Phát biểu tại một cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ở Ankara, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu, cho biết Washington và Ankara sẽ thành lập các nhóm làm việc chung để giải quyết những vấn đề gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai bên.
Sau cuộc hội đàm, trong buổi họp báo chung, ông Tillerson nói: "Chúng tôi sẽ không hành động một mình, chứ không phải Mỹ hành động theo một hướng, Thổ Nhĩ Kỳ hành động theo hướng khác".
"Chúng tôi sẽ cùng phối hợp hành động .. giữa chúng tôi có những cơ chế rất tốt để định hướng cho các bên cùng làm việc hiệu quả trong mối quan hệ thống nhất, có rất nhiều công việc phải làm", ông nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ, trong bài phát biểu của mình kêu gọi Ankara "kiềm chế" trong chiến dịch Nhành Olive, tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd được Mỹ hậu thuẫn trong khu vực Afrin miền bắc Syria, nhấn mạnh rằng hai bên “chia sẻ những mục đích tương tự" mà họ muốn đạt được ở quốc gia Ả rập này.
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, các bên nhất trí về “sự cần thiết” bình thường hóa quan hệ giữa các bên.
Mặc dù hai bên không thông báo chi tiết những vấn đề đã được để cập tới trong cuộc hội đàm, nhưng qua những tuyên bố đã nêu có thể nhận thấy: cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều có chung một mục tiêu là chia cắt một phần lãnh thổ - đến gần 50% vùng lãnh thổ Syria nhằm phục vụ cho mục đích chiến lược của mình.
Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn áp đặt quyền kiểm soát lên các khu vực – Ankara là vùng lãnh thổ thuộc tỉnh Aleppo, Washington là vùng lãnh thổ Raqqa và DeirEzzor.
Điểm mâu thuẫn duy nhất hiện này là Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA), Mỹ đang sử dụng Lực lượng Dân chủ Syria SDF, chủ lực là lực lượng dân quân người Kurd (YPG, YPJ) là lực lượng tấn công chính.
Thổ Nhĩ Kỳ, không hề giấu diếm tham vọng muốn chiếm và kiểm soát vùng Afrin, kết hợp với vùng tây bắc Aleppo, do lực lượng Quân đội Syria tự do nắm giữ. Mỹ quyết kiểm soát khu vực Raqqa, Deir Ezzor, nơi có nhiều tài nguyên, giàu mỏ thông qua lực lượng SDF (một tổ chức vũ trang mà chủ lực là lực lượng YPG và YPJ, kết hợp với các nhóm chiến binh người Ả rập cực đoan khác.
Như vậy, chỉ cần không có sự tồn tại của YPG, YPJ, các mục đích của cả 2 bên đều tương đồng nhau. Do đó, cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những cơ chế để loại bỏ “trở ngại” này.
Mâu thuẫn này có thể được giải quyết phù hợp với cả 2 bên, đó là liên minh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đẩy mạnh tấn công ở Afrin, buộc các lực lượng dân quân người Kurd phải đổ về tiếp viện, từ đó làm suy giảm sức mạnh của YPG, YPJ trong địa phận các tỉnh Raqqa – Deir Ezzor. Mỹ tăng cường lực lượng chiến binh người Ả rập, từng bước kiểm soát các địa bàn chiến lược ở Raqqa và Deir Ezzor thông qua những tổ chức tương tự như Hội đồng quân sự Deir Ezzor – DMC.
Những động thái tương tự có thể làm vừa lòng các nước Ả rập đồng minh của Mỹ, phù hợp với mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ . Lực lượng dân quân người Kurd một phần lớn sẽ bị đánh bại, YPG, YPJ tan rã. Trong tình huống này, người Kurd đã tiến hành cuộc chiến đẫm máu chống IS vì lợi ích dầu mỏ Mỹ ở Syria.
Cho đến thời điểm này, YPG vẫn không chịu hạ vũ khí và để quân đội Syria tiến vào Afrin. Có nhiều tín hiệu cho thấy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đang đẩy mạnh tấn công.
Điều mà ông Tillerson gọi là “kiểm chế” được hiểu là phải tấn công đủ lâu để lực lượng YPG, YPJ tập trung về Afrin đông nhất, làm suy giảm sức mạnh chiến đấu cũng như ngăn cản không cho YPG thỏa thuận với chính quyền Syria. Bước loại bỏ những thành phần “không còn cần thiết” bắt đầu.