Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến tranh ở Syria: Có phải "một phát súng trúng ba mục tiêu"?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng những lợi thế lớn để "làm khó" Mỹ, khiến Mỹ không thể công khai bảo vệ đồng minh YPG của nước này trong cuộc đụng độ trên lãnh thổ Syria.

Bài toán khó cho Mỹ và đồng minh

Lần thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ đưa binh lính và xe tăng tràn qua biên giới với Syria và thực hiện những hoạt động quân sự trên lãnh thổ Syria.

Thực chất, đây là cuộc chiến tranh thứ hai mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động ở Syria.

Về phương diện pháp lý quốc tế, quốc gia này không được tự ý phát động chiến tranh trên lãnh thổ quốc gia kia. Không phải Thổ Nhĩ Kỳ không ý thức được điều ấy mà chẳng qua, luật pháp quốc tế đâu có còn hiệu lực gì nữa ở Syria.

Những chiến dịch quân sự của Ankara hiện đang nhằm vào lực lượng vũ trang của người Kurd ở vùng miền bắc Syria, giáp biên với Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến công về Manbij. Nguồn: RT

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng này hậu thuẫn Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) bị chính phủ nước này liệt vào "danh sách đen".

YPG lại là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Syria bởi Mỹ sử dụng lực lượng YPG để tiến hành cuộc chiến tranh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trên lãnh thổ của Syria.

Hiện tại, những lực lượng nổi dậy chống chính phủ của tổng thống Bashir al-Assad ở Syria - cho dù được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn đến mấy về mọi phương diện - đã không còn có đủ khả năng lật đổ chính thể của ông Assad nữa.

Do đó, sau khi Nga và Iran tuyên bố đã đánh tan IS ở Syria, YPG càng thêm quan trọng đối với Mỹ.

Mỹ càng phải bám giữ vào YPG nếu như muốn có đối tác ở Syria trong thời kỳ hậu chiến. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là thành viên NATO như Mỹ mà còn chiếm vị trí rất quan trọng mà hiện chưa ai có thể thay thế được của Mỹ nói riêng và của Nato nói chung ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.

Với cuộc chiến tranh hiện tại ở Syria, Ankara đặt Mỹ trước sự lựa chọn là YPG hay Thổ Nhĩ Kỳ với sự trù liệu chắc chắn rằng Mỹ có thể buông rơi YPG nhưng không thể như thế với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến tranh ở Syria: Có phải một phát súng trúng ba mục tiêu? - Ảnh 2.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến về Afrin. Ảnh: AP

 Điều này lý giải vì sao đồng minh ở Syria (YPG) bị đồng minh trong NATO (Thổ Nhĩ Kỳ) tấn công mà Mỹ không đứng ra bảo vệ YPG.

Thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ phát động cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Syria đáng được chú ý ở chỗ IS đã bị đánh bại, ông Assad và chính thể của mình trụ vững hơn bao giờ hết trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Nga và Iran thúc đẩy giải pháp chính trị cho tương lai của Syria.

Có thể thấy, Mỹ, các đồng minh cùng những lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria bị thất thế rõ rệt trước Nga, Iran và chính phủ của ông Assad.

Mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới

Vì thế và trong bối cảnh tình hình ấy, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc chiến tranh mới ở Syria nhằm 3 mục tiêu.

Mục tiêu thứ nhất là đảm bảo có được một vành đai an ninh ở khu vực dọc biên giới với Syria mà cụ thể hơn là vô hiệu hoá tiềm lực quân sự của YPG, ngăn chặn YPG hậu thuẫn cho PKK và chủ động kiểm soát vùng tự trị của người Kurd ở Syria.

Mục tiêu thứ hai là ngăn cản việc thành lập nhà nước độc lập hay tự trị mới của người Kurd ở vùng miền bắc Syria trong giải pháp chính trị cho vấn đề Syria. Có thể thấy ở đây là Ankara sẽ không để cho người Kurd ở Syria, Iraq, Iran hay ở Azerbaijan, càng không thể ở Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập được nhà nước độc lập riêng hoặc cả nhà nước tự trị với quyền tự trị sâu rộng.

Chẳng gì thì ở khu vực này cũng có tới 30 triệu người Kurd, đủ để thành lập và phát triển nhà nước độc lập riêng hùng mạnh ở khu vực.

Mục tiêu thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ là giành về phần xứng đáng ở Syria ở thời hậu chiến.

Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến tranh ở Syria: Có phải một phát súng trúng ba mục tiêu? - Ảnh 3.

Chính phủ của ông Assad và Nga không công khai ủng hộ nhưng cũng không công khai phản đối hành động quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lợi ích của họ khác nhau.

Phía chính phủ Syria không có đủ khả năng về quân sự để ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu người Kurd ở vùng miền bắc bị suy yếu mà Mỹ và đồng minh không bảo vệ thì càng dễ bị chính phủ Syria kiểm soát và dẫn dắt trong giải pháp chính trị.

Phía Nga cũng được lợi bởi Thổ Nhĩ Kỳ hành động như thế gây khó khăn thêm cho Mỹ và đồng minh, làm cho sự phân hoá giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Syria thêm sâu sắc.

Nga càng dễ dàng ràng buộc Thổ Nhĩ Kỳ vào cùng hội cùng thuyền ở Syria. Cũng chính vì thế mà thiên hạ cho rằng Ankara không thể đã manh động mà phải có sự phối hợp với Nga hoặc có được sự làm ngơ của Nga.

Cục diện tình hình mới này sẽ tác động rất mạnh mẽ tới quá trình tiến tới giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại