Từ "tổ chức khủng bố" thành đối tác hoà bình của Mỹ: Taliban nhen nhóm hy vọng cho Afghanistan

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ông Trump đặt câu hỏi: "Ở cách xa Afghanistan 10 ngàn km, tại sao Mỹ lại phải đưa quân sang tham chiến ở đất nước này?"

Ngày 26/1/2018, Trưởng phái đoàn Mỹ Zalmay Khalilzad và Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar tuyên bố, các cuộc đàm phán gần đây tại Doha giữa Mỹ và Taliban đã đạt được kết quả tích cực chưa từng thấy từ trước tới nay. Hai bên đã đạt được thỏa thuận về những vấn đề mang tính chất nguyên tắc của một giải pháp cho cuộc xung đột Afghanistan.

Thỏa thuận và bất đồng

Thỏa thuận quan trọng nhất mà hai bên đạt được là Mỹ và quân đội nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan trong vòng 18 tháng, Taliban cam kết không cho phép tổ chức khủng bố Al Qaeda, IS và các tổ chức khủng bố khác sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ cho các hoạt động chống lại Mỹ và các nước.

Một dự thảo Hiệp định đã được soạn thảo và hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán vào 25/2 tới.

Tuy nhiên, hai phía còn bất đồng trong một số vấn đề. Taliban vẫn từ chối yêu cầu tiến hành đàm phán trực tiếp với chính phủ Kabul mà Washington đưa ra vì họ không công nhận tính hợp pháp của chính phủ này và cho rằng đây là chính phủ bù nhìn do Mỹ dựng lên.

Taliban cũng chưa chấp nhận đòi hỏi của Mỹ về ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt xung đột với tất cả các phe phái khác của Afghanistan, vì họ muốn có được sự bảo đảm trước từ phía Mỹ để phong trào của họ có thể tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.

Nhìn lại cuộc chiến kéo dài 18 năm vô cùng phức tạp với mối hận thù sâu sắc giữa Mỹ và Taliban, không ai có thể nghĩ rằng Mỹ và Taliban lại có thể ngồi lại với nhau xung quanh bàn đàm phán chứ chưa nói đến những thỏa thuận đạt được ngay trong phiên đàm phán chỉ kéo dài trong 6 ngày (20-26/1/2019).

Việc đạt được thỏa thuận nhanh chóng như vậy thể hiện cả hai bên đã hiểu được rằng, cuộc xung đột không thể giải quyết được bằng quân sự và Washington, cũng như Taliban mong muốn giải quyết sớm vấn đề Afghanistan bằng biện pháp hoà bình.

Động cơ từ đâu?

Theo các nguồn tin của Mỹ, cuộc chiến Afghanistan kéo dài 18 năm kể từ năm 2001 đến nay đã ngốn hết của Mỹ trên dưới 1 ngàn tỷ đô la. Khoảng 150 ngàn người Afghanistan và hơn 2,5 ngàn lính Mỹ bị chết. Hiện nay ở Afghanistan có khoảng 14 nghìn binh sĩ Mỹ. Hoạt động của Mỹ tại Afghanistan tiêu tốn ngân sách nhà nước 45 tỷ đô la hàng năm.

Với sức mạnh quân sự và chi phí khổng lồ như vậy, 18 năm đã qua, Mỹ và các nước Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã không tiêu diệt được Taliban.

Ngược lại, Taliban hiện kiểm soát hơn 60% lãnh thổ đang trở thành một lực lượng chính trị, quân sự có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan. Taliban đang trên thế mạnh, giải pháp cho cuộc xung đột Afghanistan không còn nằm trong tay Washington.

Từ tổ chức khủng bố thành đối tác hoà bình của Mỹ: Taliban nhen nhóm hy vọng cho Afghanistan - Ảnh 2.

Thành viên Taliban tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Mặc dù thỏa thuận cuối cùng giữa Washington và Taliban chưa được ký kết, nhưng động lực để đạt được thỏa thuận là rất mạnh mẽ. Vấn đề mấu chốt nhất là rút quân Mỹ đã được giải quyết. Động thái này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho phiên đàm phán tiếp theo dự kiến tổ chức vào 25/2 tới tại Doha.

Như vậy, có cơ sở để tin tưởng một Hiệp định cuối cùng sẽ sớm được ký kết. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn đạt được thỏa thuận với Taliban để có thể báo cáo về "thành quả lịch sử" này trước cuộc họp Quốc hội thường niên sắp tới.

Trong cuộc họp nội các mới đây, Tổng thống Trump nói: "Việc Liên Xô đưa quân sang tham chiến tại Afghanistan là nguyên nhân dẫn đến sự phá sản và sụp đổ của Liên bang Xô Viết". Ông Trump đặt câu hỏi: "Ở cách xa Afghanistan 10 ngàn km, tại sao Mỹ lại phải đưa quân sang tham chiến ở đất nước này?"

Việc rút quân khỏi Afghanistan sau tuyên bố rút các lực lượng Mỹ khỏi Syria là nằm trong kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm giảm sự có mặt của Washington tại khu vực Trung Đông, phục vụ cho chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông.

Hy vọng hoà bình cho Afghanistan

Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani cũng rất mong muốn giải quyết sớm vấn đề Afghanistan để tập trung xây dựng lại đất nước bị tàn phá.

Từ tổ chức khủng bố thành đối tác hoà bình của Mỹ: Taliban nhen nhóm hy vọng cho Afghanistan - Ảnh 3.

Ngày 28/1/2019, ông Ghani đã tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận đạt được tại các cuộc thương lượng Doha và kêu gọi Phong trào Taliban đàm phán nghiêm túc với chính phủ Kabul để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.

Thỏa thuận Mỹ -Taliban mới chỉ là bước đầu, nhưng hết sức quan trọng.

Qatar là nước đóng vai trò trung gian hoà giải đã có nhiều cố gắng đưa được hai bên vào bàn đàm phán. Các nước có ảnh hưởng lớn đối với cuộc xung đột Afghanistan gồm Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Pakistan, Iran...đều hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Taliban.

Liên Hợp quốc, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước khối quân sự Bắc Đại Tây Dương... đánh giá tích cực kết quả đàm phán Doha.

Thỏa thuận Doha giữa Mỹ và Taliban là bước đầu khích lệ mở ra hy vọng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài, khôi phục lại hoà bình cho đất nước và nhân dân Afghanistan chịu nhiều đau khổ này.

Các mốc chính trong cuộc chiến Afghanistan

◌ 7/10/2001, Mỹ và đồng minh đã tiến hành chiến dịch quân sự mang tên "Tự do bền vững" ở Afghanistan lật đổ chế độ Taliban với lý do Taliban đứng sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11/9/2001. Đến nay, Mỹ đã mất hơn 2,5 ngàn binh sỹ và chi phí hơn 1 ngàn tỷ đô la.

◌ Cuối năm 2014, hầu hết quân đội nước ngoài đã rút khỏi Afghanistan.

◌ Tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một chiến lược mới cho Afghanistan. Người đứng đầu Nhà Trắng nói việc rút quân Mỹ nhanh chóng khỏi Afghanistan sẽ tạo ra khoảng trống cho những kẻ khủng bố tăng cường hoạt động. Đáp lại, Taliban yêu cầu Trump rút quân khỏi Afghanistan.

◌ Năm 2017, Mỹ có khoảng 11.000 quân ở Afghanistan. Tháng 9/2017, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố Mỹ sẽ gửi thêm 3.000 quân tới Afghanistan.

◌ Ngày 21/12/2018, Tổng thống D. Trump tuyên bố sẽ rút một nửa trong số 14.000 lính Mỹ đang phục vụ tại Afghanistan. Ngay sau khi trở thành Tổng thống, ông D. Trump đã có ý định rút quân khỏi Afghanistan vì ông cho rằng cuộc chiến tranh tại đây hết sức tốn kém và không đem lại lợi ích gì cho nước Mỹ.

◌ Tháng 9/2018, chính quyền Mỹ cử Zalmay Khalilzad, người gốc Afghanistan, nguyên Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, Iraq và Afghanistan làm Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ với Taliban.

◌ 20-26/1/2019, các cuộc đàm phán Mỹ-Taliban được nối lại và đạt được thỏa thuận bước đầu quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại