Thiếu Ukraine, siêu tăng T-14 Armata chưa thể hoàn thiện sức mạnh

Nam Đồng |

Theo giới chức quốc phòng Nga, dự kiến sau năm 2019, xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới T-14 Armata sẽ chính thức được biên chế cho quân đội nước này.

Т-14 được coi là một khái niệm hoàn toàn mới về xe tăng do Nga phát triển. Trong hàng loạt phát minh nổi bật của Armata, đáng chú ý nhất là tháp pháo không người điều khiển, khoang lái biệt lập, hệ thống vũ khí riêng biệt. Những đặc trưng trên cho phép kíp xe có khả năng sống còn cao trong tình huống đạn xuyên đánh trúng tháp pháo khiến đạn dược phát nổ.

Armata sử dụng công nghệ tàng hình với lớp sơn phủ đặc biệt, giúp giảm thiểu bộc lộ hồng ngoại lẫn tín hiệu phản xạ radar. Vỏ giáp của xe chịu được sức công phá của tất cả các loại tên lửa chống tăng hiện có. Toàn bộ tổ hợp vũ khí, thiết bị nạp đạn tự động hay kiểm soát hỏa lực đều được số hóa.

Ngoài ra xe còn có "bộ não" trí tuệ nhân tạo, nhanh chóng cảnh báo các vấn đề kỹ thuật và đưa ra đề xuất về phương án xử lý. Armata được lắp thiết bị quan sát đa tầm, giúp kíp xe không chỉ quan sát ở cự ly xa mà còn nhìn được xung quanh thân xe, phát hiện các nguy cơ đe dọa cũng như phân biệt địch - ta.

Thân xe Armata còn là nền tảng cho các phương tiện chiến đấu dùng chung khung gầm do Tập đoàn Uralvagonzavod phát triển, bao gồm xe bộ binh chiến đấu hạng nặng, xe yểm trợ hỏa lực tăng thiết giáp, xe sửa chữa cứu kéo...

Thiếu Ukraine, siêu tăng T-14 Armata chưa thể hoàn thiện sức mạnh - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15 sử dụng khung gầm Armata

Tuy nhiên có hai vấn đề mà T-14 Armata vẫn phải tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo ra ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ đến từ NATO, đó là sức mạnh hỏa lực và độ cơ động. Được xác định là xe tăng chủ lực của tương lai, Armata yêu cầu phải vận động linh hoạt không thua kém T-80 trước kia, thậm chí còn cao hơn.

Trong khi dự án nghiên cứu chế tạo pháo chính cỡ nòng 152 mm cho Armata nhằm thay thế khẩu 2A82 cỡ 125 mm sử dụng tạm thời vẫn tiến triển tốt đẹp thì vấn đề động cơ lại đang kiến Nga cảm thấy đau đầu.

Cần lưu ý rằng kích thước lẫn trọng lượng cơ sở của T-14 đều lớn hơn T-80 và T-90, do vậy theo dự tính ban đầu, "trái tim" của T-14 phải đạt công suất máy 1.500 - 2.000 mã lực, cung cấp tốc độ tối đa lên tới 70 - 90 km/h, tầm hoạt động tối thiểu 500 km.

Phương án tối ưu cho động cơ của Armata chắc khó có lựa chọn nào khác ngoài việc lắp đặt loại turbine khí vì nó đáp ứng tốt cả hai yêu cầu về kích thước nhỏ gọn lẫn mức độ sinh công, nhược điểm giá thành đắt đỏ hay phức tạp trong công tác bảo trì là chấp nhận được đối với vũ khí mang lại bước ngoặt trên chiến trường.

Nhưng đáng tiếc rằng hiện tại nền công nghiệp quốc phòng Nga chưa đủ khả năng sản xuất động cơ turbine khí đảm bảo chất lượng, toàn bộ cơ sở vật chất đang nằm trên đất Ukraine do sự phân công lao động từ thời Liên bang Xô Viết. Với tình hình căng thẳng chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc đặt mua mặt hàng này từ Kiev là bất khả thi.

Giải pháp tình thế mà người Nga áp dụng là động cơ diesel A-82-2 công suất máy 1.200 mã lực, nó chẳng mạnh mẽ hơn bao nhiêu so với V-92S2F 1.130 mã lực đang lắp trên T-72B3M cùng T-90MS và chưa thể đáp ứng kỳ vọng ban đầu. Rõ ràng việc thiếu vắng yếu tố Ukraine đã để lại khoảng trống mênh mông mà Moskva khó lòng khắc phục trong một sớm một chiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại