông qua những nhân vật có thật. Danh sách khách mời của ông Trump luôn nhiều hơn các tổng thống khác. Những khách mời được ông Trump lựa chọn đã đưa một thông điệp trái ngược với những chỉ trích cho rằng ông là người không cổ suý sự đa dạng. Ông chủ Nhà Trắng đã buộc các thành viên Dân chủ phải đứng lên vỗ tay chào mừng các vị khách danh dự mặc dù có thể thấy rõ họ khó chịu thế nào khi phải làm vậy.
Ông Trump cũng không giấu sự hãnh diện về Lực lượng không gian Hoa Kỳ vừa được thành lập để đối đầu với các quốc gia đang tìm kiếm không gian quân sự. Người đứng đầu nước Mỹ đã lựa chọn một khách mời là một nam sinh lớp 8 người Mỹ gốc Phi, Iain Lanphier, một thiếu niên có niềm say mê với không gian. Nam sinh này được cho là tác giả của câu nói đầy cảm hứng "hầu hết mọi người đều ngước mắt lên nhìn vũ trụ, tôi lại muốn là người nhìn xuống trái đất này".
Khách mời danh dự có mặt trong buổi lễ: Ian Lanphier (thứ 2 trái sang) và Charles McGee (ở giữa). Ảnh: Reuters
Sau đó ông Trump giới thiệu đến cụ nội của Iain: ông Charles McGee, hiện đã 100 tuổi, là một trong những người cuối cùng còn sống của nhóm phi công "Tuskegee Airmen" trong Thế chiến II. Đây là nhóm phi công quân sự người Mỹ gốc Phi đã chiến đấu vô cùng dũng cảm trong suốt cuộc chiến. Tổng thống Trump đã thăng cấp Chuẩn tướng cho ông McGee.
Một vị khách mời khác của buổi lễ là ông Rush Limbaugh, người vừa biết tin mình đang mang căn bệnh ung thư giai đoạn 4. Ông là người sản xuất và dẫn chương trình toạ đàm phát thanh với số thính giả lớn nhất trong số các chương trình phát thanh ở Mỹ. Ông là một trong những người sáng lập chủ nghĩa bảo thủ hiện đại, và cũng là người ủng hộ có tầm ảnh hưởng lớn nhất cho trào lưu này. Ông rất nổi tiếng với các hoạt động từ thiện. Tổng thống Trump đã trao tặng ông Huân chương Tự do của Tổng thống, phần thưởng danh dự cao quý nhất dành cho người dân. Phe Dân chủ rất ghét Limbaugh, có lẽ còn ghét ông hơn bất kỳ thành viên Cộng hoà nào.
Trong số khách mời còn phải kể đến ông Juan Guaido, Tổng thống (tự phong) của Venezuela được Mỹ chính thức công nhận. Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng ông ủng hộ ông Guaido lên thay thế ông Nicolas Maduro và rằng nước Mỹ luôn sát bên người dân Venezuela.
Cùng với đó, ông Trump đã ghi nhận sự có mặt của một khách mời nữa là một nữ sinh lớp 4 ở Pennsylvania. Thống đốc bang này đã ban hành luật xoá bỏ quyền lựa chọn trường học và kết quả là học sinh bắt buộc phải nhập học tại các trường công có chất lượng thấp. Ngay trong buổi lễ Tổng thống Trump đã thông báo ông sẽ thay đổi lại chính sách này và trao cho cô bé suất học bổng giúp cô được chọn học tại bất kỳ ngôi trường nào mình yêu thích.
Điều trớ trêu với bài phát biểu thành công của ông Trump, mà có lẽ đây giống như một buổi thử giọng cho nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, là có nhiều khả năng chính thành công của buổi lễ sẽ thổi bùng ý muốn mãnh liệt của phe Dân chủ tiếp tục luận tội ông một lần nữa, và nếu không làm được như vậy thì họ sẽ tiếp tục "truy sát" ông trong nhiệm kỳ 2021 nếu ông tái đắc cử. Và nếu ông chủ Nhà Trắng thất bại ở kỳ bầu cử tới, thì cũng chính điều này sẽ kích động những người ủng hộ ông lao vào cuộc trả thù bên thắng cuộc là phe Dân chủ.
Dù bên nào thắng trong cuộc đua giành chiếc ghế tổng thống vào tháng 11 tới, Quốc hội Mỹ sẽ vẫn chìm trong bế tắc với cuộc đấu khẩu không ngừng của hai phe Dân chủ và Cộng hoà.
Nước Mỹ phải lấy lại sự tỉnh táo cho hệ thống chính trị, nhưng điều này có vẻ xa vời. May thay, người dân Mỹ đã quá quen với việc tập trung lo cho cuộc sống thường nhật của mình mà không để ý nhiều đến những chiêu trò chính trị tại Washington, DC./.