Thổ can thiệp quân sự vào Syria
Cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria 2 tuần trước được phát động trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn đang tiếp diễn ở Idlib, nơi hơn 700.000 người đã phải di tán kể từ tháng 12/2019, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.
Idlib là thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria, do đó, sự sụp đổ của nó sẽ củng cố chiến thắng cho chính quyền Assad sau 9 năm xung đột. Chỉ 4 năm trước đây, Tổng thống Bashar al-Assad đã thề sẽ giành lại từng tấc đất lãnh thổ rơi vào tay quân nổi dậy.
Song, cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria đã làm trì hoãn những kế hoạch đó, biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một phe tham chiến lớn trong cuộc xung đột vốn đang trên đà trở thành chiến thắng toàn diện cho Nga-Iran.
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ được phát động để đáp trả chiến dịch quân sự mở rộng mà quân đội Tổng thống Assad tiến hành nhằm tái chiếm Idlib – đây cũng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc, dẫn tới những tác động tiêu cực đến biên giới và các chính sách đối nội của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đã chấp nhận hàng triệu người tị nạn Syria, làm mất tinh thần một số bộ phận dân cư và tầng lớp chính trị. Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị hạn chế trong bối cảnh này, nó tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo thay vì tái sinh lực lượng nổi dậy (và chiến tranh) để tạo ra một động lực tốn kém và mạo hiểm đe dọa sự sống còn của chính quyền ở Damascus.
Tuy nhiên, cuộc can thiệp này có thể cho phép nhiều khả năng mới xuất hiện cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch quân sự vào Idlib.
Theo chuyên gia Ranj Alaaldin đến từ Viện nghiên cứu Brookings ở Doha (Qatar), cuộc can thiệp vào Idlib đã mở đường cho chính sách ngoại giao cưỡng bức: Ankara sử dụng lực lượng vũ trang để thiết lập lằn ranh đỏ - điều hiện đang ngăn cản Idlib rơi vào tay chính quyền Assad, trong khi củng cố vị thế đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ tại các cuộc đàm phán song phương trong tương lai với Nga.
Mặc dù trong những năm gần đây phương Tây tỏ ra khá im ắng do e sợ sẽ kích động xung đột với Nga, nhưng các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy một phần sự e dè đó là do phương Tây tự áp đặt và có thể không liên quan gì tới tính toán của Moscow.
Ankara đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các lực lượng vũ trang của Assad, bao gồm cả những nhóm phiến quân trung thành với chính phủ và các lực lượng ủy nhiệm của Iran, khi những lực lượng này không nhận được sự yểm trợ của các chiến đấu cơ Nga.
Trên thực tế, Nga không muốn tấn công các đối thủ của mình một cách trực diện ở Syria bởi nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tranh với phương Tây và đồng minh.
Tương tự như phương Tây, Moscow đã đối diện với rất nhiều sự e sợ và rủi ro khi can thiệp vào Syria năm 2015 nhưng họ vẫn chưa có lấy một cơ hội nào để có thể đánh giá cao vượt mức năng lực quân sự của mình hay xem xét lại những chính sách của họ dưới áp lực từ phía những hành động quyết đoán của phương Tây (đây cũng là lý do cuộc chiến tại Syria chỉ giới hạn ở chiến dịch chống IS).
Moscow sau đó đã lựa chọn vừa bảo toàn sự tồn vong của chính quyền Syria, vừa tiếp tục trao cho mình quyền trấn áp ở quốc gia này.
Có thể Ankara không đạt được tất cả mục tiêu đã định ở Idlib nhưng họ đã làm trì hoãn tiến độ giành quyền kiểm soát của quân chính phủ Syria đối với khu vực này.
Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga để tạo ra một vùng đệm dọc đường cao tốc chiến lược M4. Tuy nhiên, không rõ thỏa thuận này có thể kéo dài hay không khi quân chính phủ Syria đang thể hiện quyết tâm tái chiếm Idlib.
Do đó, câu hỏi được đặt ra liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể tận dụng động lực mà cuộc can thiệp quân sự của họ mang lại để đạt tới một dạng của chính sách ngoại giao cưỡng bức hay không.
Nghệ thuật của chính sách ngoại giao cưỡng bức
Chính sách ngoại giao cưỡng bức được lên ý tưởng để khiến đối phương buộc phải dừng hoặc không thực hiện một hành động nào đó, bằng (hoặc có thể không dùng tới) hành động quân sự.
Điều mấu chốt ở đây là đảm bảo mức độ răn đe của lực lượng mình ở mức đáng tin cậy và thúc ép đối thủ buộc phải tuân thủ những yêu cầu mà phía cưỡng chế đưa ra.
Một khi lực lượng vũ trang được sử dụng (như trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ) thì nó đã thể hiện cho các đối thủ tham chiến thấy sự quyết tâm và sẵn sàng leo thang cuộc xung đột quân sự, từ đó dẫn tới các bước leo thang tiếp theo (theo chiều hướng tăng tiến hoặc ngược lại), tùy thuộc vào phản ứng của bên mục tiêu.
Điều này khác với khi sử dụng lực lượng quân sự quy ước trong trường hợp các chính sách ngoại giao bị gạt ra ngoài lề hoặc loại bỏ, và khác với khi lực lượng vũ trang được triển khai để quyết chiến, áp đảo đối phương nhằm đạt được các mục tiêu quân sự.
Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao cưỡng chế cũng khác với răn đe, bởi đây không phải là chiến lược nhằm đe dọa các đối thủ, ngăn cản họ tiến hành các hành động thù địch mà vốn dĩ chưa được khởi xướng.
Nói cách khác, cuộc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ và việc sử dụng vũ lực trong tương lai giờ đây có thể hợp thành một chiến lược ngoại giao có yêu sách rõ ràng, chẳng hạn như ngăn chặn Idlib rơi vào tay quân chính phủ Syria.
Điều này có thể buộc chính quyền Assad và Nga phải đưa ra tính toán có lợi về chi phí nếu họ muốn tiến hành các nỗ lực trong tương lai để tái chiếm Idlib.
Cuộc can thiệp quân sự vào Syria cho thấy Moscow có thể bị gây áp lực và phải ngồi vào bàn đàm phán?
Một cuộc can thiệp tương tự khác của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ dữ dội hơn, và có thể vô tình tạo ra động lực phá vỡ sự ổn định của chính quyền Assad. Đây là những tính toán mà chính quyền Assad và Nga vẫn chưa nghĩ đến trước đây.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã làm bộc lộ những điểm yếu kém, có thể khai thác được của đối thủ. Thứ nhất, cuộc can thiệp này cho thấy Moscow có thể bị gây áp lực và phải ngồi vào bàn đàm phán dưới tác động của lực lượng quân sự.
Thứ hai, cuộc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chính phủ Syria đang phụ thuộc nặng nề vào các thế lực bảo trợ nước ngoài, quân đội của họ trang bị quá nghèo nàn để có thể đẩy lùi sự can thiệp của các thế lực ngoại bang, nếu không nhận được sự bảo vệ từ Moscow, nhất là từ trên không.
Song, vẫn còn rất nhiều việc mà Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả Mỹ, phải làm. Cả Ankara và Washington đều đang có những lợi ích chung ở Syria: Ngăn chính quyền Assad hồi sinh và khôi phục quyền kiểm soát đối với toàn vẹn lãnh thổ Syria; ngăn chặn sự ảnh hưởng của Iran, trì hoãn cuộc dàn xếp sau chiến tranh cho phép Syria có cơ hội tái thiết sau xung đột nhờ dòng tiền hỗ trợ từ bên ngoài.
Washington và Ankara đều đồng thuận rằng, việc nhượng lại các khu vực do phiến quân nắm giữ cho chính quyền Syria và để cho họ tái lập chủ quyền đối với những khu vực này sẽ làm suy yếu các mục tiêu chung của cả 2 bên và khiến cuộc khủng hoảng tị nạn (một trong những mối lo ngại chính của Thổ Nhĩ Kỳ) trở nên tồi tệ hơn.
Thế nhưng, Mỹ không sẵn lòng dốc lực lượng và nguồn lực của mình vào Idlib. Bên cạnh đó, liên minh Mỹ-Thổ vẫn bị rào cản bởi cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đảng Lao động người Kurd (PKK) và sự phụ thuộc của Mỹ vào tổ chức YPG. Ngoài ra, còn có những mâu thuẫn tồn tại giữa hai phía sau khi Ankara quyết định mua tổ hợp tên lửa S-400 từ Nga.
Có thể nói, cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria sẽ mở ra những triển vọng mới để khôi phục liên minh Mỹ-Thổ, dù không trên cơ sở bền vững. Mỹ cũng nên đánh giá trước cách họ có thể ứng phó và tham gia vào cuộc khủng hoảng Idlib trong lần tới, nếu Thổ tiến hành một cuộc can thiệp khác và dấn vào một vòng xung đột mới với chính quyền Assad.
Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể không mang lại một sự chuyển đổi nào đáng kể nhưng cuộc tấn công của họ đã đắp thêm một lớp mới cho cuộc chiến tranh mà còn lâu mới kết thúc. Điều đó có thể sẽ tạo ra cơ hội cho Washington theo những cách không ngờ tới.