Với Antonina Palomo Cross, cuộc chiếm đóng đảo Guam của Nhật Bản bắt đầu với nỗi kinh hoàng tại nhà thờ. Cô bé 7 tuổi khi đó đang dự lễ cùng gia đình thì nghe thấy tiếng bom nổ rầm rầm, còi báo động và tiếng la hét hoảng loạn.
Sự kiện kết thúc với việc gia đình Cross cuối cùng phải khiêng thi thể người em gái gầy yếu của cô đến một trại tập trung của phát xít Nhật.
Theo hãng thông tấn AP, năm nay ở tuổi 85, bà Antonina Cross nằm trong số hơn 3.000 người dân bản địa trên đảo Guam đang mong đợi nhận được khoản bồi thường từ chính phủ Mỹ cho những đau khổ của họ dưới thời phát xít Nhật trong Thế chiến thứ hai.
Các khoản thanh toán từ 10.000 đến 25.000 USD – từ tiền thuế liên bang vốn dành cho chính quyền đảo Guam - sẽ được trao cho những người bị lao động cưỡng bức hoặc bị thương nặng, bị hãm hiếp hoặc mất người thân trong gần 3 năm vùng lãnh thổ Mỹ bị chiếm đóng.
“Tôi rất vui được nhận tiền”, bà Cross cho biết sau khi đơn đăng ký bồi thường của bà được chấp thuận. "Số tiền vẫn chưa rõ, nhưng chắc sẽ giúp được tôi một chút”, bà nói.
Bà Antonina Palomo Cross, 85 tuổi tại Văn phòng Bồi thường chiến tranh tại Tamuning, Guam ngày 7/2/2020. Ảnh: AP
Bà Cross đã nghỉ hưu, sống dựa vào lương hưu và tiền trợ cấp an sinh xã hội. Người phụ nữ giờ đã lên chức cụ nói rằng, số tiền bồi thường sẽ có ích cho nhiều người bản địa cao tuổi trên đảo Guam giống như bà.
Mỹ đã lần đầu tiên chiếm được đảo Guam trong cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha năm 1898. Họ chỉ duy trì một đội quân nhỏ trên đảo khi nơi đây bị quân Nhật tấn công, cùng ngày diễn ra cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng. Nhiều người đã bị bắt làm tù binh hoặc bị giết hại.
Nhưng hầu hết những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiếm đóng của phát xít Nhật là người bản địa Chamorro, họ bị tra tấn, hãm hiếp và chặt đầu. Ước tín hơn 1.100 người đã thiệt mạng trong thời gian đảo bị chiếm đóng.
Gia đình bà Cross phải rời bỏ nhà cửa ở Hagatna, bị buộc đến một trại tập trung vào năm 1944. Cô bé Cross phải học tiếng Nhật và cúi đầu chào theo hướng Nhật Bản. Em gái của Cross là một trong nhiều đứa trẻ Chamorro chết vì suy dinh dưỡng trong thời gian chiếm đóng. Chuỗi ngày tháng này chỉ kết thúc sau khi quân đội Mỹ trở lại và buộc quân Nhật đầu hàng sau một trận chiến đẫm máu.
Việc các khoản bồi thường được trao lúc này là kết quả nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ của các nghị sĩ Mỹ tìm cách thuyết phục Quốc hội rằng người dân đảo Guam xứng đáng được đền bù cho những gì họ phải gánh chịu bởi cuộc chiếm đóng của Nhật Bản.
“Vào thời điểm người Chamorro hứng chịu ách áp bức của quân Nhật, họ đã có cảm giác bị chính quyền Mỹ bỏ rơi, và tâm trạng đó đến nay vẫn chưa hết”, cựu nghị sĩ đại diện Guam Robert Underwood nói.
Binh sĩ Mỹ đi qua một nghĩa trang bị bom san bằng ở Agana, Guam năm 1944. Ảnh: AP
Năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama đã ký quyết định bồi thường thiệt hại chiến tranh cho người dân đảo Guam. Theo đó, người bị giam giữ hoặc bắt đi sẽ nhận 10.000 USD, người bị lao động cưỡng bức hoặc bị thương nhận 12.000 USD; 15.000 USD cho những người bị thương nặng hoặc bị hãm hiếp; và 25.000 USD cho con, vợ /chồng hoặc cha mẹ của những người bị giết hại
Số tiền trên phản ánh các khoản bồi thường chiến tranh tương tự được trả cho những người sống sót ở các vùng lãnh thổ khác bị Nhật Bản chiếm đóng.
Nhiều người sống sót thậm chí nói rằng họ cảm thấy tội lỗi khi nhận tiền bồi thường trong khi cha mẹ và anh chị em của họ đã chết mà chưa nhận được gì.
Một đạo luật của Mỹ năm 1945 đã cho phép cư dân đảo Guam một năm để nộp đơn xin bồi thường thiệt hại chiến tranh. Tuy nhiên, những sự chậm trễ đã thu ngắn thời gian này xuống chỉ còn 7 tháng và phần lớn trong số 8 triệu USD bồi thường được chi do mất tài sản, chứ không phải do chết và thương tích. Guam cũng bị loại ra khỏi các đạo luật cho phép bồi thường cho công dân Mỹ bị Nhật Bản bắt giữ trong chiến tranh.
Vào năm 2004, một Ủy ban Đánh giá Khiếu nại Chiến tranh cấp liên bang đã phát hiện ra rằng Mỹ có nghĩa vụ đạo đức phải bồi thường thiệt hại chiến tranh cho Guam một phần vì họ đã ký hiệp ước hòa bình năm 1951 tha thứ cho Nhật Bản về trách nhiệm trả tiền bồi thường xâm chiếm lãnh thổ.
Đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ ngày nay. Ảnh: AP
Tuy nhiên, chương trình trên hiện tại vẫn còn hạn chế. Chỉ những người còn sống khi Tổng thống Obama ký quyết định mới đủ điều kiện tham gia và họ phải nộp đơn từ ngày 20/6 /2017 đến ngày 20/6/2018. Quy định này vì thế đã loại bỏ hàng ngàn người đã chết trong 7 thập kỷ qua và bất kỳ ai bỏ lỡ thông báo về thời hạn của Chính phủ Mỹ.