Theo trang tin Topcor của Nga, vào cuối năm 2019, Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Ukrspetsexport của Ukraine đã bí mật bàn giao các hệ thống phòng không S-125M1 Pechora-M1 cho một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ là KBAT Ithalat Ihracat Mumessillik Ve Danismanlik Ticaret Ltd theo một hợp đồng được hai bên ký kết trước đó.
Điều đáng nói là cả Kiev lẫn Ankara đều giữ bí mật về hợp đồng trên, trước khi bị truyền thông Nga phát hiện ra.
Topcor dẫn lời các nguồn tin quân sự giấu tên cho biết, hợp đồng mua hai hệ thống S-125M1 của Thổ Nhĩ Kỳ có giá trị ước tính vào khoảng 30 triệu USD, cả hai hệ thống phòng không này đều đã được nâng cấp theo yêu cầu của Ankara.
Tên lửa phòng không S-125 của Ukraine trong một cuộc thử nghiệm bắn đạn thật gần đây. Ảnh: aerotechnica.ua.
Cũng theo nguồn tin trên, hợp đồng S-125M1 của Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao gồm đạn tên lửa, đi kèm chúng là các thành phần chiến đấu tiêu chuẩn của Pechora-M1.
Ngoài S-125M1, Thổ Nhĩ Kỳ cũng mua một số hệ thống radar cảnh giới từ Ukraine với giá trị hơn 11 triệu USD, trong số đó gồm hai radar băng tần L MARS-L (7,5 triệu USD) và một radar cảnh giới P-180U (3,6 triệu USD).
Hiện cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Ukraine vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về hợp đồng trên.
Hợp đồng trên ngay lập tức khiến giới quan sát cảm thấy tò mò, bởi kho vũ khí của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hầu hết đều theo chuẩn NATO. Vậy họ cần tới các hệ thống phòng không do Liên Xô chế tạo để làm gì?
Cũng cần phải nói là trong trường hợp các khí tài trên được Ukraine sửa đổi theo chuẩn NATO, thì việc tích hợp chúng vào hệ thống phòng không chung của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay vẫn khá khó khăn.
Do đó, các chuyên gia quân sự Nga tin rằng, hệ thống phòng không vừa được Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Ukraine là dành cho lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA), bản thân lực lượng của GNA cũng từng có kinh nghiệm vận hành tên lửa phòng không S-125.
Với chiến sự ở Libya hiện tại, GNA cần tới các loại vũ khí có khả năng răn đe để ngăn bước tiến của Quân đội Quốc gia Libya của tướng Khalifa Haftar ở các mặt trận như Tripoli hay Misrata. Tuy nhiên, cũng có khả năng Ankara mang các hệ thống S-125M1 tới Syria nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến cuối cùng ở Idlib.
Một số nhà quan sát nhận định, dù S-125 không phải là một hệ thống phòng không mới nhưng nó vẫn thừa sức mạnh gây nguy hiểm cho chiến đấu cơ Nga đang hoạt động ở Syria. Bên cạnh S-125, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ triển khai các hệ thống radar cảnh giới trong khu vực, khiến lực lượng không quân Nga và Syria mất đi yếu tố bất ngờ trong các cuộc không kích.