Thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ có thể phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO

Hoàng Phạm |

Thảm họa động đất hồi tháng 2 đã làm thay đổi tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara cần mối quan hệ tốt hơn với phương Tây. Do đó dù sớm hay muộn, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quyết định sau bầu cử?

Sau khi phê chuẩn việc Phần Lan gia nhập NATO, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ bật đèn xanh cho việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, theo các nhà phân tích. Một số người cho rằng điều này có thể diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh của NATO vào ngày 11-12/7 tại Vilnius, Litva.

Thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ có thể phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (trái) trong cuộc họp báo sau cuộc gặp tại Ankara ngày 8/11/2022. Ảnh: AFP

Ông Alper Coskun, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở ở Washington, cho hay: “Môi trường quốc tế hiện tại khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể trì hoãn lâu hơn”.

Theo ông Coskun, trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2 đã thay đổi tính toán của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

“Các ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi đáng kể. Các vấn đề của Phần Lan, Thụy Điển không phải là chủ đề có thể tác động đến quyết định của cử tri”, ông nói.

Vấn đề quan trọng hơn hiện nay là đảm bảo nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ quốc tế. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ước tính thiệt hại do trận động đất gây ra vượt mức 100 tỷ USD và nước này cần sự hỗ trợ tài chính từ phương Tây để duy trì nền kinh tế phát triển. Các nhà tài trợ do Liên minh châu ÂU (EU) dẫn đầu đã cam kết tài trợ 7,5 tỷ USD để giúp tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ.

“Những thực tế sau trận động đất đang thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới một lập trường hợp lý hơn đối với phương Tây”.

Ngày 31/3 Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thành viên NATO cuối cùng phê chuẩn nghị định thư Phần Lan gia nhập liên minh quân sự. Động thái này diễn ra sau quyết định tương tự của Hungary.

Hungary hiện cũng đang trì hoãn việc phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO.

Phát biểu tại Brussels hôm 4/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nêu rõ quan điểm: “Hôm nay Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Thụy Điển cũng có thể sớm gia nhập”.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, người đã tham dự lễ thượng cờ ở Brussels, cũng nói rằng ông “mong Thụy Điển sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius vào tháng 7 tới với tư cách là thành viên thứ 32”.

Trong khi đó, một nhà lập pháp đối lập hàng đầu đã kêu gọi thận trọng về mốc thời gian Thụy Điển gia nhập NATO. Điều này cho thấy Stockholm khó có thể được phê chuẩn trước tháng 7.

Chờ đợi động thái của Thụy Điển

Trong trường hợp của Phần Lan, việc chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara và cấm các nhóm biểu tình mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố bên trong Phần Lan được coi là đủ.

Đối với Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cân nhắc quyết định sau khi luật chống khủng bố mới của Stockholm có hiệu lực vào ngày 1/6.

Hồi tháng 3, Người phát ngôn kiêm Trưởng cố vấn chính sách đối ngoại của ông Erdogan, Ibrahim Kalin, nói với truyền thông địa phương rằng vào thời điểm đó, Thụy Điển “không có đủ công cụ pháp lý để thực hiện các bước” nhằm giải quyết những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hy vọng, luật mới sẽ tạo điều kiện cho các biện pháp cụ thể hơn.

“Cánh cửa vẫn chưa khép lại với Thụy Điển, nhưng quá trình có thể diễn ra như thế nào, tốc độ ra sao và thời điểm hoàn thành sẽ tùy thuộc vào các bước mà Thụy Điển thực hiện”, ông Kalin nói.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển không kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tài trợ, tuyển mộ và tuyên truyền của một số nhóm mà Ankara coi là khủng bố.

“Bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 5 tới, Ankara sẽ vẫn có xu hướng phê chuẩn Thụy Điện gia nhập NATO trước hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7, sau khi luật chống khủng bố mới của Thụy Điển có hiệu lực vào ngày 1/6, thực hiện một số bước cụ thể làm hài lòng Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Coskun nhận định.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu mới đây cho biết các quan chức Thụy Điển và Phần Lan sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự cuộc họp ba bên nhằm thảo luận về tiến trình thực hiện các biện pháp chống khủng bố của 2 quốc gia Bắc Âu trước hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius.

Phát biểu trước quốc hội khi tranh luận về việc Phần Lan gia nhập NATO, nhà lập pháp Unal Cevikoz, cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại của ứng cử viên tổng thống phe đối lập chính Kemal Kilicdaroglu, cho biết: “Chúng tôi thấy rằng các bước mà Phần Lan và Thụy Điển đã thực hiện đáp ứng được phần lớn kỳ vọng của chúng ta”.

Những tính toán của ông Erdogan

Theo ông Coskun, “Ngay cả khi không có các bước đi của Thụy Điển, nếu ông Erdogan thắng cử, ông ấy vẫn có thể nói với công chúng Thổ Nhĩ Kỳ rằng Ankara đã đạt được những gì họ muốn với những sửa đổi hiến pháp và pháp lý ở Thụy Điển, coi đó là một câu chuyện thành công”.

Ông Mehmet Fatih Ceylan, người đứng đầu Trung tâm chính sách Ankara, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Có khả năng cao quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO sau cuộc bầu cử, cho dù cuộc bầu cử có kết thúc ở vòng đầu tiên vào ngày 14/5 hoặc tiếp tục vòng 2 vào ngày 28/5”.

“Cho dù chúng tôi vẫn cân nhắc thêm trong quá trình chuyển giao quyền lực, vẫn còn thời gian cho đến hội nghị thượng đỉnh ngày 11-12/7”.

Ông Ceylan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét mối quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh Ankara đang tìm cách mua một lô máy bay F-16 mới từ Washington.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trì hoãn việc phê chuẩn Thụy Điển, họ sẽ phải đối mặt với tất cả các thành viên NATO và tôi không nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chọn con đường như vậy. Một số kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được Thụy Điển đáp ứng và Ankara sẽ tìm ra giải pháp dung hòa”, ông Ceylan nói.

Cả ông Ceylan và ông Coskun đều cho rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh sẽ giảm bớt áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ ở sườn phía Nam của NATO, do Nga hiện phải phân bổ nguồn lực ở sườn phía Tây Bắc.

Việc Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO đã làm tăng gấp đôi đường biên giới giữa khối quân sự này với Nga. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực Biển Baltic ở Bắc Âu.

Ông Wolfango Piccoli, đồng Chủ tịch Công ty tư vấn rủi ro chính trị Teneo, cho biết: “Giống như các khía cạnh khác trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ vấn đề được thúc đẩy bởi tính toán chính trị trong nước của ông Erdogan”.

“Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều lợi ích từ việc trì hoãn phê duyệt cho Thụy Điển lâu hơn nữa sau khi bầu cử kết thúc. Giải quyết vấn đề này sẽ có giúp ích rất nhiều cho nỗ lực nâng cấp phi đội F-16 của Ankara, vì chính quyền và Quốc hội Mỹ đã liên kết 2 vấn đề này lại với nhau”, ông Piccoli nói.

“Không ai công khai liên kết vấn đề máy bay chiến đấu F-16 với việc Phần Lan-Thụy Điển gia nhập NATO, nhưng ở hậu trường, rõ ràng là chúng có liên quan”, ông Coskun nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại