Máy bay chiến đấu F-35. Nguồn: Huanqiu.
Theo báo cáo mới đây của Defense World, Thổ Nhĩ Kỳ ám chỉ rằng, Ankara sẽ có hành động pháp lý chống lại chính phủ Mỹ, nhằm buộc Washington cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện quyền lợi của mình với tư cách là đối tác của máy bay chiến đấu F-35.
Trước đây, Mỹ đã đơn phương loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 do Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Ông Ismail Demir, người đứng đầu Cục Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quy trình pháp lý vẫn chưa kết thúc. Trang web "Defenceturk" của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Demir nói: "Đây là một thỏa thuận hợp tác. Các đối tác không thể bị loại khỏi thỏa thuận chỉ vì 'chúng tôi bắt bạn rút lui'."
Demir nói: “Mặc dù không có tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán, nhưng chúng tôi thấy rằng, ít nhất sẽ có thêm một số cuộc đàm phán mới trong thời gian tới”.
Theo báo cáo, những gì ông đề cập có thể là việc bắt đầu các thủ tục pháp lý. Ông cũng nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tiêu tốn 1,4 tỉ USD để trở thành đối tác của dự án F-35, đổi lại, nước này sẽ được hưởng các quyền của quan hệ đối tác.
Các quyền này bao gồm việc mua máy bay chiến đấu F-35 và sản xuất các linh kiện để xuất khẩu, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tước bỏ các quyền này.
Được biết, vào ngày 21/4/2021, Mỹ chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về việc loại bỏ Ankara khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35. Năm 2006, Biên bản ghi nhớ do Thổ Nhĩ Kỳ ký với tư cách là một nước đối tác đã bị bãi bỏ, đánh dấu việc Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bị loại khỏi “liên minh F-35”.
Để bảo vệ quyền tham gia dự án máy bay chiến đấu F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với một công ty luật của Mỹ vào tháng 2/2021 nhằm cung cấp tư vấn pháp lý để Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại dự án máy bay chiến đấu F-35.
Cũng có nguồn tin cho rằng, để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ từ chối cấp quyền cho máy bay quân sự Mỹ hạ cánh xuống căn cứ không quân Mỹ ở Incirlik/Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp nào theo tuyên bố của mình.
Hồi năm 2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng tuyên bố sẽ kiện Mỹ lên Tòa trọng tài quốc tế nếu chính quyền Mỹ khi đó ngăn chặn các công ty quốc phòng nước này bán dòng máy bay chiến đấu F-35 cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuyên bố này được đưa ra khi quan hệ hai bên đang dần xấu đi, đến nay, dường như Mỹ đã “quay lưng” hoàn toàn với Thổ Nhĩ Kỳ để buộc Ankara phải đoạn tuyệt hoàn toàn mối quan hệ với Nga.
Mỹ đã bất chấp các lời kêu gọi cải thiện quan hệ từ Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 2/2021, phát biểu trong một chương trình truyền hình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ nguyện vọng tăng cường hợp tác lâu dài với Mỹ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. “Lợi ích chung giữa Ankara và Washington vượt xa sự khác biệt trong quan điểm giữa hai bên”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Khi đề cập đến mối quan hệ song phương bị “thử thách nghiêm trọng” trong những năm gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định rằng Ankara sẽ vẫn thực hiện vai trò của mình phù hợp với mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược với Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp “cành Ô-liu” của Ankara, Washington vẫn cương quyết cắt đứt quan hệ. Thực tế cho thấy, sau khi ông Biden lên nắm quyền, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ chưa ghi nhận những dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Ngoài bất đồng xoay quanh hệ thống S-400, tranh cãi lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Thổ là các hoạt động quân sự tại Syria. Mỹ hỗ trợ các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ xem như khủng bố và mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này.
YPG được cho là trợ thủ đắc lực của Washington trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tấn công lực lượng người Kurd ở cả Syria và Iraq để ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố nhằm vào mình.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ còn bất đồng quan điểm liên quan tới căng thẳng giữa Ankara với các nước trong khu vực như Cyprus và Hy Lạp về ranh giới hàng hải ở đông Địa Trung Hải.