Quốc hội Mỹ đang cố gắng gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ bằng các biện pháp trừng phạt xoay quanh các tranh cãi liên quan đến thương vụ tên lửa S-400 và chiến dịch tấn công ở miền Bắc Syria trong thời gian gần đây.
Đáp lại các động thái của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có thể xem xét đóng cửa hai căn cứ quân sự quan trọng ở phía đông nam nước này, đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ và hoạt động của NATO và Mỹ tại Trung Đông.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng lời đe dọa này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có tác dụng do Mỹ đã có sẵn các căn cứ thay thế trong khu vực, tuy nhiên một số ý kiến khác nhận định đây sẽ là con át chủ bài của Ankara trong việc ứng phó với Mỹ.
Dù không thể làm giảm đi áp lực từ các lệnh trừng phạt nhưng cũng sẽ khiến cho Mỹ và NATO đồng loạt suy yếu sức mạnh.
Lợi thế chưa từng có
Tọa lạc tại tỉnh Adana, chỉ cách 110 km từ biên giới Syria, căn cứ không quân Incirlik đã trở thành một yếu tố chiến lược kể từ khi được thành lập vào năm 1954, đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh vùng Vịnh và các chiến dịch tiêu diệt khủng bố ở Syria, Iraq của Mỹ.
Trong khi đó, Kurecik là một trạm radar đặt tại tỉnh Malatya, từng hoạt động suốt ba thập kỷ cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và đến nay chuyển đổi thành tuyến phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của NATO.
Điều khiến căn cứ trở nên quan trọng đối với NATO là radar AN/TPY-2 (Giám sát vận chuyển Quân đội/Hải quân) được triển khai ở Kurecik có thể ngăn chặn các tên lửa đạn đạo bắn từ Nga và Iran cũng như bảo vệ các thành viên NATO.
Từ góc độ quân sự , vị trí địa lý của Incirlik mang lại hai lợi thế đáng kể cho quân đội và chiến đấu cơ đóng tại đây. Đó là thời gian và nhiên liệu.
Căn cứ không quân cho phép máy bay chiến đấu sử dụng ít nhiên liệu hơn để tới Iraq, Syria và Iran, tất cả các quốc gia giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho phép chiến đấu cơ thực hiện nhiều thao tác hơn.
Ngoài ra, vị trí của căn cứ không quân cho phép các đơn vị chiến đấu hành động ngay lập tức và tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao trong thời gian ngắn nhất, khiến kẻ thù có ít hoặc không có thời gian để trốn thoát.
Do đó, hậu quả từ việc đóng cửa căn cứ có thể gây tổn hại đáng kể cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, quốc gia vừa bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ankara.
"Sự xích mích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã mở đường cho một giai đoạn mà cả hai bên đối đầu với nhau bằng các con át chủ bài", Oytun Orhan, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông (ORSAM), có trụ sở tại Ankara, nói với hãng thông tấn Anadolu.
Thế giới đa cực
Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng dùng át chủ bài để đấu với Mỹ trong thương vụ S-400.
Orhan nhấn mạnh rằng Incirlik là một trong những yếu tố chính trong quan hệ song phương Mỹ-Thổ. Bởi vậy, ông không cho rằng căn cứ này sẽ bị đóng cửa trong ngắn hạn do mối quan hệ chính trị gắn kết sâu đậm giữa hai nước.
"Nếu Incirlik bị đóng cửa, khả năng hoạt động của Mỹ ở Trung Đông sẽ bị giảm sút", ông nói. "Mặc dù Mỹ có thể tìm kiếm căn cứ không quân thay thế nhưng họ sẽ không tìm được nơi nào có ưu thế bằng tại đây".
"Các căn cứ quân sự ở Erbil, miền Bắc Iraq đã được sử dụng trong các hoạt động gần đây, nhưng còn lâu chúng mới cung cấp các cơ hội lớn như căn cứ không quân Incirlik ", Orhan nhấn mạnh, giải thích rằng các căn cứ này không đủ gần biển Địa Trung Hải và khả năng hậu cần của chúng cũng trở nên kém hơn.
Hôm 23/12, Mỹ thông báo sẽ chuyển cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ 95 triệu USD để nâng cấp các cơ sở quân sự, điều cho thấy Washington chưa bao giờ muốn từ bỏ căn cứ không quân tại quốc gia đồng minh.
Chuyển sang quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO, nhà phân tích Orhan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích thái độ gần đây của NATO đối với các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng các thành viên đã không sống theo "tinh thần liên minh". Tuy nhiên, ông loại bỏ khả năng NATO chia tay với Ankara.
"Không thành viên nào của NATO có khả năng loại bỏ một thành viên khác và tôi không nghĩ rằng các quốc gia thành viên sẽ từ bỏ hiệp ước tập thể do liên minh mang đến", ông nói thêm rằng cuộc họp tại London của NATO cho thấy các nước thành viên sẽ tiếp tục hợp tác với nhau bất chấp khủng hoảng niềm tin.
Mỹ dường như không từ bỏ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, vì điều này sẽ dẫn đến ảnh hưởng của Nga ở vùng Kavkaz, Balkan và Trung Đông gia tăng.
Nhà phân tích Orhan kết luận giai đoạn chính trị thế giới đã chứng kiến một sự thay đổi trong những năm gần đây sau khi kết thúc trật tự thế giới lưỡng cực.
"Thế giới đang hướng tới một trật tự đa cực, với các chủ thể khu vực tuân theo các chính sách độc lập hơn, đôi khi gây ra sự leo thang chính trị với các cường quốc toàn cầu. Chúng ta không nên mong đợi sẽ có một quá trình hoàn toàn ổn định như ngày xưa", ông nói.