Thỏa thuận lịch sử về biên giới trên biển giữa Israel và Lebanon 'mở đường' đưa khí đốt đến châu Âu

Hữu Hiển |

Ngày 11/10, với Mỹ làm trung gian, Israel và Lebanon đã đạt được thỏa thuận để giải quyết vấn đề biên giới trên biển tranh chấp lâu nay và mở ra một con đường để Israel đưa khí đốt tự nhiên đến châu Âu.

Thỏa thuận lịch sử về biên giới trên biển giữa Israel và Lebanon mở đường đưa khí đốt đến châu Âu - Ảnh 1.

Thủ tướng Lebanon Najib Makati (phải) nhận bản thảo cuối cùng của thỏa thuận về biên giới trên biển giữa Lebanon và Israel từ cấp dưới của mình - ông Elias Bou Saab (trái), trưởng đoàn đàm phán Lebanon - tại Beirut, Lebanon vào ngày 11/10. Ảnh: AP

Thỏa thuận lịch sử làm cả hai bên hài lòng

Theo hãng thông tấn Al Jazeera, ngày 11/10, các nhà lãnh đạo của Israel và Lebanon đã chính thức tuyên bố rằng, hai nước đã đạt được một "thỏa thuận lịch sử" về vấn đề phân định biển, trong đó đề cập đến việc giải quyết tranh chấp biên giới trên biển kéo dài nhiều năm đối với các mỏ dầu khí lớn ở Biển Địa Trung Hải. Cả Israel và Lebanon đều bày tỏ sự hài lòng với thỏa thuận này.

Al Jazeera nhận định rằng, mặc dù phạm vi của thỏa thuận có giới hạn nhưng nó có thể xoa dịu những lo ngại về kinh tế và an ninh giữa hai nước.

Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết trong một tuyên bố rằng, "thành tựu lịch sử" đã bảo vệ an ninh của Israel và "sẽ đóng góp vào lợi ích kinh tế của Israel".

Tổng thống Lebanon Michel Aoun cùng ngày cũng ra tuyên bố cho biết, ông hài lòng với thỏa thuận và Lebanon sẽ thăm dò khí đốt tự nhiên tại vùng biển tranh chấp.

Bộ trưởng Năng lượng Lebanon Walid Fayyad nói với phóng viên Al Jazeera rằng, "bước cuối cùng của thỏa thuận đã được đảm bảo để làm hài lòng chính phủ Lebanon", đồng thời "kỳ vọng thỏa thuận sẽ mang lại thành công và cơ hội cho Lebanon".

Theo Reuters, tối 12/10, Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết tại cuộc họp báo rằng, thỏa thuận giúp duy trì quyền kiểm soát của Israel đối với "ranh giới an ninh" do Lebanon đơn phương thiết lập trên vùng biển giáp ranh giữa Lebanon và Israel; đồng thời, nếu Lebanon khai thác mỏ khí đốt Qana - chủ yếu nằm ở khu vực do Lebanon kiểm soát, Israel sẽ nhận được khoảng 17% thu nhập.

Ông Lapid cho biết, thỏa thuận này sẽ "bơm hàng tỷ USD năng lượng và lợi ích kinh tế" vào Israel, giảm khả năng xảy ra xung đột quân sự với lực lượng Hezbollah của Lebanon và "đảm bảo sự ổn định ở biên giới phía bắc của Israel".

Thỏa thuận lịch sử về biên giới trên biển giữa Israel và Lebanon mở đường đưa khí đốt đến châu Âu - Ảnh 2.

Bản đồ phân định ranh giới trên biển giữa Lebanon và Israel. Nguồn: Lực lượng vũ trang Lebanon

Theo bản đồ phân định ranh giới trên biển do hãng thông tấn AFP công bố, có 4 đường phân định ranh giới quyền lợi giữa Israel và Lebanon. Đường biên giới số 1 (Line 1) là đường biên giới do Israel đăng ký với Liên hợp quốc; đường biên giới số 23 (Line 23) là đường biên giới do Lebanon đăng ký với Liên hợp quốc và Mỹ đã tham gia phân định biên giới; đường biên giới Hof (Hof line) do Đại sứ Mỹ Frederic Hof đề xuất để giải quyết xung đột; đường biên giới số 29 (Line 29) được đề xuất sau khi chính quyền Lebanon cho rằng Line 23 là không chính xác và nước này nên có nhiều chủ quyền hơn. Trong khi đó, các mỏ dầu khí Qana và Karish nằm trên vùng biển tranh chấp giữa hai nước.

Tại cuộc họp báo vào ngày 12/10, Thủ tướng Israel Yair Lapid nhấn mạnh rằng, Israel sẽ khai thác mỏ khí Karish không chậm trễ, xuất khẩu năng lượng sang châu Âu và kiên quyết trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào vào địa điểm này. Ông Lapid cũng cho biết, thỏa thuận này đã được đệ trình lên Nghị viện Israel xem xét trong ngày hôm đó, trước khi được phê duyệt lần cuối bởi một cuộc họp nội các chính phủ.

Thỏa thuận lịch sử về biên giới trên biển giữa Israel và Lebanon mở đường đưa khí đốt đến châu Âu - Ảnh 3.

Thủ tướng Israel Yair Lapid tại buổi họp báo ngày 12/10. Ảnh: Reuters

"Quan hệ đối tác" vẫn xa vời

Nhưng hãng thông tấn Al Jazeera cho biết, Elias Bou Saab - trưởng đoàn đàm phán Lebanon - trước đó từng nói rằng, thỏa thuận không có nghĩa là thiết lập "quan hệ đối tác" giữa Israel và Lebanon; nói một cách chính xác, hai nước vẫn đang trong tình trạng xung đột

Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Eyal Hurata bày tỏ cùng quan điểm với phía Lebanon.

Theo trang "Người quan sát" của Trung Quốc, Lebanon và Israel là láng giềng của nhau, nhưng hai nước vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Cả hai nước đều duy trì một phần Biển Địa Trung Hải rộng khoảng 860 km2 làm vùng đặc quyền kinh tế của riêng mình.

Trước đó, hai bên đã tổ chức một số cuộc đàm phán về phân định ranh giới trên biển, nhưng đàm phán đã bị hoãn vô thời hạn do những bất đồng nghiêm trọng. Các cuộc thăm dò trong những năm gần đây cho thấy khu vực biển tranh chấp rất giàu tài nguyên khí đốt tự nhiên.

Vào tháng 6 năm nay, một tàu khoan khí đốt tự nhiên do Israel thuê để tiến vào mỏ khí đốt Karish trong vùng biển tranh chấp để chuẩn bị cho các hoạt động khai thác. Động thái này đã gây ra các phản ứng mạnh mẽ liên tục từ chính phủ Lebanon và lực lượng Hezbollah.

Sau đó, hai nước bắt đầu đàm phán phân định vùng biển tranh chấp dưới sự điều phối của Mỹ, và ngày 1/10 nhận được bản dự thảo phân định ranh giới trên biển giữa hai nước do Mỹ phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, hai nước có những khác biệt về một số điều khoản trong dự thảo, chủ yếu bao gồm việc có công nhận "ranh giới an ninh" trên biển dài 5 km do Lebanon đơn phương thiết lập trước đó hay không; và liệu Israel có nhận được số tiền tương ứng từ hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Lebanon trên vùng biển tranh chấp hay không... Bởi vậy, hai bên đã tiếp tục phối hợp, đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại