Theo CBC News, thảm kịch xảy ra với tàu Titan trong chuyến thám hiểm xác tàu Titanic đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự an toàn của chiếc tàu lặn. Thế nhưng, Titan không phải là con tàu duy nhất từng gặp nguy hiểm tại địa điểm thám hiểm này.
Trước Titan, đã có ít nhất 3 chuyến tàu thám hiểm tới khu vực xác tàu Titanic gặp phải tình huống nguy hiểm "ngàn cân treo sợi tóc", khiến các thành viên trên tàu suýt phải trả giá bằng mạng sống của họ.
Bất lực dưới đáy biển
Một cảnh quay tại địa điểm con tàu đắm đã dẫn tới trải nghiệm cận kề cái chết cho đạo diễn James Cameron.
Vị đạo diễn này đã thực hiện một số chuyến thám hiểm xuống đống đổ nát của tàu Titanic vào mùa thu năm 1995 để chuẩn bị cho bộ phim điện ảnh bom tấn Titanic ra mắt năm 1997. Trong lúc đang thực hiện chuyến lặn biển thứ 3 cùng Tiến sĩ Anatoly Sagalevich và một kỹ sư người Nga thì con tàu chở họ gặp phải cơn bão cát bất ngờ dưới đáy đại dương.
Ông Cameron đã kể lại sự việc trong cuốn "The Futurist" của tác giả Rebecca Keegan năm 2009.
"Ôi không! – Đây là cụm từ mà bạn sẽ không bao giờ muốn nghe thấy hoa tiêu nói. Chúng tôi chỉ biết trơ mắt nhìn nhau" – ông Cameron cho hay.
Việc chống lại dòng chảy mạnh đã làm cạn kiệt nguồn cung cấp năng lượng của tàu lặn, khiến nó gần như cạn kiệt pin.
Ngay lập tức, cả đoàn hủy bỏ chuyến thám hiểm. Tuy nhiên, ở độ cao 25 mét so với đáy biển, chiếc tàu chở họ dường như đã "chạm trần". Nó ngừng nổi lên và chìm trở lại đáy đại dương.
Cameron và những người đồng hành mắc kẹt trong bóng tối suốt nửa giờ, chịu đựng mức nhiệt độ gần như đóng băng để cho pin tàu kịp hồi lại trước khi thử tái khởi động. Tuy nhiên, ở nỗ lực thứ hai, tàu của họ vẫn chỉ dừng ở độ cao 25 mét.
Các thành viên không hề hay biết rằng họ đã bị cuốn vào một luồng khí ập xuống do dòng chảy quanh xác tàu Titanic gây ra. Tuy nhiên, may mắn ở chỗ, mỗi lần luồng khí đó đẩy con tàu của họ chìm xuống, nó cũng đồng thời "thổi" con tàu ra xa Titanic hơn một chút.
Ở lần thứ ba, cả đoàn nín thở khi tàu chạm mốc 25 mét. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi ở lần này, tàu vẫn tiếp tục nổi lên và "phá vỡ" bề mặt phía trên sau 5 giờ đồng hồ.
Trước thảm kịch của tàu Titan, đã có ít nhất 3 chuyến tàu thám hiểm tới khu vực xác tàu Titanic gặp phải tình huống nguy hiểm "ngàn cân treo sợi tóc"
Cú đâm choáng váng
Dù sợ nước, Michael Guillen không muốn bỏ qua cơ hội trở thành phóng viên đầu tiên sau 88 năm đến thăm xác tàu Titanic. Ông nhận được lời mời thám hiểm vào năm 2000.
Hoa tiêu Viktor Nischeta đã đưa Guillen cùng các đối tác của ông tham gia chuyến tham quan đống đổ nát kéo dài 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, khi chiếc tàu lặn băng qua khu vực có mảnh vỡ, họ nhận ra rằng con tàu của mình đang tăng tốc đột ngột. Tình trạng tương tự như tàu thám hiểm của đạo diễn Cameron, con tàu chở Guillen bị cuốn vào một trong những dòng chảy khó đoán của biển sâu.
"Chỉ sau 1 tích tắc, tàu lặn của chúng tôi đâm sầm vào chân vịt của tàu Titanic", ông Guillen kể lại trong cuốn "Believing is Seeing", "Tôi cảm thấy choáng váng sau vụ va chạm. Những mảnh vụn màu đỏ, rỉ sét rơi xuống chiếc tàu lặn, che khuất tầm nhìn của chúng tôi qua lỗ cửa".
