Trung Quốc là “kẻ ngoài cuộc” trong cuộc chiến chống lạm phát đang nổ ra ác liệt tại nhiều nền kinh tế phát triển, nhưng vị thế đó có thể thay đổi trong bối cảnh giá thịt lợn tại quốc gia này liên tục đi lên.
Chính quyền Trung Quốc ngay lập tức khởi động một kế hoạch nhằm kiểm soát đà tăng giá trên thị trường thịt lợn, một mặt hàng chiến lược quyết định việc Trung Quốc có hoàn thành được mục tiêu lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế hay không. Giá thịt lợn hơi tương lai trên sàn giao dịch Đại Liên tăng lên ngưỡng cao nhất năm nay, trong khi đó, giá thịt lớn bán buôn tăng lên đỉnh 6 tháng.
Bắc Kinh nỗ lực kéo giảm giá nhiều hàng hóa trong hơn một năm qua khi đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine gây ra tình trạng thiếu hụt một loạt các nguyên liệu quan trọng như đồng và than. Tuy nhiên, đà tăng giá thịt lợn ở thời điểm hiện tại dường như là điểm khởi đầu cho một chu kỳ tăng giá, thường kéo dài từ 3-4 năm. Goldman Sachs ước tính chu kỳ tăng giá này có thể đẩy tốc độ tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc lên cao hơn ngưỡng mục tiêu 3% của ngân hàng trung ương.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết họ đang nghiên cứu phương án xả thịt lợn từ kho dự trữ chiến lược quốc gia nhằm chặn đứng đà tăng nhanh của mặt hàng này. Cơ quan này yêu cầu các chủ trang trại duy trì sản lượng ổn định, không tích trữ đầu cơ. NDRC cũng đang làm việc với sàn giao dịch Đại Liên nhằm gia tăng hoạt động thanh kiểm tra các thị trường giao ngay và tương lai thịt lợn, theo một thông báo phát đi ngày 5/7.
Dưới đây là 5 đồ thị giải thích tại sao giá thịt lợn lại tăng mạnh trong thời gian qua và những ảnh hưởng từ hiện tượng này tới triển vọng lạm phát của Trung Quốc.
Mỗi chu kỳ tăng giá thịt lợn thường kéo dài từ 3-4 năm. Ảnh: Bloomberg.
Chính phủ Trung Quốc không còn xa lại với những lần can thiệp thị trường nhằm kiểm soát đà tăng giá thịt lớn trong vài năm trở lại đây, đặc biệt sau khi giá mặt hàng này tăng cao kỷ lục vào năm 2019 do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi. Họ có thể làm việc trực tiếp với người nông dân, khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi và giải phóng thịt lợn khỏi kho dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, họ sẽ phải đối đầu với một “thế lực” rất lớn.
“Khi người tiêu dùng tin rằng giá cả sẽ tăng lên, họ có xu hướng tích trữ, và tình hình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nhưng một khi kỳ vọng đảo chiều, giá cũng sẽ ngay lập tức giảm xuống”, Lin Guofa, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Bric Agriculture Group, chia sẻ.
Giá thịt lợn tăng kéo tăng áp lực lạm phát. Ảnh: Bloomberg. |
Giá thịt lợn tăng ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu hộ gia đình, vốn đã gặp khó trong một thời gian dài chính phủ Trung Quốc theo đuổi chiến lược zero Covid. Bên cạnh tác động trực tiếp, thịt lợn còn là một mặt hàng thực phẩm quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng hóa dùng để đo lường tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) làm gia tăng áp lực giá cả nói chung.
Trong tháng 5/2022, giá thịt lớn trong rổ hàng hóa CPI hiện vẫn thấp hơn so với một năm trước đó. Nếu không tính tới giá thịt lợn, CPI của Trung Quốc tăng tới 2,4% thay vì 2,1% trên thực tế. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi khi giá thịt lợn liên tục tăng lên.
Trong một báo cáo công bố trong tuần trước, Goldman Sachs và một số chuyên gia kinh tế dự báo tình trạng giá thịt lợn tăng tại Trung Quốc có thể đẩy tốc độ tăng trưởng CPI trong nửa cuối năm nay lên cao hơn ngưỡng mục tiêu 3%, khiến cho quan điểm tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thả lỏng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gặp không ít thách thức.
Đàn lợn nái đi xuống kéo theo số lượng đầu lợn con. Ảnh: Bloomberg. |
Giống như nhiều hàng hóa khác, yếu tố thúc đẩy giá thịt lợn chính là sự mất cân bằng cung-cầu. Nguồn cung đầu lợn sữa hiện đang thiếu hụt sau khi giá lợn giảm mạnh trong năm 2021, khiến người nông dân giảm số lượng lợn nái và không thiết tha tái đàn.
Đàn lợn nái tại Trung Quốc bắt đầu giảm từ cuối quý III/2021 cho tới cuối tháng 3 năm nay, và quá trình phối giống, thai nghén, sinh sản và giết mổ kéo dài khoảng 10 tháng. Do đó, tình trạng thiếu hụt thịt lợn tươi đang dần trở nên rõ rệt. Đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hồi phục sau khi các quy định phòng dịch được nới lỏng.
Tỷ lệ giá thịt lợn/giá ngô giảm xuống dưới ngưỡng hòa vốn. Ảnh: Bloomberg. |
Chi phí chăn nuôi cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới số lượng đàn lợn. Tỷ số giá thịt lợn trên giá ngô thấp hơn, đồng nghĩa với lợi nhuận trên mỗi đầu lợn giảm xuống, do đó, người chăn nuôi mất dần động lực gia tăng sản lượng.
Điểm hòa vốn là khi giá lợn cao gấp 6 lần giá ngô, một loại thức ăn chính trong ngành chăn nuôi lợn thịt, theo Citic Securities Co. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống trong 4 tháng liên tiếp, và chạm đáy 2 năm hồi tháng 3 vừa qua.
Lượng thịt lợn được giao dịch thấp hơn so với nhu cầu thực tế của thị trường. Ảnh: Bloomberg. |
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu bổ sung thịt lợn đông lạnh vào kho dự trữ quốc gia từ tháng 3, thời điểm biên lợi nhuận của người chăn nuôi sụt giảm mạnh nhất.
Nhưng kể cả khi thị trường thịt lợn phục hồi, có rất ít người bán tham gia vào các phiên đấu giá. Chính phủ Trung Quốc dự tính mua thêm 160.000 tấn thịt lợn trong tháng 6 nhưng chỉ có thể hoàn thành được một phần nhỏ kế hoạch đó.
Chi phí chăn nuôi ngày một tăng, nhu cầu thị trường cũng đi lên sau khi các lệnh hạn chế được gỡ bỏ, bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi lại giảm đàn trong năm ngoái, “đây là những yếu tố thuận lợi để kéo giá lợn ”, theo lên cao, Even Pay, Chuyên gia phân tích tới từ Trivium China, chia sẻ.
Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi sở hữu đàn lợn lớn liên tục tăng trong những ngày gần đây. Trong phiên giao dịch 5/7, giá cổ phiếu của Muyuan Foods Co. tăng 3,1% trên sàn Thâm Quyến, nối dài đà tăng lên tới 10% một ngày trước đó. Giá cổ phiếu của new Hope Liuhe Co. tăng ngày thứ 4 liên tiếp trong khi Wens Foodstuff Group tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ tháng 9/2020.