Buổi trình làng diễn ra tại sân bay quân sự Batajnica, gần thủ đô Belgrade, hôm 30-4. Đáng chú ý, cả người dân lẫn truyền thông đều được giới chức Serbia mời tới tham quan.
Tại đây, Serbia đã trình diễn các tên lửa đất đối không mới do Trung Quốc sản xuất và các khí tài quân sự khác được mua từ cả Nga lẫn phương Tây, trong nỗ lực nhằm cân bằng quan hệ với các bên - theo Reuters.
Trung Quốc đã bàn giao cho Serbia hệ thống phòng không FK-3 vào đầu tháng 4. Hệ thống này được đánh giá tương tự hệ thống S-300 của Nga hay hệ thống Patriot của Mỹ.
Hệ thống tên lửa tầm trung FK-3 do Trung Quốc sản xuất đã bàn giao cho Serbia. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Serbia đứng gần hệ thống tên lửa tầm trung FK-3 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Reuters
Serbia hiện là quốc gia châu Âu duy nhất vận hành hệ thống tên lửa FK-3 của Trung Quốc, máy bay không người lái CH-92A. Họ cũng đã biên chế trực thăng Airbus, máy bay không người lái vũ trang của Trung Quốc và máy bay phản lực MIG-29 của Nga.
"Tôi tự hào về sự tiến bộ vượt bậccủa quân đội Serbia. Chúng tôi sẽ tăng cường đáng kể năng lực chiến đấu của không quân. Serbia là một quốc gia trung lập và Serbia phải tìm ra các giải pháp để bảo vệ bầu trời và đất nước mình"- Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic phát biểu khi tham gia sự kiện hôm 30-4.
Tổng thống Vucic cho biết Serbia dự kiến mua 12 máy bay chiến đấu đa năng Rafale từ Pháp vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Bên cạnh đó, Serbia cũng đang đàm phán để mua 12 máy bay chiến đấu Typhoon từ Anh.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tham dự buổi biểu diễn của quân đội Serbia hôm 30-4. Ảnh: Reuters
Lính dù Serbia biểu diễn hôm 30-4. Ảnh: Reuters
Trực thăng tham gia buổi biểu diễn của quân đội Serbia hôm 30-4. Ảnh: Reuters
Serbia vốn có mối liên hệ về tôn giáo, dân tộc và chính trị hàng thế kỷ với Nga nhưng cũng đang mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Vì thế, hãng tin Reuters nhận định sự kiện được Serbia tổ chức nhằm cân bằng quan hệ đối tác với các bên, bao gồm cả NATO.
Thực tế, khi Trung Quốc chuyển giao hệ thống tên lửa FK-3 cho Serbia đã khiến một số nước phương Tây, trong đó có Đức, "không hài lòng". Berlin từng cảnh báo Belgrade rằng họ cần phải "điều chính chính sách đối ngoại cùng hướng với EU nếu muốn trở thành thành viên của khối".
Serbia đã ba lần bỏ phiếu theo hướng không có lợi với Nga tại Liên Hiệp Quốc nhưng không áp đặt các lệnh cấm vận đối với Moscow kể từ khi xảy ra xung đột với Ukraine hôm 24-2, theo Reuters.
Quân đội của Serbia phụ thuộc vào nền tảng công nghệ của Liên Xô (cũ) và Nga là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho nước này. Belgrade cũng phụ thuộc vào khí đốt và dầu từ Nga.
Binh sĩ Serbia tham gia buổi trình diễn khí tài quân sự hôm 30-4. Ảnh: Reuters