Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Praha (CH Séc), nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng quan hệ của Ankara với Phần Lan “khác với quan hệ Ankara - Thụy Điển”.
Theo ông Erdogan, “Phần Lan không phải là một quốc gia nơi những kẻ khủng bố tự do đi lại”, trong khi Thụy Điển là “một nơi mà khủng bố đang lan tràn”.
“Vì vậy, liên quan đến Phần Lan và Thụy Điển, NATO sẽ phải đưa ra quyết định. Nếu họ đưa ra quyết định có lợi cho Phần Lan, tất nhiên chúng tôi sẽ làm mọi thứ mà chúng tôi được yêu cầu”, ông Erdogan nói, ám chỉ việc Ankara sẵn sàng “bật đèn xanh” cho Phần Lan .
Phát biểu của ông Erdogan được đưa ra cùng ngày khi Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen xác nhận rằng đất nước của ông sẽ xây dựng con đường hướng tới NATO cùng với "đối tác thân thiết của mình là Thụy Điển".
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai quốc gia còn lại trong khối quân sự do Mỹ dẫn đầu vẫn chưa chính thức phê chuẩn việc sáp nhập hai quốc gia Bắc Âu, khiến quá trình này rơi vào tình trạng ngưng trệ do 30 thành viên của liên minh đều cần phải nhất trí về việc kết nạp thành viên mới.
Thụy Điển và Phần Lan từng cho phép những người chạy trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn chính trị, đặc biệt là người Kurd. Đây là điều mà Ankara cho là không thể chấp nhận được.
Để xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, Stockholm và Helsinki ký thỏa thuận 10 điểm cam kết đáp ứng các yêu cầu dẫn độ, loại bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và ngừng hỗ trợ cho các nhóm mà Ankara coi là khủng bố.
Từ tháng 7, cả Thụy Điển và Phần Lan đã thực hiện một số bước để đảm bảo sự chấp thuận của Ankara đối với việc gia nhập NATO. Tuần trước, Thụy Điển thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí mà họ đã áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 liên quan đến hoạt động quân sự của nước này chống lại phiến quân người Kurd ở Syria.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán của Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đầu tuần này, căng thẳng gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập Đại sứ Thụy Điển vì một chương trình truyền hình mà Ankara coi là xúc phạm.
Phần Lan và Thụy Điển, vốn là những quốc gia trung lập trong nhiều thập kỷ, đã quyết định gia nhập NATO sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.