Chiếc tàu lặn nhỏ bị kẹt chặt trong vỏ của chân vịt khổng lồ. Khi Nischeta điều khiển con tàu tới lui như một chiếc ô tô đang cố thoát khỏi đống bùn lầy, trong đầu Guillen lóe lên suy nghĩ về viễn cảnh "cầm chắc cái chết".
Sau gần 1 giờ căng thẳng, cả đoàn bỗng cảm nhận được sự thay đổi đột ngột một lần nữa. Tiếng gầm gừ của động cơ ngừng lại, và chiếc tàu lặn có cảm giác "nhẹ bẫng".
"Được rồi sao?" – Guillen ngập ngừng hỏi.
"Không còn vấn đề gì nữa rồi" - Nischeta cười toe toét, báo tin vui cho cả đoàn.
Một tàu ngầm Mir của Nga được kéo lên.
Sự cố ập đến vào phút chót
Tiến sĩ Joe MacInnis đã nhiều lần lặn xuống địa điểm xác tàu Titanic trước khi ông cùng một vài người nữa đồng dẫn đoàn thám hiểm chung Nga-Mỹ-Canada quay lại nơi này vào năm 1991.
Ngoài việc thực hiện các nghiên cứu sinh học và địa chất liên quan tới xác tàu chìm, nhóm thám hiểm đã lên kế hoạch ghi hình lại đống đổ nát bằng công nghệ phim IMAX. Cảnh quay của họ đã trở thành những khung hình chủ đạo trong bộ phim tài liệu Titanica năm 1995.
2 tàu lặn Mir của Nga tham gia chuyến đi đã thực hiện 17 lần lặn xuống khu vực xác tàu Titanic trước đó nhưng lần này, một trong hai tàu đã gặp phải một sự cố lớn.
Khi cả đoàn quay xong và bắt đầu rời khỏi địa điểm thám hiểm, con tàu chở theo Tiến sĩ MacInnis bỗng phát sinh vấn đề. Nó đã vướng phải thứ gì đó.
Sau một lúc hoảng loạn, các thành viên trên tàu liên lạc khẩn với tàu lặn Mir số 2 để được hỗ trợ. Hoa tiêu của tàu Mir số 2 cho biết, bánh đáp bên trái của tàu số 1 đã vướng phải một đống dây lớn, có lẽ là dây cáp điện thoại.
Khu vực xung quanh xác tàu Titanic luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Nhờ kinh nghiệm của mình, hoa tiêu của tàu Mir số 2 đã đưa ra những hướng dẫn chi tiết, từng bước giúp tàu số 1 tìm ra cách di chuyển để thoát khỏi mớ hỗn độn.
"May là chúng tôi có thêm tàu số 2, một hoa tiêu giàu kinh nghiệm và còn khả năng tự cứu hộ", ông MacInnis nói, "Chúng tôi thực sự rất may mắn!".
Cảm giác như trong máy rửa bát
Năm 2005, nhà thám hiểm biển sâu người Pháp Paul-Henri Nargeolet – 1 trong 5 người thiệt mạng trên tàu Titan, đã viết trong bức thư ngỏ gửi tới Bob Ballard - người phát hiện ra vụ đắm tàu Titanic:
"Từ kinh nghiệm 11 năm lặn xuống vị trí tàu Titanic, tôi có thể nói chắc rằng khu vực đáy đại dương xung quanh xác tàu đắm đó không hề tĩnh lặng. Thường thì nó giống như một chiếc máy rửa bát vậy".
Giữa những dòng chảy thất thường, hoàn toàn thiếu hơi ấm và ánh sáng ban ngày, thân tàu rỉ sét với những sợi dây cáp đứt không ngừng vươn ra trong bóng tối để giương bẫy các phương tiện đi ngang qua. Lặn xuống địa điểm xác tàu Titanic luôn là một đề xuất nguy hiểm.
Hiện một cuộc điều tra cặn kẽ đang được tiến hành để làm rõ những gì đã xảy ra trên tàu Titan, song có một điều chắc chắn rằng: Chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro nhưng sẽ không bao giờ an toàn tuyệt đối một khi đã bước tới đại dương sâu thẳm.